Bài viết 05 - Kafema - Cà phê Việt nơi đất khách

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 05:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và làm việc: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
“Hoàng thiên bất phụ khổ nhân tâm” – dù sao ông trời cũng thương xót kẻ tha hương nên đã vô tình để lộ ra một góc cho “nhớ về quê hương”.

Kafema - Cà phê Việt nơi đất khách

Nói về vấn đề cà phê, không thể không nói qua về những người bạn nơi quê nhà. Mỗi tuần, tùy theo hứng thú mà nhóm có thể gặp nhau vài lần tại các quán cà phê. Và hầu như không có tuần nào trống trong suốt mấy năm qua. Chính điều này đã hình thành thói quen ra quán uống cà phê.

Đi uống cà phê không chỉ đơn thuần là thưởng thức một ly cà phê ngon. Quá cà phê còn là nơi gặp gỡ của cả nhóm, là nơi trao đổi tất cả các vấn đề, những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Cũng không ít lần cả nhóm ngồi với nhau mà chẳng ai nói với ai câu nào. Mỗi người theo đuổi một suy tính, một công việc nào đó. Vậy mà khi ra về, lòng vẫn thấy vui, thấy nhẹ nhõm hơn. Những lo toan trong cuộc sống thường nhật đã được san sẻ qua mùi cà phê mà không cần phương tiện truyền tải thông thường nhất của loài người là ngôn ngữ. Cả nhóm đã là một khối thống nhất với chất keo chính là những ly cà phê như vậy. Mỗi người trong nhóm cũng đã “thông” với những người còn lại qua những ly cà phê. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng cà phê là một yếu tố không thể thiếu trong tình bạn của nhóm!

“Xảy nhà ra thất nghiệp” – biết rằng không chính xác nhưng cứ ôm tạm câu nói này để miêu tả về vấn đề cà phê, cà pháo ở nơi xứ lạ.

Hôm trước nghe bài thuyết trình về vấn đề sốc văn hóa, hôm nay ngồi nghĩ lại mới thấy hóa ra trong sốc văn hóa có cả… “sốc cà phê”!

Phát sốc đầu tiên là tại Hàn Quốc, khi phải transit đến 4 tiếng đồng hồ. Với 4 tiếng ngồi vạ vật chờ đợi ở sân bay thì 1 cốc cà phê là sự lựa chọn hợp lý nhất. Đến lúc này, “sốc cà phê” lại còn kèm theo cả “sốc tiền tệ”: mỗi cốc cà phê Capuccino ở sân bay Hàn giá 3,5USD, gấp 4-5 lần 1 cốc cà phê bình thường vẫn dùng ở thủ đô khói bụi. Thôi đành chấp nhận. Đi Tây mà!

Hóa ra tiền đắt thì cốc cà phê cũng to tổ bố, chỉ tiếc là nhạt như nước lã! Ai đã quen với cà phê Việt thì uống cốc cà phê này không sốc mới lạ.

Nhạt nhẽo. Nhưng vẫn phải uống. Không uống thì… xót! 70.000VNĐ chứ ít à?

Một quán cà phê tại Sân bay Incheon (Seoul/Hàn Quốc)

Mấy ngày mới sang trời Tây toàn phải chơi cà phê gói, nhưng cái thói quen ra quán làm cho việc uống cà phê tại gia mất hứng thú. Thêm cái việc chưa lắp đặt được internet để liên hệ về gia đình là đủ lý do để tìm đến 1 quán cà phê wifi và hùng dũng gọi 1 cốc cà phê (dù xót).

Do có kinh nghiệm ở Hàn nên lần này không dính “sốc cà phê” nữa. Tuy nhiên, không thể thoát được cái cảm giác chán chán khi ôm cốc cà phê to như mả bố thằng ăn mày mà tống vào mồm. Uống cà phê mà cứ tưởng mình đang đi uống bia hơi Hải Xồm!

Hơn nữa, dân Tây chả có cái thói quen ngồi cà phê lâu và dai như ở xứ ta. Ở đây chả có cái cảnh sáng sáng đi ăn sáng rồi kéo nhau ra quán cà phê, ngắm cà phê tí tách ngấm qua phin rồi vừa nhâm nhi từng giọt đắng vừa lướt qua mấy tờ báo mới.

Tất cả những điều này đều được dân Tây thực hiện ở nhà riêng. Quán cà phê chỉ là nơi hẹn gặp bạn bè, đối tác… Khi hết việc thì ực một phát hết cốc cà phê nhạt toẹt rồi đứng dậy trả tiền. Vậy là cái thói quen ngồi dai, ngồi lâu đành phải gửi qua email về cho lũ bạn ở nhà!

“Hoàng thiên bất phụ khổ nhân tâm” – dù sao ông trời cũng thương xót kẻ tha hương nên đã vô tình để lộ ra một góc cho “nhớ về quê hương”.

Kafema – một cửa hàng nhỏ, chừng 20m2 với chức năng chính là bán cà phê nguyên liệu cũng như các vật dụng liên quan đến cà phê: máy pha, phim, cốc… Để tăng thêm doanh thu, cũng là một chiêu quảng cáo chất lượng sản phẩm, ông chủ quán đã đặt thêm “4 bàn 8 ghế” cho khách hàng thưởng thức cà phê ngay tại quán. Chỉ “4 bàn 8 ghế” vì quán quá nhỏ, không thể nhét thêm nữa!

Cảnh "4 bàn 8 ghế"

Tại sao lại có tiêu đề “Kafema – cà phê Việt nơi đất khách”? Vì đến thời điểm này vẫn chưa thể tìm ra một quán khác có được cái hồn Việt hơn Kafema!

Bước vào quán, khách hàng có thể thấy ngay những thùng carton mang thương hiệu Vinacafe. Trên những giá hàng, cà phê Việt cũng hoành tráng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.


Sánh vai cùng "Colombia"

Một điểm nhấn ở đây là không khí thơm nức mùi cà phê với tiếng nhạc nhè nhẹ, dặt dìu không khác mấy so với các quán cà phê tại Việt Nam.

Cái hồn Việt được thể hiện ngay trên tường với 2 bức tranh nhỏ: Vịnh Hạ Long và cậu bé mục đồng đội nón lá cưỡi trâu. (Made in Vietnam!)
Vịnh Hạ Long và Cậu bé mục đồng giữa thế giới cà phê

Mỗi lần chui vào đây lại tìm cách để ngồi đối diện với 2 bức tranh ấy. Ngồi để ngắm, ngồi để nhìn thấy Việt Nam, để cho vơi nỗi nhớ. Và quan trọng nhất là cũng giống như mấy quán cà phê quen tại Việt Nam, mỗi lần đến đây lại thấy vơi đi những nỗi buồn, những lo lắng hay toan tính trong cuộc sống.

Điều thú vị nữa là trong cái quán cà phê nhỏ xíu và xa xôi này lại có những con người khá vui vẻ, thân tiện giống như 2 quán cà phê đã quen thuộc tại Việt Nam (Benben và River Corner).

Đầu tiên là ông chủ quán, một con người đã đứng tuổi nhưng khá nhanh nhẹn, có vẻ rất năng động. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới để tìm, nhập cà phê về đây. Trong các điểm đến của ông, Việt Nam cũng đã để lại nhiều ấn tượng. Làm sao không thể ấn tượng khi ông đã từng có mặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… Cái cách di chuyển của ông tại Việt Nam cũng khá thú vị: bắt xe khách để chạy dọc theo chiều dài của dải đất hình chữ S.


Ông chủ Kafema ngồi bán hàng

Bên cạnh ông chủ còn có 2 cô nhân viên trẻ trung, xinh đẹp. Không thể phủ nhận vẻ đẹp của họ: đẹp cả về vẻ bề ngoài lẫn tính cách. Do phải theo truyền thống phương Tây nên chả dám hỏi các cô bao nhiêu tuổi nữa. Sau lần đầu tiên vào quán, giờ các cô đã nhớ mặt nên chỉ cần bước chân vào quán đã được các cô dành cho những nụ cười rất tươi và một cốc cà phê theo kiểu Việt. Qua nhiều lần quan sát, để ý mới phát hiện ra rằng không phải khách hàng nào cũng nhận được cái vinh dự này!


Katia (Ảnh hơi mờ do chụp kém)

Katarina

Do bức hình trước hơi mờ, Katia đã "yêu cầu" người viết đổi hình.
Đây là tấm hình mới update về cả 2 cô nhân viên tại Kafema

Nói đến “cà phê theo kiểu Việt” lại phải dài dòng 1 tí.

Lần đầu tiên đến uống cà phê tại Kafema đã được thưởng thức một cốc cà phê pha phin lõng bõng, nhạt nhẽo! Chả thèm quan tâm đến vốn ngoại ngữ còn loãng hơn cả cà phê của quán, cứ lao bừa vào mà giải thích: tôi muốn uống cà phê, nguyên chất, của Việt Nam, pha bằng phin, ít nước thôi, thêm 1 chút sữa….

Sau cái lần giải thích ấy, không ngờ mấy cô bé cũng hiểu ra vấn đề và có phương án xử lý mới: xay cà phê, cho vào phin rồi bê ra bàn kèm theo 1 ca nước sôi sùng sục, 1 ca sữa nhỏ cho thằng châu Á… tự sướng. Tất nhiên, các cô không bao giờ quên những nụ cười ấm áp giành cho vị khách quái dị của quán.

Xa Việt Nam vẫn có thể thưởng thức cái hồn Việt qua những giọt cà phê tí tách

Và thế là Kafema đã trở thành một lựa chọn, một địa điểm không thể không đến mỗi tuần.

Hôm nay, một ngày mưa rét, lại vào Kafema. Vào đây để cảm nhận cái không khí ấm áp, cái không khí có chút hơi hướng Việt Nam. Vào đây để ngắm vịnh Hạ Long, để ngắm cậu bé mục đồng đội nón lá cưỡi trên lưng trâu. Vào đây để nhớ về nơi quê hương ở phương Nam ấm áp. Vào đây để nhớ đến bọn bạn mà còn rất lâu nữa mới có thể gặp gỡ, cùng nhâm nhi cà phê, cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hoặc chỉ đơn thuần là chém cho đời bớt gió!
 
Top