Đồng Thoại Muôn Màu

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник


Sưu tập các trứ tác tiếng Nga cho thanh thiếu nhi do tôi dịch dưới bút danh Ngọc Giao. Chúc các bạn các em có khoảng khắc thư thái !​
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
CUỘC PHIÊU LƯU ĐẾN
VƯƠNG QUỐC TẮM RỬA




Tác giả : Sofya Mogilevskaya (1954)
Dịch giả : Ngọc Giao (2024)​

Название : Королева Зубная Щетка
Автор : Софья Абрамовна Могилевская
Художник : Ювеналий Дмитриевич Коровин
Издательство : Журнал Мурзилка, № 12
Жанр : Сказка / На русском языке
Год : 1954
Город : Москва
Язык : Русский
Рейтинг книги : 3 / 5

Truyện kể về cô bé Mashenka không chịu đánh răng, rửa mặt và chải tóc. Thế rồi bạn Bóng Sà Bông đã dẫn cô bé lạc vào sa mạc Bột Tẩy và cuối cùng chỉ có Bà Hoàng Chải Răng mới giúp cô về nhà được. Nhưng phải nỗi, những ai lem luốc thì làm sao được phép lại gần nữ hoàng đây ?

Ngày nảy ngày nay, có một cô bé không thích tắm rửa, nên bây giờ cô đang cầm cái khăn mặt đứng càu nhàu. Cô còn chả thèm nhặt chiếc lược đang nằm bẹp dưới đất, đã thế tiện tay liệng bàn chải răng vào góc nào rồi dấm dớ quên khuấy, họa có giời tìm.

Hôm sau, bà mới bảo cô bé :

- Nay thì để bà tắm cho cháu yêu nhé. Cháu xem, bà đun bao nhiêu là nước nóng rồi này !

Cô bé lập tức la toáng lên, rồi giậm chân bành bạch :

- Cháu ứ tắm đâu ! Ứ chịu nước nóng đâu !

Chỉ đến thế bà lại làm mặt giận :

- Bẩn khiếp ! Tay cháu này, bà còn chẳng dám cầm nữa…

Bà bèn quay ra và sập luôn cửa lại, chắc oải người lắm rồi.

Đúng thật, cô bé soi lại bàn tay và cũng chẳng dám nhìn lâu hơn. “Thôi, mình tự rửa vậy !” – Cô bé nhủ.

Cô vớ ngay cục sà bông và cũng chà chà như thường khi. Lúc cô vừa giúng nước cho trôi thì tự dưng có cái bong bóng nở to trong lòng bàn tay.

- Thế chứ lại ! – Cô bé ồ lên rồi thổi phù phù vào tay cho cái bóng càng nở to hơn. Bong bóng cứ to dần, to nữa trước ánh mắt tròn xoe tinh nghịch của cô chủ nhỏ. Mới đầu, nó chỉ nhớn bằng quả táo thôi, nhưng sau đó lại to bằng trái bóng da. Thế rồi nó cứ nở to thêm nữa…

Bây giờ cô bé hơi chợn. Quả là bấy lâu cô chưa được thấy cái bóng sà bông nào to dường vậy. Cô đã muốn rút tay khỏi cái bong bóng, nhưng nó vẫn dính lắm. Thế và sau rốt cô bé chả rứt ra khỏi cái bong bóng kì lạ ấy được.

Bỗng đâu có cơn gió lùa vào, cuốn bong bóng bay lên và cuốn luôn cô bé bay ra khỏi cửa sổ bỏ ngỏ.​


Chiếc bóng kì lạ nâng cô chủ nhỏ lên tận từng mây, chừng như còn lên cao nữa, rồi lại hạ dần xuống những đụn mây vừa. Mà lúc này nom những vừng mây ấy như thể bọt sà bông cô đặc vậy.

Cô bé đã hoảng lắm, nên cố bám lấy cái bong bóng, nhưng hỡi ôi nó vẫn chỉ là sà bông nên tức thì vỡ tan thành hàng ngàn giọt nước li ti.

Cô bé mệt quá thở hắt ra, thế là ngã giúi xuống đất. Nhưng may thay, cô chạm vào cái gì mềm ấm lắm, nhìn lại toàn những bụi mịn trắng phau, còn thoang thoảng vị bạc hà nữa chứ.

Cô bé biết mình không việc gì rồi, nhưng chưa hết sợ nên mới ồ lên một tiếng, lập tức thấy buồn mũi rồi hắt một hơi rõ to.

Hình như có ai cũng hắt hơi ở cạnh đây thôi. Ách xì một lần. Rồi ách xì hai lần. Lại ba lần…

Có bé ngó nghiêng, bất giác cúi xuống chân và thấy chiếc lược nhà mình. Lạ thay, bây giờ nó quấn vào cô cứ như con rết bốn chục chân.

- Đâu ra thế này ? – Cô bé kinh ngạc.

- Thì em ở trong túi chị rớt ra đấy mà. Cũng tại em… - Và nó lại hắt hơi.

Cô bé vẫn hoảng nên càng ngó nghiêng.

- Bọn mình ở chỗ nào đây nhỉ, Lược ơi ?

Quả nhiên chiếc Lược giống con rết thật, hết cong lưng lại chồm lên. Nó chĩa đầu vào một cái cọc. Cô bé ngó có chữ trên cọc, nhẩm :​

SA MẠC BỘT TẨY RĂNG​

Bây giờ Lược đổi giọng giễu cợt :

- Này thì ứ tắm, ứ đánh răng, ứ chải tóc đâu. Cứ ngồi đây mà ứ đâu đến già nhé !

- Ứ chịu ngồi đây đến già đâu ! – Cô bé lại làm toáng lên – Tớ về nhà với bà cơ !

Lược nghĩ nghĩ một hồi, rồi nó bảo :

- Vậy thì hai đứa phải đi đến tâu Nữ Hoàng Chải Răng, vì nơi này là vương quốc của bà. Với lại, chỉ có bà mới giúp được bọn mình thôi.

- Thế chúng mình đến chỗ nữ hoàng ngay nhé ! – Cô bé mừng rơn.

Nhưng Lược phân bua rằng nó chả biết bà hoàng ngự ở đâu cả. À, cũng không sao, nó còn một họ hàng là dì Nhùi, bây giờ dựng nhà ở bến sông Sà Bông, may ra dì ấy biết lối đến ngự điện của nữ hoàng.

- Vậy chúng ta phải đi tìm dì Nhùi nhanh lên ! – Cô bé lại sốt ruột.

Mặc dầu vậy, để bước qua sa mạc Bột Tẩy cũng đâu có dễ : Đường đã trơn còn cuốn bụi mù. Cô bé bị lụt đến mắt cá chân, có khi ngập ngang đầu gối.

- Thôi, tớ chả đi nữa đâu, mệt lắm lắm rồi ! – Cô bé rên rỉ.

Nhưng Lược cứ hối chẳng ngừng, còn bảo lại đàng kia có nước đấy. Phải rồi, hai đứa cố đi thêm một đoạn và thấy bến sông đã ở trước mặt. Cạnh bờ có những bọt to nhỏ sặc sỡ lắm, vì đây là sông Sà Bông mà.

- Chị cởi dép ra, rồi mình lội qua bờ bên kia ! – Lược nói.

Khi sang đến bờ bên mới trông ra một ngôi nhà nhỏ màu trắng, tinh tươm. Mái nhà cũng trắng, nhưng bằng nhựa khá nịnh bắt, còn kính cửa sổ lại trong đến mức tưởng như không hề tồn tại. Chủ ngôi nhà này chính là dì Nhùi.

Dì Nhùi ghé mắt ra cửa sổ và tròn mắt sửng sốt, vì dì chửa từng thấy ai lấm lem đến thế bao giờ. Nhưng dì vẫn đẩy cửa ra hỏi :

- Cô bé lọ lem đến ta làm gì ?

- Mau lên mau lên, hãy chỉ đường cho bọn cháu đến chỗ Bà Hoàng Chải Răng ! – Cô bé lại quen miệng hét toáng.

- Tìm đường cũng chả khó, chỉ việc đi tắt qua vườn nhà ta. Nhưng ta không cho phép ai bẩn hôi bước vào nhà ta bao giờ, cho nên cháu phải tắm cái đã.

- Xùy, khi khác ! – Cô bé càu nhàu – Giờ cháu chả tắm đâu !

- Ầy, cái chị này ! – Lược kêu lên – Lần này phải ngoan chứ, kẻo chả đi được đâu !

Cô bé đâm ra ngẫm nghĩ, nghĩ được một lúc mới bảo dì Nhùi như này :

- Nhưng mà dì nhớ đừng cho nước nóng quá, với lại, đừng để sà bông dính vào mắt và cũng không được chà mạnh tay đấy nhé !

Ban đầu, dì Nhùi xách một xô nước đầy, rồi xách thêm xô nữa, và quả quyết :

- Chừng này chắc là vừa tắm cho cô bé rồi !

Nhưng mà nước ở trong cái vạc bắt đầu réo lên, tỏ vẻ không đồng tình :

- Ít ít ít ít !

Dì Nhùi đành múc thêm xô thứ ba, nó mới thôi. Dì ới cô bé :

- Giờ để ta tắm cho cháu nhé !

Dì chà qua chà lại, xát tới xát hồi, rồi xối nước ào ào…​


- Nào, cháu thấy chưa ? – Xong xuôi, dì Nhùi bảo – Bây giờ đố ai sạch đẹp thơm tho bằng cháu tôi đấy ! Chưa biết chừng đến lớp còn được cô giáo khen trước bao nhiêu bạn ấy chứ.

Vậy là cô bé và chiếc Lược tự tin đi ngang mảnh vườn con và một chốc đã gặp một nẻo đường trắng xóa.

- Hai đứa cứ mạnh dạn đi thẳng lên phía trước, chớ rẽ lối nào nhé ! – Dì Nhùi dặn trước khi chia tay – Khi nào đặt chân đến rừng Lược thì đúng chỗ cần tìm rồi đó.

- Hóa ra rừng Lược ! – Lược bỗng reo váng lên – Thuở nhỏ em sống ở đấy mà. Nhanh lên nhanh lên, mình đi ngay kẻo trễ !

Vậy là hai đứa cứ chạy dọc con đường trắng nom như chiếc khăn bông đã sần.

Sau rốt thì một cánh rừng đã hiện ở đàng xa.

Rừng Lược đang vào mùa nảy lộc đơm hoa : Mỗi cây thay vì có cành thì lại là cán chải. Các lá cây không chỉ toàn màu lục mà có cả vô vàn màu khác nữa – nào cam, vàng, đỏ, nào lam tím.

- Cứ mạnh dạn mà vào, sợ gì chứ ? – Lược lại giục cô bé.

Nhưng ngay lúc cô bé thò đầu vào rừng, các tàng cây đột nhiên lao xao khiến những lá lược cũng rung động theo và bắt đầu chải tóc cho cô, chải rất gọn. Ái, đau quá !

- Hừ, rừng gì thế không biết ! – Cô bé giật thót và lùi lại – Tớ ứ đi nữa đâu ! Ghét mấy cái cây quá…

- Chị chê rừng chứ gì ? – Lược bèn dỗi – Đã thế thì cứ ở ngoài, tha hồ ôm mớ tóc rối đi chơi nhé !

Nói xong, Lược ưỡn ngực đi thẳng bằng hai chân.

- Lược ơi Lược, đi đâu nữa thế ? Tớ chừa rồi mà ! – Cô bé vội chạy lon ton theo nó.

Thoạt khởi, hàng cây chuốt tóc cô bé hơi mạnh, nhưng càng đi thì cây chải tóc càng khéo hơn. Đến lúc cô bé bước ra khỏi rừng lược, mái tóc cô đã trở nên mượt mà óng ả vô cùng, phần ngọn còn uốn sẵn thành lọn rất chặt nữa chứ.​


Chiếc Lược đã đứng đợi cô bé ở bìa rừng.

- Nhìn kìa ! – Nó chỉ.

Đàng trước mặt, trên mỏm núi trắng cao ngất, có cấm thành của Nữ Hoàng Chải Răng. Nó được xây nên bằng cơ man hộp : Hình ống, hình chữ nhật, cái to, cái nhỏ. Có những hộp màu lục, màu thiên thanh, cả màu cầu vồng nữa. Ở cổng còn có những cột tròn cẩn hàng chữ “Kem Đánh Răng”.

Hai đứa bước qua cổng để vào cấm cung. Cô bé chợt âu lo, vì bên trong có rất đông thị vệ chải răng : Đứa màu ngà, đứa trong suốt, lại có đứa thẳng lưng hoặc cong lưng… Đến hoa cả mắt !

Bỗng nhiên cô bé sửng sốt nhận ra vị chúa tể cung điện. Thật ra chẳng phải đoán cũng biết, vì Nữ Hoàng là bàn chải đánh răng lớn nhất và đẹp nhất. Bà có màu hổ phách, óng ánh sao sa, lại đội một chiếc miện cũng lấp lánh nữa.

Bà Hoàng cũng đang nhìn cô bé rất chăm chú.

- Hãy lại đây với ta nào ! – Bà gọi.

Lúc này cô bé vừa sợ vừa xấu hổ, là vì cô mới vứt bàn chải đánh răng của riêng mình và đã lâu cũng chả thèm làm vệ sinh răng miệng.

- Cháu biết tự tắm rửa chưa nào ? – Nữ Hoàng Chải Răng nghiêm giọng hỏi.

- Dạ, cháu biết rồi ạ ! – Cô bé đáp thẽ thọt.

- Thế khi chải tóc thì sao ? – Nữ Hoàng hỏi nữa.

- Thì cũng làm được ạ !

- Thế tự đánh răng chứ ?​


- Úi, nhỡ để lộ ra thì nguy ! – Cô bé lại nghĩ nghĩ một lúc, rồi buột miệng nói :

- Ngày nào cháu cũng đánh răng… cả sáng lẫn tối đấy.

- Thế thì được ! – Bà Hoàng ôn tồn – Nay ta thưởng cho cháu chiếc khăn này, nó là vật hữu ích lắm đấy.

- Cháu xin ạ ! – Cô bé cảm ơn rồi định nhét tạm cái khăn vào túi áo, nhưng bỗng không biết từ đâu, có cơn gió lùa vào, vậy là khăn nhấc bổng cô bé lên và bay vút đi. Chiếc khăn kéo cô bé bay trên thinh không, và cô bé kéo Lược theo cùng. Họ bay lên cao, cao nữa, lại chạm tới từng mây trắng muốt…

Cô bé vừa kịp định thần lại thì đã thấy mình đứng trong nhà, và tiếng bà bảo cô thế này :

- Cháu bà sạch đẹp thơm tho lắm rồi, bé ngoan ạ !​

Trước khi sao chép, bạn phải xin phép dịch giả !
Mong bạn hãy tôn trọng để được sự tôn trọng !
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
CUỘC CHINH PHỤC LỚP 5C

Năm 1983, cả Tô Liên cười nghiêng ngả vì một giáo viên trẻ nước Ý, nhân vật bất đắc dĩ phải gánh việc "nuôi dạy" bốn mươi tên tiểu yêu trong trứ tác Giovanni Mosca, được phổ biến nhờ loạt phim Yeralash lừng danh. Câu thoại mà minh tinh Yevgeniy Morgunov dặn tài tử mới Gennadiy Khazanov trước khi nhét súng ổ quay vào cạp quần "Ai rồi cũng đến lúc chết" trở thành châm ngôn thời thượng trong không gian Soviet.

Truyện chàng giáo viên suýt bị học trò xé xác rồi làm thế nào thuần hóa bốn mươi đứa "nhất quỷ nhì ma" kì thực nằm trong hợp tuyển Kỉ niệm trường xưa (Ricordi di scuola), do tác gia Giovanni Mosca san hành năm 1939. Tác phẩm được tường bày dưới hình thức hồi kí người cha để lại cho các con, gồm nhiều mẩu truyện cười ra nước mắt về đời thầy giáo. Vì suy cho cùng, giáo vụ không chỉ là truyền chữ, mà còn lí tưởng sống suốt đời trong lòng chúng ta.

Hân hạnh giới thiệu đoản thiên Cuộc chinh phục lớp 5C (La conquista della Quinta C) qua dịch phẩm !​



Tác giả : Giovanni Mosca
Dịch giả : Ngọc Giao​

Покорение пятого «В»

Джованни Моска
40 чертей и одна зелёная муха

© Giovanni Mosca, Ricordi di scuola, 1939
© Еремеева А. С., перевод, 2012
© Минеев В. М., иллюстрации, 2018
© Издание на русском языке, оформление. ООО «Издательский дом «КомпасГид», 2018​

1.

Cha vừa tròn hai chục tuổi khi cầm giấy gọi thực tập giáo viên trong túi và cứ giữ khư khư vì sợ mất cái hẹn trong mơ này. Thế là cha bước vào ngôi trường được phân công và xin gặp thầy hiệu trưởng. Lúc ấy tim cha loạn đập.

- Anh là ai ? – Cô bí thư hỏi dồn – Bây giờ trường chỉ nhận giáo viên thôi.

- Vâng, thì tôi là giáo viên mới đây… – Cha đáp và chìa bì thư ra.

Cô ta thở cái thượt rồi vào phòng hiệu trưởng, chốc sau ông đã xuất hiện. Nhưng thoáng thấy cha, ông ta ôm đầu.

- Tuyến trên người ta nghĩ thế nào ? – Ông ta la toáng lên – Họ phái xuống một thằng oắt con trong khi tôi rất cần gã khổng lồ râu ria bặm trợn lôi lũ quỷ tuột xích về đúng chỗ cũ. Mà thế nào... mỗi thằng nhóc. Ôi thôi, chúng nó mà gặp chỉ có nhai tươi nuốt sống.

Nhưng ngay sau đó ông ta chột dạ rằng làm thế chỉ khiến cha đâm hoảng chứ báu gì, nên ông nhoẻn cười, vỗ vai cha mà rằng :

- Anh hai chục tuổi rồi chứ gì ? Nhận bổ nhiệm thư lúc này kể cũng đáng thôi, nhưng quả thật nom anh không khác đứa mười sáu. Cứ như anh là đứa trung học sinh đúp lớp thâm niên chứ chả phải giáo viên. Thành thật mà nói, anh chỉ tổ làm tôi lo sốt vó. Mà liệu anh nhầm chỗ thế nào chăng ? Thư có đề Học Hiệu Dante Alighieri không ?

- Thì đây – Cha chìa thư như báu vật – Trường Dante Alighieri.

- Chà, lạy Chúa quan phòng ! – Ông hiệu trưởng lại thở dài – Chưa có ai thuần hóa nổi lũ nhóc này : Bốn mươi tên tiểu yêu, có tổ chức, có võ trang, và còn có thủ lĩnh – thằng Guerreschi (chiến tranh). Giáo viên cuối cùng khiến chúng nó suýt khóc là vào hôm qua, nhưng thầy ấy cũng luống tuổi và sắp hồi hưu. Còn tôi cũng xin chuyển trường rồi.

Dứt lời, ông ta nhìn cha bằng ánh mắt ái ngại.

- Giá anh có ria mép nhỉ – Ông lẩm bẩm.

Cha cũng ra cái điệu bất lực, như thể tắt hết hi vọng rồi, mà đúng là chẳng ai cứu cha được. Thế rồi ông ta nhướng mắt lên : Đi thôi !

Hai người đi dọc hành lang rất dài, hai bên đánh số lớp : 4D, 5A, 5B, 5C...

- Anh vào đây ! – Ông hiệu trưởng nói rồi dừng lại trước cửa 5C.

Cha nghe rõ sau cánh cửa hắt ra mấy tiếng ồn : Nào gào thét ầm ĩ, nào bi sắt đập bảng, rồi tiếng súng, tiếng hát, cả bước chân huyên náo xô lệch bàn ghế…

- Chắc chúng nó đang lập chiến lũy đấy – Ông hiệu trưởng nhủ thầm.

Liền đấy, ông bắt tay cha rất chặt rồi bước đi, bỏ cha bơ vơ trước ngưỡng cửa 5C.

2.

Nếu như cha chẳng nhọc công đợi cuộc hẹn này cả năm giời, nếu như cha và gia đình chẳng cần mớ lương giáo viên còm đến thế, thì có lẽ cha đã dứt khoát tay trắng ra về và có nhẽ cho tới tận hôm nay lớp 5C trường Dante Alighieri vẫn đợi người thuần dưỡng. Nhưng ông bà và các cô chú đang nôn nao cầm dao nĩa, chờ cha về đổ đầy đĩa không cho cả nhà. Thế là cha bấm bụng đẩy cửa bước vào.

Trong lớp bỗng nín bặt bất thường. Cha chớp thời cơ ấy bước lên bục giảng. Chừng như bọn nam sinh đều bất ngờ trước cái mẽ non choẹt của cha và đang phân vân không biết đây học sinh cấp Ba hay là ông giáo. Bốn mươi tên tiểu yêu nhìn cha đầy thách đố. Đó là cái yên lặng trước thềm chiến tranh.

Ngoài kia mùa xuân đang reo mừng. Cây vườn ươm đã khoác chiếc áo xanh mơn mởn và gió đưa cành cộc nhẹ vào cửa sổ.

Cha nắm chặt tay, tự dặn mình phải trấn tĩnh bằng một ý chí phi thường : Chỉ một lời thừa cũng phá tan tình hình, cho nên cha ráng chờ, đón coi những gì sắp sảy ra.

Các chàng ấy vẫn ngồi nhìn trân trân. Cha cũng vậy, ngó lại chúng nó bằng ánh mắt mãnh sư, và ngay lập tức nhận ra đứa nào vừa rung chuông. Nó ngồi ngay bàn đầu, nom nhác giống thằng Guerreschi ông hiệu trưởng cảnh báo : Tóc cụt, sún đôi răng cửa. Thằng nhóc nhìn cha như thể rình mồi, bất thần liệng một quả cam, rõ ràng là nhằm trán cha. Và cũng rõ ràng là nó không nuôi ý định xơi trái cây ngon ngọt ấy.

Chiến sự đã khai hỏa.

Guerreschi hét một tiếng xung trận, rồi tung tẩy một quả cam ném cha. Cha ráng nhích đầu sang bên, tức thì nước cam tung tóe bức tường sau lưng.

Một–Không. Chắc đây lần đầu trong đời Guerreschi biết thua, còn cha tỏ vẻ không nao núng và vẫn câng mặt : Lúc lâm trận, tôi chỉ việc nhích đầu là xong.

Nhưng mới chỉ đòn khởi đầu.

Guerreschi tức khí nhảy dựng khỏi bàn và chĩa vào cha một cái ná thắt thun đỏ gắn đầy giấy cục rấp nước miếng. Đấy là hiệu lệnh : Hầu như đồng thời với nó, ba mươi chín tên tiểu yêu giật phắt dậy chĩa ná vào cha, nhưng không cái nào màu đỏ mà còn nom kém sặc sỡ hơn. Vì rằng, đỏ là màu thủ lĩnh.

Không gian càng chìm sâu vào thinh lặng. Nhành cây vẫn gõ nhẹ cửa kính. Nhưng thốt nhiên có tiếng vo ve, tuy bé nhưng nổi bật trong không gian trầm lắng, mà rồi phá tan cái phong khí ấy : Chẳng qua là con nhặng xanh bay vào lớp học. Coi như nó cứu cha phen này.

Cha thoáng thấy Guerreschi vẫn ti hí dõi theo cha, nhưng mắt còn lại điều tra tiếng vo ve. Cả bọn cùng bắt chước thế – mà dường như, lòng chúng nó đang nội chiến khốc liệt lắm : Ngắm con nhặng hay ông thầy ?

Ngoài cha ra đố ai tường tiếng ồn lạ lùng đó hấp dẫn thế nào trong tiết học : Cái thân cha khi ấy hẵng là đứa sinh viên mới tất nghiệp, đến một con nhặng cũng làm cha cảm động.

3.

Trước bao ánh mắt đổ dồn, cha cất tiếng :

- Guerreschi !

4.

Thằng bé giật thột, lấy làm lạ vì cha biết tên nó.

- Ta đố trò xử nó bằng một phát đạn !

- Cược nhé ! – Guerreschi nhoẻn cười toe toét.​


Có tiếng thì thào lướt qua hàng quân. Những ná chĩa vào cha đồng loạt hạ xuống, mọi chú ý dồn về Guerreschi. Chú nhóc thung dung bước khỏi bàn, ngắm mục tiêu và chốc sau buông tay : Đoàng ! Cục đạn giấy đấm tan bóng đèn, trong khi con nhặng vẫn reo vui, nhưng bây giờ tiếng nó như phản lực cơ.

- Nộp súng đây ! – Cha hạ lệnh.

Cha xé tờ giấy nhai thật chín, vo cục to rồi bắt đầu ngắm mục tiêu. Cha có thoát hiểm được không, có gầy dựng được uy tín nay mai hay không, là tùy ở phát quyết định này.

Trước lúc bắn, cha ngập ngừng hồi lâu, tự nhủ : Nhớ đấy, trường này đố ai sánh được mày về nghệ thuật bắn nhặng.

Cuối cùng, khi cảm thấy đã vững tay, cha buông thun : Tiếng vo ve tắt đột ngột, và con nhặng chết tươi dưới chân cha.

- Theo luật, ná Guerreschi giờ của thầy ! – Cha nghiêm giọng, quay lên bục giảng và chìa cái thun đỏ – Yêu cầu các em giải giới !

Lại có tiếng xì xào, nhưng coi bộ ngưỡng mộ hơn là thù địch, rồi từng đứa một cúi gằm không dám ngước nhìn cha, ba mươi chín tên hung đồ nộp mình tại bàn giáo viên. Và sau màn duyệt hàng binh, một núi bốn chục ná cao su sừng sững trước mặt cha.​


Nhưng lúc này mà biểu lộ cảm giác chiến thắng thì e nông cạn quá. Cha vờ như chưa có truyện gì cả, tuyên ngôn trước lớp bằng cái giọng dửng dưng :

- Bắt đầu chia động từ. Guerreschi lên bảng !

Cha giúi phấn vào tay nó, đoạn, oang oang giảng bài : Io sparo, tu spariamo, egli spara (Tớ bắn, cậu bắn, y bắn)... và cứ thế cho tới thì quá khứ.

Trong khi ba quân tướng sĩ đang hí hoáy trong vở những nét chữ đẹp đẽ thì thủ lĩnh bại trận đang gò lưng trên bảng đen.

Thế còn ông hiệu trưởng ?

5.

Chắc khi ấy ngóng yên tĩnh bất thường quá nên ông yên trí rằng, bốn mươi tên tiểu yêu đã bắt cha làm tù binh và nhét giẻ lau vào miệng. Ông ta ngó vào lớp và hình như hét lên đầy ngưỡng mộ.

Sau khi tan học và ai nấy về hết, ông vào hỏi cha cách nào thuần hóa bọn nó, nhưng chỉ nhận được câu lấp lửng :

- Tôi tin tưởng sự trung thực nơi các em.

Thật ra cha không dám nói thẳng rằng lấy ná bắn nhặng – phương pháp giảng học này không nằm trong bất kì giáo trình mô phạm nào Bộ Giáo Dục cung cấp và khuyến nghị. Cha cũng biết rằng, chẳng có nhà giáo dục uyên thâm nào liệt kê những hữu ích của việc lấy ná bắn nhặng nhằm duy trì kỉ cương lớp học.

Niên khóa kết thúc suôn sẻ. Cậu Guerreschi – thủ lĩnh băng cường khấu tí hon – hiện là học sinh ưu tú của cha, đã lên trung học hiệu với bảng điểm xuất sắc.

Năm ngoái cha có tình cờ gặp Guerreschi. Nghe nói, cậu ta đã theo chúng bạn tất nghiệp cả rồi.​

Trước khi sao chép, bạn phải xin phép dịch giả !
Mong bạn hãy tôn trọng để được sự tôn trọng !
 
Top