Biên giới quốc gia (Государственная граница) 1980-1988

Status
Không mở trả lời sau này.

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
CHÚC CÁC BẠN CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT
thật vui vẻ bên người thân và bạn bè

cùng Tập 2 Phim thứ 3 của "BIÊN GIỚI QUỐC GIA"
Có thể thấy không khí trong cộng đồng người Nga hải ngoại những năm 20-30 thế kỷ XX qua bài hát “Cô nữ sinh viên” (Институтка) - một ca khúc phổ biến của họ thời ấy (Lời Việt tôi tạm dịch để kịp làm Vietsub):

Anh đừng nhìn mọi thứ kiểu phán xét như thế,
Khi thấy điệu bộ của con bé đang đói này.
Chỉ sau hai mươi giây mà em đã chớm say,
Vì nếm một ly rượu vodka nấu từ chuối.
Vì em là nữ sinh viên, là con gái của quan thị vệ,
Là mảnh vỡ của quá khứ, là hồng ngọc nhuộm máu,
Bây giờ “tú ông “tú bà” là bầu không khí của em...
Chào đồng hương hải ngoại! Chào Cáp Nhĩ Tân tự do!

Tháng Mười cha tôi không cố sức để chạy đi,
Và cha tôi đã làm quá nhiều cho màu cờ trắng...
Thời hạn đã đến, và vang lên lệnh: "Bắn!"
Bản án của tòa án quân sự đã được thi hành.
Đây, em là nữ sinh viên, là con gái của quan thị vệ,
Là viên hồng ngọc đáng hổ thẹn của cha.
Cuộc đời không còn ý nghĩa hay mục đích nào nữa...
Chào đồng hương hải ngoại! Chào Cáp Nhĩ Tân tự do!

Đại tá, sao trên trán ngài nhiều nếp nhăn thế?
Hãy rũ sạch bụi đắng cho Tổ quốc yêu thương!
Chúng ta - những chiếc lá vàng tả tơi bị bão cuốn,
Và bất hạnh thay, đây là nỗi buồn ta đã trải qua ...
Vâng, em là gái làng chơi, là con gái của quan thị vệ,
Không ai có thể tha thứ và thương xót gì cho em!
Và không còn Chúa, không còn niềm tin nữa -
Chào đồng hương hải ngoại, một lời chào vĩnh biệt!

 

Nguyễn Khang

Thành viên thường
Xem bộ phim này , mới thấy trình độ tay nghề của các nhà điện ảnh Xô Viết mới điêu luyện tới mức nào. Mà đây chỉ là Belaruxfim thôi đấy,chưa nói gì đến Motxfim , Lenfim ,Rigioxkifim... Quang cảnh đất nước Xô Viết những năm đầu mới thành lập được tái hiện lại rất chân thực. Trang phục của quân đội Nga , Đức và sau này là Hồng quân đúng như những gì chúng tôi đã nhìn thấy trong sách báo , phim tài liệu và trong các Bảo tàng. Hình ảnh những nhân vật nổi tiếng và các hành động của họ như Stalin , Menzinxki được hóa trang như thật ,đặc biệt là cách phát âm tiếng Nga của Stalin mang nặng âm sắc Gruzia , cách ông ấy đánh diêm và rít thuốc lá… rất giống với đời thường. Điều đó càng làm bộ phim trở nên hấp dẫn…Tôi ước mơ , chúng ta có một bộ phim về đề tài gìn giữ biên cương có tầm cỡ như thế này. Thiếu gì những sự kiện hay như thế…
Về thành phố Kharbin , thì đối với những ai xem phim này lần đầu tiên sẽ có cảm giác đây là một thành phố Nga. Chính bạn tôi đã thốt lên : “ Ở đây , người da trắng nhiều hơn Trung Quốc ! “ .Hồi chúng tôi đi qua đây , chúng tôi cũng có dịp chiêm ngưỡng thành phố này. Quả thực , nó cũng khác với Bắc Kinh , Trường Xuân và một số nơi khác mà chúng tôi đã đi qua. Có vẻ như Kharbin sầm uất hơn, nhiều nhà máy hơn. Tại sân ga , nơi tàu dừng lại rất lâu để chất thực phẩm , tôi thấy đường tàu chi chít , công nhân và hành khách đi lại rất tấp nập.Cạnh đó có con sông gì ,không biết có phải là nhánh của sông Hắc Long Giang không , chúng tôi thấy có rất nhiều người dân đội mũ rơm rộng vành , vận bộ đồ xanh truyền thống thời CM Văn hóa vs câu cá. Một điều đặc biệt nữa là , tên một số đường phố , cửa hiệu ghi bằng 2 thứ tiếng : tiếng Trung ở phía trên , tiếng Nga ở dưới. Tôi để ý thấy có nhiều ngôi biệt thự xây theo kiểu châu Âu , nhiều nhà thờ Thiên chúa…
Vào những năm đầu 80 của thế kỷ trước ,chúng tôi cũng đã được xem vài tập đầu của bộ phim này trên TV , trong đó có phim “ Biên giới phía Đông”, qua tìm hiểu thêm , chúng tôi mới biết đây là một thành phố rất đặc biệt.Theo đó , Kharbin được thành lập vào năm 1898. Một trong số những người sáng lập ra thành phố này là kiến trúc sư người Nga tên là Nhicolai Xergeyevich Xviagin. Thuở sơ khai , nó chỉ là nhà ga và nơi ở của các công nhân đường sắt Nga đang làm các con đường sắt vươn tới Trung Quốc và các khu vực Viễn Đông theo lệnh của chính phủ Nga hoàng. Ban đầu Kharbin chỉ nhỏ vậy thôi , chứ nó lớn nhanh như thổi. Trước năm 1917 , thành phố đã có tới trên 100.000 dân , trong đó 40.000 là người Nga. Sau Cách mạng tháng 10 , người Nga chạy sang đây càng đông . Chủ yếu là các sĩ quan Bạch vệ , địa chủ , tư sản , chính khách bất mãn với chính quyền Xô Viết. Toàn những người giàu có thôi , và họ cũng có công đáng kể phát triển , xây dựng thành phố này về mọi mặt trở nên phồn vinh hơn. Chính điều đó đã giải thích vì sao , nhà cửa , công sở , tín ngưỡng ở thành phố này mang dáng dấp Nga…
Thật kinh ngạc , cho tới 1924 có tới hơn 100.000 người Nga sinh sống tại đây , trong khi đó tổng số dân trong nội đô Kharbin chỉ trên dưới 130.000-135.000. Đây cũng là một hiện tượng lạ. Thành phố do người Nga xây dựng , dân số chủ yếu là người Nga mà lại mọc trên đất Trung Quốc .
Cái thời mà tập 2 “ Biên giới phía Đông “ tái hiện một cách rất chân thực cuộc sống và hoạt động của những người Nga ngoại kiều ở đây , đặc biệt là chống phá chính quyền xô viết ở bên kia biên giới.
Vâng , cái ngày ấy , thành phố Kharbin có thể gọi là đô thị Quốc tế. Người Nga đã chọn nó làm cơ sở quản lý của họ trên tuyến đường sắt này. Tuyến đường sắt Đông Trung Quốc mở rộng tuyến đường sắt xuyên Sibir: giảm đáng kể khoảng cách từ Chita đến Vladivostok và cũng nối liền thành phố cảng Dalny (Đại Liên) và cảng cơ sở hải quân Nga Arthur (Lữ Thuận Khẩu). Để phát triển hệ thống đường sắt Đông Trung quốc , công nhân nhiều dân tộc đã sống và làm việc tại đây : Nga , Hán , Mãn , Do Thái , Ba Lan , Nhật Đức , Tacta , Latvia , Gruzia , Estonia, Armeni , Ucraina ,Baskis…
Trải qua hơn 100 năm , thành phố Kharbin ngày nay là thành phố hơn 10 triệu dân , đứng thứ 8 Trung quốc về dân số , là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và truyền thông quan trọng ở Đông Bắc Trung Quốc, cũng như một cơ sở công nghiệp quan trọng của quốc gia. Kharbin có biệt danh "hòn ngọc trên cổ thiên nga" vì hình dáng sông Hắc Long Giang giống như một con thiên nga, hoặc "Moskva phương Đông" hay Paris phương Đông" do kiến trúc của nó. Kharbin có biệt danh là Thành phố Băng để chỉ sự phát triển du lịch và những hoạt động giải trí mùa đông nổi tiếng của nó. Đáng chú ý là lễ hội điêu khắc băng của thành phố vào mùa đông hàng năm mà chúng ta thường thấy.Không những thế , thành phố Kharbin đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng trong thương mại Trung-Nga ngày nay, có một số lượng lớn người di cư từ Nga. Trong những năm 1920, thành phố được coi là kinh đô thời trang của Trung Quốc kể từ khi những nhà thiết kế từ Paris và Moscow đến đây đầu tư trước khi đến Thượng Hải. Thành phố đã được Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc bình chọn là "Thành phố du lịch hàng đầu Trung Quốc" năm 2004. Ngày 22 tháng 6 năm 2010,Kharbin tức Cáp Nhĩ Tân được vinh danh là "Thành phố âm nhạc" của Liên hợp quốc.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Mời các bạn bắt đầu Phim thứ 4: CÁT ĐỎ
Đầu những năm 30, vùng Trung Á, Turkestan thuộc Uzbekistan ngày nay, sĩ quan biên phòng biệt phái đến Turkestan để tiêu diệt quân phỉ Basmachi hùng mạnh cuối cùng đã làm mưa làm gió vùng cao biên giới trong nhiều năm.
Basmachi (tiếng Thổ nghĩa là "Đánh cho đến chết") là phong trào chính trị-quân sự và tôn giáo của dân cư địa phương vùng Trung Á phát sinh sau cuộc Cách mạng Tháng 10 năm 1917. Lúc đầu đây là phong trào du kích lẻ tẻ chống lại chính quyền Xô Viết, sau khi lực lượng đầu não bị Hồng quân đánh tan tại khu tự trị Kokand thuộc Turkestan, Basmachi trở thành băng đảng thổ phỉ hoạt động ở Uzbekistan và vùng biên của Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan.
Về góc độ chính trị - tôn giáo, Basmachi cũng giống các tổ chức Hồi giáo cực đoan sau này, kêu gọi cuộc Thánh chiến của người Hồi giáo chống lại những kẻ ngoại đạo, tức là những người không theo đạo Hồi. Mầm móng của phong trào Basmachi bị đánh tan hồi đầu thế kỷ 20 không biến mất, chúng vẫn hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. Một số tay súng còn gia nhập Taliban hay IS. Cho nên chiến công trong Phim thứ tư "Cát đỏ" đến nay vẫn chưa mất đi tính thời sự.

 

huy khanh

Thành viên thường
Cảm ơn bác Dmitri Tran, phim rất hay. em nhớ lúc còn bé xíu đi xem phim màn ảnh rộng ngoài bãi do Đội chiếu phim lưu động chiếu có bộ phim của Nga (em không nhớ tên vì hồi đó nhỏ tầm 5-6 tuổi).nói về cuộc chiến đấu với quân Bạch vệ ở một vùng sa mạc, một đội quân của Nga bị vây trong một pháo đài cổ, ai cũng chiến đấu dũng cảm nhưng không có nước sau đó đào bới thì hứng được từng giọt nước vào cái cà mèn. cuối cùng thì hy sinh gần hết mới có quân tiếp viện tới. em cứ muốn xem lại bộ phim đó nhưng không biết tên phim là gì. Bác Dmitri Tran dịch nhiều phim nếu có biết thì tải lại cho chúng em xem với. Cảm ơn Bác, chúc Bác nhiều sức khỏe!
 

Nguyễn Khang

Thành viên thường
Con tàu đưa Aliosa Mogikov tới Kharbin thực hiện nhiệm vụ quan trọng do chính Chủ tịch UB Đặc biệt V. Menzhinsky trao cho ,đã gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm xa xưa tưởng như đã chìm vào quên lãng. Sau khi xem bộ phim “ Cuộc chiến đấu bảo vệ Matxcova” do Dmitri Trần đăng lên , tôi mới chợt nhớ ra rằng , trên tuyến đường sắt lịch sử ấy , bộ đội của PDQ Zabaikal (Забайкальский фронт ) theo thỉnh cầu lên Stalin của đại tướng Tổng tham mưu trưởng Giu Cốp , đã hành quân cấp tốc về để tăng cường phòng thủ cho Matxcova.
Cũng trên tuyến đường sắt ấy ,gần 42 năm về trước ,chúng tôi đã sang Liên Xô học tập nhưng chạy theo hướng ngược lại. Một đoạn ngắn trong tập 1 – “ Biên giới phía Đông” cho người xem lướt qua một chút về phong cảnh hồ Baikal. Rất tiếc, đạo diễn đã cho khán giả ngắm vẻ đẹp tráng lệ và hoang sơ của Baikal quá ít.Còn chúng tôi dạo ấy qua đây thì lại được chiêm ngưỡng cái vẻ mĩ lệ lộng lẫy và thơ mộng của cái hồ lớn nhất thế giới này thỏa thích.Cả hành trình trên tàu liên vận tới Matxcova chúng tôi đi hết 13 ngày. Chỉ riêng từ Hà Nội tới Hữu Nghị Quan mất nửa ngày. Từ ga Đồng Đăng tới Bắc Kinh -3 ngày , từ Bắc Kinh tới Cáp Nhĩ Tân sau đó là biên giới Xô – Trung mất hơn 1 ngày. Thế mà tàu chạy lòng vòng ,quanh co hồ Baikal hơn 1 ngày đêm có dư! Tôi nhớ rõ lắm: gần chiều , hồ mới xuất hiện. Ngủ cả đêm , tỉnh dậy , nhìn qua cửa sổ vẫn thấy hồ. Cả ngày hôm ấy chúng tôi ngắm hồ không biết chán. Không biết các bác thế nào , chứ tôi nếu có tiền mà được đi du lịch xa thế này thì đi đường sắt vẫn hơn. Tha hồ thưởng thức phong cảnh , hít thở không khí trong lành, mặc sức thả hồn vào các nền văn hóa và ngắm nhìn dáng vẻ yêu kiều của các bóng hồng của các dân tộc khác nhau , nếm trải mùi vị của các món ăn..mà thiên nhiên đã ban tặng...
Tôi không phải nhà văn , nên không thể tả cái cảnh đẹp của hồ Bakail một cách đầy đủ và đậm chất văn chương được. Ôi , cái màu xanh của bầu trời tháng 10 dường như đổ sập xuống , hòa quyện với màu xanh phơn phớt màu nước biển của Baikal.Màu xanh sẫm và đẫm hơi nước của những hàng thông , tùng mọc chit chít và kéo dài vô tận quanh hồ , nhìn từ xa tạo nên những đường viền biêng biếc ngăn cái màu vàng cháy tự nhiên của những rừng cây phong lá đỏ , bạch dương, tai-ga… cứ rực lên , chạy dài tới tận chân trời…Những cây thông ở đây cũng giống như những cây thông bên Lào , hồi chúng tôi đánh nhau – thân của chúng rất to , xù xì , mọc chon von bên các mép vực đá , ngọn xum xuê xanh biếc đã vượt hẳn lên trên nền cây non rộn rã. Còn những cây tùng cổ thụ đứng nghiêng nghiêng , thả những mảng lá xanh xanh trên nền trời trắng và mặc dù đứng im,vẫn có tiếng rì rầm ,triền miên xung quanh…
Thật là đẹp khi được ngắm Baikal vào buổi sáng ban mai. Trong sương sớm ,lúc mặt trời mọc, mặt hồ ánh lên bàng bạc và êm đềm , rì rầm trườn những con sóng nhỏ.Gần bờ ,mặt nước mang màu xám nhạt dường như không động ,đôi lúc long lanh sóng , nhưng ở giữa,nước thăm thẳm ,sóng nhấp nhô ,quằn quại vỗ về…Những lúc sóng to , chúng tôi còn nhìn rõ , những lá cờ cắm trên các con tàu nhỏ chao đảo…
… Cũng giống như các ngách sông Tùng Hoa hay Hắc Long Giang bên Trung Quốc , ở Baikal này hay tại các nhánh phụ lưu của sông Amur , chúng tôi thấy rất nhiều người câu cá. Nhưng những người Nga có nhiều sản phẩm hơn . Bằng chứng là chúng tôi thấy rất nhiều các sâu cá vứt ngổn ngang trên thuyền hay treo dưới gốc cây. Mùi tanh tanh của cá phảng phất khi con tàu lướt qua gần hồ. Những người Nga ngồi cùng toa với chúng tôi cho biết là , cá ở Baikal rất ngon. Sau này , trong một lần học về lịch sử chiến tranh , một vị đại tá – phó giáo sư kể về chuyện này. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại , một lần Stalin tiếp Thủ tướng Anh W.Churchill ở Kremlin và đãi ông ta món cá chép bắt từ hồ Baikal. Ngài thủ tướng trầm trồ thán phục món cá Xibir. Stalin pha trò : “ Món cá này mà nhắm với whiski thì còn tuyệt hơn !”.Thế là từ đấy , mỗi tháng đôi lần máy bay từ hồ Baikal mang cá bay thẳng tới London cho Thủ tướng Anh và ngược lại về Matxcova với những thùng whiski làm quà biếu Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân . Ông ấy khẳng định câu chuyện 100% là thật , không bịa tí nào!
…Trong cái toa xe chạy từ Zabaikal về Matxcova , chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp. Ngồi cùng toa với chúng tôi có người Nga , Ucraina , Tarta… Họ là những kỹ sư địa chất , thợ rừng , công nhân mỏ , thậm chí cả một số chuyên gia Liên xô từ Việt Nam hay Trung quốc về nước. Tất cả mọi người đối xử với chúng tôi như người cùng dân tộc. Chỉ tiếc là hồi ấy tiếng Nga của chúng tôi còn kém nên giao tiếp còn bập bõm. Tôi còn nhớ , một người Nga đã kể chuyện tiếu lâm về sư trưởng Trapaep.Chúng tôi cười như vỡ bụng khi vị sư trưởng lừng danh này nhầm lẫn “quân trắng” thành “ rượu trắng”! Những người bạn mới này vô cùng tốt bụng thường đãi chúng tôi dò , xúc xích và cả rượu vodca nhãn hiệu “ Con gà trống “.Tôi vẫn nhớ phút giây kinh hoàng khi nếm món phó mát Nga. Phải bằng nghị lực phi thường tôi mới đẩy được chúng xuống dạ dày ! Hồi ấy chúng tôi còn trẻ ,lại mới ở chiến trường ra , học hành nhiều nên ăn rất khỏe. Thần trùng chưa chắc đã địch nổi. Bánh mì gối, chúng tôi xơi 1-2 cái một bữa là chuyện thường. Còn bánh mì đen cắt thành lát ở toa ăn thì không thấm tháp gì.Lần đầu tiên chúng tôi được nếm thuốc lá Nga. Loại có tẩu bằng giấy cứng ấy ,mỗi lần hút phải bóp bẹp một đầu - thua xa Điện Biên , Tam Đảo của mình về hương vị chứ đừng nói Vina ngày nay . Quả thực trên đời này , tôi chưa từng được thưởng thức loại thuốc lá nào vừa nặng lại vừa khét như thế !
… Để giết thời gian , chương trình văn nghệ cũng được chúng tôi nghêu nghao cùng với các bạn Nga bằng thứ tiếng Nga phát âm sai be bét mới được học dự bị một năm ở ĐH KT QS tại Vĩnh Yên. Nhưng hiểu nhau tất. Những bài hát mà chúng tôi gào lên toàn là những bài nổi tiếng như Cachiusa , Tuổi trẻ sôi nổi , Tình ca du mục …cũng rất “ được” mọi người tán thưởng. Trong đám học viên lính tráng ấy có một anh học ở lớp trên , tiếng Nga kha sõi , lại hát hay , nên hát nhiều bài lạ mà chúng tôi không biết. Có lần anh ấy hát một bài hát Nga làm tôi nhớ mãi. Khi anh ấy mới cất lên câu đầu tiên lên hòa với tiếng phong cầm của một công nhân Nga , thì tôi đã thấy cả cái vòng tròn ấy - mọi người mắt đỏ hoe và sụt sịt hát theo. Còn khi tới cái đoạn điệp khúc :” Ừ hứ ừ hứ ư…” – thì tiếng hát ấy chìm vào trong tiếng nức nở cùng với những giọt nước mắt làm mờ những lớp son trên má của những người phụ nữ. Sau này tôi mới biết đó là bài “ Đàn sếu”. Bài hát đã tưởng nhớ tới 8-9 triệu trai tráng Xô Viết đã bỏ mình trong cuộc Chiến trnh Vệ quốc vĩ đại. Thật là kinh hoàng , con số ấy bằng cả dân số nước Áo hay Cộng hòa Sec ngày nay đấy. Quả thật , trên đời này , tôi chưa từng nghe bài hát nào lại cảm động và làm người nghe rơi nhiều nước mắt đến thế.
…Trên những toa tàu của Trung Quốc ,chúng tôi thấy có nhiều điều khác biệt so với tàu Liên Xô. Trái với những vẻ mặt khó đăm đăm của các nhân viên , tàu Trung Quốc sạch sẽ hơn , lúc nào cũng bóng loáng.Cứ mỗi lần , tàu dừng lại ở ga nào đó thì các công nhân đường sắt lại hối hả phun nước kỳ cọ bề ngoài các toa tàu cho bóng lên mới thôi.Đường sắt Trung Quốc rất sạch , trên nền rải đá hầu như không có rác – điều mà ta thường thấy ở đường sắt Việt Nam. Mỗi khi tàu khởi hành , thì các cán bộ , nhân viên , trưởng ga… - quần áo chỉnh tề đứng nghiêm bên ke đường , tay đặt thẳng chỉ quần ,mắt đánh thẳng về phía đoàn tàu để chào đón hành khách…Tôi để ý , trên các toa tàu liên vận , người Trung quốc không ngồi chung với người nước ngoài , còn trên các toa của Liên Xô thì ngồi lẫn lộn , không phân biệt.Thái độ của công an , các cán bộ, công nhân , nhân viên ngành đường sắt Trung Quốc đối với người ngoại quốc trên tàu liên vận có sự phân biệt rõ ràng.Đối với các hành khách Rumani , Nam tư và các học sinh , sinh viên Việt Nam đến học tập tại Trung Quốc thì họ tỏ thái độ ưu ái và thân tình hơn.Còn chúng tôi – những chàng trai ngoài 20 tuổi , đồng loạt com lê đen , giày Cô-sơ-ghin , tóc cắt ngắn , nhìn thoáng qua đã biết ngay là lính tráng được gửi sang học ở các trường quân sự Liên Xô – thì được đối xử “ tử tế “ hơn một chút. Khi tàu đỗ ở Kharbin hơi lâu , chúng tôi tranh thủ thời gian xuống ngắm nhìn cảnh vật nơi đây .Bỗng còi tàu rú lên ,báo hiệu chuẫn bị tiếp tục hành trình . Chúng tôi quay lại đoàn tàu , thì một cảnh sát trừng mắt nói to :” Các đồng chí lên tàu nhanh lên !”. “Đồng chí” quái gì cơ chứ , khi mà ăn nói với nhau bằng cái giọng gầm gừ như thế.
Đồ ăn trên toa tàu Trung Quốc thì hết ý. Sáng có bánh bao hay miến gà. Bánh bao của họ ngon lắm , bánh bao ở Hà Nội loại ngon nhất , đắt tiền nhất cũng không sánh bằng. Tôi còn nhớ rất rõ : nhân bánh bao ngoài thịt băm ra còn có trứng và nhiều gia vị khác. Vâng , và có miến . Thứ miến ấy , sợi rất nhỏ như sợi tóc , vừa mềm và thơm , không to đùng như miến Việt Nam…Hai bữa chính ít nhất cũng phải 3-4 món .Ấn tượng của tôi không bao giờ phai mờ khi thưởng thức món canh rau nấu với thịt ở gần Kharbin. Bạn tôi nhìn bát canh đã vội vã thốt lên :” Rau trong bát canh này còn sống các cậu ạ!”. Quả thực ,rau cải trong bát canh ấy xanh lè như vừa mới hái ngoài ruộng vậy. Nhưng không phải đâu. Rau đã chín , ăn rất ngon và thơm. Chúng tôi ai cũng trầm trồ.Một lần khác , tại khách sạn Hòa Bình ở Bắc Kinh , chúng tôi được thưởng thức món cá. Con cá rất to , được đặt trên cái đĩa hình bầu dục to , dài tới hơn nửa m. Trên cái đĩa ấy đầu bếp trang trí rất cầu kỳ như núi non , sông hồ với các màu sắc rất bắt mắt. Một người trong chúng tôi vui vẻ nói : “ A, hôm nay chúng ta được ăn cá sông Trường Giang sốt với hoa hồng đây!”. Chẳng phải hoa hồng hoa hiếc gì hết , đó là cà chua khoanh lại hình hoa hồng đó thôi . Các cán bộ ĐSQ của ta nói rằng , tiền nuôi chúng tôi ăn ở tại khách sạn này trong 1 ngày – chỉ 1 người thôi , tốn hơn 20 nhân dân tệ , bằng lương của một nhân viên quét dọn ở đây trong một tháng !
Chúng tôi ở Bắc Kinh hơn một ngày đêm . Ga tàu ở đây rất đẹp và rất sạch. Nền nhà ga lát bằng đá rất đẹp . Chúng tôi mới đi giày da nên cảm thấy rất trơn , cứ chực ngã. Các thiếu nữ Việt Nam , có lẽ là bên ngoại giao hay văn công ,khác với chúng tôi vận đồ đen như quạ - mặc những bộ áo dài truyền thống , phơi hết những đường cong kiều diễm , còn dáng đi thì yểu điệu , thướt tha thu hút bao nhìn cái nhìn ngưỡng mộ , háo hức của người dân Bắc Kinh.Các bạn nên nhớ rằng , thời gian này cuộc Cách mạng văn hóa vô sản đang diễn ra ở Trung Quốc , nên cách ăn mặc của mọi người có tính đại chúng , nghĩa là rất đơn điệu : con trai hay con gái , già hay trẻ , công nhân , học sinh hay trí thức , quan chức đều vận bộ quần áo xanh đậm. Phụ nữ Bắc Kinh cũng vậy thôi ,không diêm dúa mốt nọ mốt kia như chị em Hà Nội. Họ thường để tóc đuôi sam , da rất trắng , mắt nhỏ và dài ,vui tính , ngực rất phẳng. Cách ăn mặc như thế không nổi bật ba vòng và làm mất đi cái vẻ dịu dàng , gợi cảm của người con gái. Những chị em làm việc ở các nơi công cộng như quầy bán kem , sách , bán xăng , bán quà lưu niệm trong khách sạn có người nước ngoài , trên tàu , thậm chí các cô dọn vệ sinh hay bưng cơm cho chúng tôi – đều kén người cả. Các nàng này thường cao ráo , cân đối và nụ cười duyên…Con gái nước nào cũng vậy thôi , ai mà chả thích khen đẹp. Lúc cao hứng chúng tôi cũng nâng các nàng lên bằng một câu tiếng Trung còn sót lại từ hồi học cấp 3: “ Trung của mẩy mây khấn mảy li!” ( con gái Trung quốc xinh quá )- và đổi lại trên gương mặt mộc , không son phấn của các cô nàng lại ửng lên một nét xuân và sự biết ơn : “ Xia xia nỉn!” ( Cám ơn anh !).
…Đường phố Bắc Kinh ngày ấy rất ít ô tô , đại đa số đi xe đạp . Đó là các loại xe “Trâu”( một loại xe đạp trông rất thô nhưng rất khỏe) hay Vĩnh Cửu hay Phượng Hoàng thường thấy ở Việt Nam.Ở đây rất hiếm khi thấy dân đèo nhau , thường thì mỗi người một xe.Người Bắc kinh có thói quen vừa đi vừa ăn , thậm chí cả khi chạy. Tôi thấy rất nhiều Hồng Vệ Binh đầu đội mũ lưỡi trai có đính ngôi sao , vận bộ đồ xanh truyền thống của giai cấp vô sản , trên hai ve áo gắn hai miếng tiết đỏ chót không sao - vừa đi vừa nhai bánh , ăn kem hay hoa quả. Những tiểu tướng này còn trẻ , nhanh nhẹn , dáng vẻ đi đứng và ăn nói chứng tỏ có quyền thế. Nhìn thấy chúng tôi ăn mặc khác kiểu , họ nói ngay “ Zuê nản , Zuê nản !” ( Việt Nam , Việt Nam ! ) và khúc khích cười …
Chúng tôi rất biết tận dụng thời gian để thăm Bắc Kinh. Chúng tôi đã vào thăm Tử Cấm Thành , Quảng trường Thiên An Môn và dám xông vào xem Nhà tưởng niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông xong bị công an ngăn lại…
…Ôi , kể chuyện về chuyến đi này thì dài và buồn cười lắm. Năm 1978 là năm cuối cùng những chuyến tàu liên vận Hà Nội – Matxcova hoạt động. Tháng 2 -1979 , chiến tranh biên giới nổ ra. Đơn vị tôi lên chiến đấu ở Lạng Sơn , nơi mà trước đó một năm rưỡi – trên con tàu liên vận, tôi đã đi qua. Năm ấy , anh em trong sư đoàn chúng tôi hy sinh không nhiều lắm. Nhưng riêng 1984 thì quá tệ. Họ nằm lại ở Vị Xuyên rất nhiều. Có đêm ta mất gần 1000 người, đến nỗi các cây gạo mọc ven sông Lô phải hạ xuống hết để đóng quan tài. Thương lắm. Chiến tranh nào cũng đau thương và nước mắt.Những người lính biên phòng , không kể Nga hay Việt đều dũng cảm và đáng trân trọng. Cám ơn các anh rất nhiều!
Cám ơn Dmitri Trần đã cho chúng tôi xem nhiều bộ phim bổ ích như thế này và đã làm cho tôi sống lại những ngày trai trẻ của hơn 40 năm về trước.
Xin gửi lời chào những ai đang xem những phim thời Xô Viết như thế này!
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Ta xem tiếp Tập 2 Phim 4: Cát đỏ của "BIÊN GIỚI QUỐC GIA"
Xin trả lời chung về vũ khí trong phim nhân có bạn hỏi: SVT 40 và đại liên Maxim ưu điểm thế sao biên phòng LX trong phim ít sử dụng. Tôi không rành lắm về quân sự, nhưng biết, SVT (СВТ - Самозарядная винтовка Токарева) là súng trường bán tự động của Tokarev, có 2 phiên bản 38 và 40 theo năm thiết kế. Tính năng tốt, bắn rất chính xác... nhưng có 2 nhược điểm là giá thành sản xuất đắt và đòi hỏi bảo dưỡng chu đáo. Chắc vì thế mà súng này hồi đánh Mỹ ít đưa sang Việt Nam.
Vì những nhược điểm đó, đến giữa những năm 40 Liên Xô ngừng sản xuất SVT 40, Tokarev thiết kế cạc-bin AKT-40 cũng có nhiều tính năng tốt. Chữ K ở đây để chỉ "carbine", chứ không phải của tiểu liên AK do Kalashnikov thiết kế và bắt đầu trang bị cho quân đội Liên Xô từ năm 49, 50.
Còn đại liên Maxim) rất ưu việt, có thể gọi là tiên tiến nhất thời đó, nhưng giá thành sản xuất đắt, quá nặng nề khi cơ động (hình như nó dùng bộ phận làm nguội bằng nước kèm theo thì phải) và đòi hỏi bảo dưỡng rất kỹ. Cho nên từ thời Nội chiến và cả sau này, Maxim ít trang bị cho Hồng quân.

 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Chúc các bạn nghỉ cuối tuần vui vẻ với
Tập 1 Phim thứ 5: "Năm Bốn mươi mốt"
của "BIÊN GIỚI QUỐC GIA"
.​
Phim tái hiện vài ngày trước khi quân Đức tấn công ở đường biên giới phía Tây, những suy nghĩ nội tình và hành động của 1 đồn biên phòng Xô Viết đang sắp hứng chịu đòn đánh bất ngờ của quân phát xít Đức, và sự hy sinh cao cả của họ trong ngày đầu Thế chiến II.
Đặc biệt, trong tháng kỷ niệm 40 đánh tan bọn xâm lược TQ ở biên giới phía Bắc, 2 tập phim này rất có ý nghĩa thời sự và giúp ta hiểu thêm giá trị sự hy sinh của những người lính bảo vệ Tổ quốc trước sự bất ngờ và tàn bạo của quân thù.

XIN NÓI VỀ BẢN QUYỀN nhân "sự cố" vừa rồi để các bạn hiểu thêm.
Bản thân tôi hiểu việc làm Vietsub khi không có sự đồng ý của hãng phim là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, việc làm Vietsub này của tôi hoàn toàn không vì mục đích thương mại. Khác với dăm trang phim tiếng Việt (họ chiếu phim Mỹ, Hàn, TQ... tràn lan với mục đích kinh doanh nhờ truy cập, quảng cáo..., có xin phép ai đâu, và cũng không thấy ai đụng đến họ), mục đích chính và duy nhất của chúng tôi ở Trang phim LX & Nga là quảng bá văn hóa & đất nước LX và Nga đến cộng đồng, đồng thời giúp thêm cho các bạn học tiếng Nga. Vì lý do đó, tôi sẵn sàng chịu phiền toái nếu ai đó cứ "thẳng thừng theo luật" - Mình có mệt mõi và mất sức chút ít nhưng lợi ích cho cộng đồng và thế hệ tương lai là nguồn an ủi, động viên để "ráng chịu" và dành thời gian phục vụ các bạn.
Và xin nói thêm để ai đó còn chưa biết: Vì Youtube chặn và hạn chế phim Nga đôi lúc khá tùy tiên, VD video "Diễu binh nhân 70 năm chiến thắng phát xít Đức" do tôi biên dịch đến nay có hàng trăm nghìn người xem nhưng khi tôi mới đăng lên thì bị họ thông báo là vi phạm bản quyền. Khi tôi hỏi bản quyền của ai thì họ nói là: có 10 phút âm thanh trong lễ diễu binh thuộc bản quyền của 1 Cty Trung Quốc. Khi tôi hỏi vặn lại thì họ chỉ đoạn 10 phút đó, nhưng không chặn video này và nhắc nhở tôi đã vi phạm 1 lần, nếu tiếp diễn thì Tài khoản của tôi sẽ bị xử lý.
Vì vậy việc xây dựng Trang phim độc lập là cần thiết, có tính chất "sống còn". Tiền do mọi người đóng góp xây dựng Trang phim là để trả tiền thuê phương tiện kỹ thuật duy trì Trang phim, tôi và chị Bạch Yến, từ trước đến nay và vài năm tới, làm Vietsub miễn phí phục vụ cộng đồng những người yêu phim và đất nước Nga. Tháng tới ta sẽ bàn cụ thể việc đào tạo vài ba bạn có khả năng làm Vietsub để có thể thay thế chúng tôi phục vụ bà con lâu dài.
 
Chỉnh sửa cuối:

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Biên giới quốc gia | Phim 5: "Năm Bốn mươi mốt. Tập 2 | Phim lịch sử chiến tranh

Hitler ra lệnh đột kích và chọc thủng tuyến biên giới phía Tây Liên Xô trong vòng 30 phút. Là những người chống trả lực lượng chủ lực của phát xít, tuy không có Hồng quân thường trực hỗ trợ, các chiến sĩ biên phòng LX đã chặn quân phát xít vài ngày, có nơi kéo dài cả tuần lễ, góp phần để hậu phương có thời gian chuẩn bị cho chiến tranh.

Lệnh cấp trên "Không được bắn" ở đây cũng gần như mệnh lệnh "Không được bắn trước" khi các chiến sĩ hải quân của ta bảo vệ Gạc Ma. Sự hy sinh của những chiến sĩ phải đối mặt với quân thù trong những hoàn cảnh đó là tấm gương yêu nước cao cả nhất của lòng yêu nước. Chỉ tiếc VN ta không làm những bộ phim lịch sử chiến tranh loại như "Biên giới quốc gia" để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả đó, để thế hệ mai sau mãi lưu truyền, và cái quan trọng nhất: Để những sự kiện kỷ niệm của dân tộc (như 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc lần này) là những dịp để toàn dân đoàn kết, cùng hình thành Hệ tư tưởng quốc gia - đó là cốt lõi đoàn kết toàn dân cùng xây dựng tương lai của đất nước.

Chúc các bạn nghỉ cuối tuần vui vẻ với tập 2 Phim thứ 5 của "Biên giới quốc gia"

 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Mời các bạn bắt đầu
Phim 6: Sau hào quang chiến thắng. Tập 1 | Phim lịch sử chiến tranh

Bối cảnh 2 tập này cho ta biết OUN đã "ăn sâu bám rễ" trong một bộ phận khá lớn người dân miền Tây Ukraina, từ những năm trước thế chiến II cho đến tận ngày nay.

 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top