Bài viết 03 - Xe điện bánh lốp

ZuZu

Thành viên thường
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Trọng Du
Năm sinh: 1992
Nơi sống và học tập: Thành phố Volgograd – LB Nga

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Ở Volga có một chuyện gần như đã trở thành quy luật: thanh niên thường đi xe khách, còn người già thường đi xe điện bánh lốp. Mình là thanh niên, nhưng cũng thường đứng xếp hàng lên xe điện sau các cụ già.

Những chiếc xe điện cũ kỹ với đôi cần dẫn leng keng bon bon chạy 18 tiếng mỗi ngày, bất kể thời tiết đổ lửa hay giá buốt hơn 40 độ trên dưới số 0, khoác trên mình những bộ cánh hoen gỉ xấu xí như những anh gù của nền dân chủ. Xe điện dừng lại, người ta biết rằng mình có thể lên xe. Và họ đã lên xe, dù có hoặc là không có vé, dù phải chen chúc chừa nhau vừa đủ mỗi người một chỗ đứng chân. Và dù hành khách có ồn ã, có đông nghẹt đến cỡ nào thì những chiếc xe điện ì ạch cũng không bao giờ có quyền than thở. Chúng vẫn nhẫn nại lết đi, vẫn mở cửa qua mỗi bến để đón thêm người. Hành khách quá đông, một khoang không đủ thì người Nga gắn thêm cho xe vài khoang nữa, chiếc xe điện luồn lách trên phố nom như một đoàn tàu, còn người trên xe chới với như chơi trò cút bắt cùng nhau.


Như đã nói đến ở trên, hành khách đi xe điện thường là người già, thêm nữa có trẻ em, và người thu nhập thấp. Bước lên đúng xe, chỉ cần trả 12 rúp là ta đã có thể đi đến đâu bất kể xa gần, những bác thu tiền vé chẳng bao giờ kèo nèo đòi thêm 1 cắc. Trên xe, ngồi có thể ngủ, đứng cũng có thể ngủ, ngủ đến cuối bến thì chắc chắn sẽ có người đánh thức dậy. Không sợ móc túi, không sợ giật đồ, cũng không sợ người ta bắt quỳ xuống vái lạy mới mở cửa cho xuống như ở Việt Nam. Mình thích điều này, nên chuyện ngủ gật nhờ các bạn nữ đi cùng đánh thức dậy hay ngủ quên lỡ bến trễ học là chuyện bình thường. Những lúc đứa trẻ nước ngoài có ria mép là mình cuống cuồng như thế là lại thêm cơ hội cho đám học sinh Nga một phen cười nghiêng ngả, mình cũng cười, vui mà, gãi đầu 1 lát là lại chả sao.

Có một điều lạ là phần đa những tài xế xe điện ở đây không phải đàn ông mà là phụ nữ. Có lẽ phụ nữ điềm tĩnh và nhẫn nại hơn chăng, hẳn vậy mà mình chưa thấy vụ hành khách nào xuống xe bị kẹt chân vì xe vội đóng cửa và lăn bánh, cũng không nghe chuyện xe vượt ẩu quệt ngã người ta, tài xế ngó đầu ra thấy họ máu me lồm cồm bò dậy thì lùi xe cán cho chết hẳn, có gì thì Công ty bảo hiểm chi trả, đỡ phải thuốc thang nuôi kẻ bị nạn cả đời. Nghĩ thế thôi, dù trời lạnh thì bước lên xe điện cũng ấm lòng hơn, không phải nem nép nhìn mọi người khiếp sợ như vô nhầm chuồng thú dữ.

Chiếc xe điện cởi mở vậy nên nhiều khi cũng dang tay hứng chịu không ít thiệt thòi. Người ta vác lên xe đủ thứ. Vật liệu xây dựng có, chậu cây cũng có, đất cát vung vãi nhiều nơi. Tuyết tan, nền xe cũng nhớp nháp không kém gì đường phố. Còn bao nhiêu trò hề khác nữa mà hành khách có thể nghĩ ra. Người ta nhai kẹo cao su rồi gắn bã xuống gầm. Lắm bác lè nhè uống rượu say, nhiều khi còn tè ra cả ghế. Giá trị đồng rúp giảm, lạm phát phi mã, vé xe cũng tăng theo. Khủng bố tiến dần xuống phía nam, mục tiêu thứ hai ngay sau vụ đánh bom nhà ga cũng là xe điện. Chiếc xe nổ tung, khung xe cũng sập sệ không nhận ra được nữa. Dù có thế thì ngay hôm sau trên tuyến ấy một chiếc xe điện khác chạy thế chỗ, và một hai hôm sau lại sớm đông người. Nó vẫn chạy, vẫn phục vụ mọi người với một thái độ tuyệt vời không hề ca thán, không cần phải lên Facebook viết status kêu ca lo sợ nọ kia làm người thân bạn bè ở nhà lo vỡ mật.


Sứ mệnh vĩ đại của nó là chuyển bánh để rút ngắn lại khoảng cách giữa nhà với chợ dưới chân những người già, khoảng cách giữa trường với Ký túc của cánh sinh viên, và cả khoảng cách giữa Ký túc tới những địa chỉ mua đồ mà hóa đơn tính bằng tiền triệu. Đi xe điện có một cái lợi, đó là nó đỗ tận sát bến, đỡ phải đi bộ nhiều, đỡ phải xách những túi hàng hiệu đi quá xa lỉnh kỉnh, đỡ luôn chuyện phải nhăn mặt dừng lại móc túi cho người ăn xin vài rúp, dù chỉ vài rúp thôi.

Mình thích đi xe điện, như một thói quen, mặc dù nhiều lúc bước chân lên là ngủ hoặc giá có thức thì cũng liểng xiểng say xe. Ngồi trên xe có thú vui nữa là đưa mắt nom đoàn xe phía sau xếp hàng rượt đuổi, nhanh mắt đọc hết những bảng quảng cáo chữ lớn nhiều màu, thi thoảng còn được nghe một chú bé con vừa chơi accordion vừa cúi mình cảm ơn trước vài xu lẻ từ tay hành khách. Hồi năm dự bị cũng hay đi chợ xa, một mình phải xách đồ ăn trong một tuần cho hai người, đến là mệt, mà tiếc tiền không dám bước lên xe. Cuốc bộ gần 3 cây số suốt 4 mùa với trĩu tay hai túi đồ cả chục ký. Giờ nghĩ lại hãy còn thấy hãi… Hãi hơn nữa là hôm Tết năm ấy, nghe lời người ta, không đem theo áo ấm, mặc phong phanh ngồi run trên xe điện dưới trời âm 30 độ C, rét gần chết. May mà có một bà Nga mặc bộ đồ trắng muốt tặng mình đôi găng tay len màu xám, đôi găng tay ấy giờ mình vẫn giữ, nhiều lúc chẳng biết yêu nước Nga vì điều gì ngoại trừ đôi găng tay ấy mà thôi.


...mà cứ liên thiên mãi, mình lại lỡ thêm một bến nữa rồi >”<
 

Phan Huy Chung

Thành viên thân thiết
Наш Друг
@vinhtq xem lại vấn đề kỹ thuật!, ấn 5 sao nhưng không được, hệ thống ủng hộ không làm việc!!!! Bài viết thật tâm huyết , thể hiện một tấm lòng với cái nhìn thật sâu.tớ thích sự thẳng thắn!!!
 
Chỉnh sửa cuối:

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
@vinhtq xem lại vấn đề kỹ thuật!, ấn 5 sao nhưng không được, hệ thống ủng hộ không làm việc!!!! Bài viết thật tâm huyết , thể hiện một tấm lòng với cái nhìn thật sâu.tớ thích sự thẳng thắn!!!
Cháu cảm ơn chú, cháu đã sửa và thêm bình chọn củachú 5 sao rồi ạ :)
 

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Thường thì mình thấy tramvai mới có nhiều lái xe là phụ nữ, còn троллейбус chủ yếu là đàn ông. Chắc thành phố bạn hơi khác chút xíu.
 
Top