Bài viết 06 - Tuyết

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 06:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Từ miền nhiệt đới đến với xứ lạnh thì tuyết là một trong những đề tài hấp dẫn để viết, để kể. Tuyết đầu mùa luôn có một sự hấp dẫn đáng kể, ngay cả đối với người bản xứ.


Tuyết
Từ tuyết đầu mùa...
Sáng ngủ dậy, nhìn qua cửa sổ đã thấy những bông tuyết nhỏ xíu bay trong gió. Ngó xuống mặt đất mới thấy tuyết trải một lớp bụi mờ. Cảm giác thật lạ, khó diễn tả. Giống như trẻ thơ lần đầu tiên được mẹ cho đi chơi chợ. Thêm một chút phấn khích khi mình là người đầu tiên trong đoàn có cái vinh dự được biết rằng "hôm nay có tuyết". Không nghĩ rằng mình đã là "người lớn", mở cửa sổ, thò tay ra ngoài để hứng những bông tuyết li ti, để cảm nhận cái lạnh đầy mới lạ, cảm nhận cái lạnh gai gai nơi bàn tay.


Một lớp tuyết nhẹ trải trên mặt đất...

Sau khoảng một giờ đồng hồ, cảnh vật đã thay đổi rõ rệt. Mặt đất không còn lớp bụi bờ lúc trước mà thay vào đó là một lớp bông trắng mịn, trinh nguyên, mềm mại trải dài trên khắp các con phố.


Và khi đã dày thêm

Cất đôi giày thể thao mùa hè để thay bằng đôi giày đông mới sắm, cũng không quên đôi tất lông to sụ để đảm bảo khả năng di chuyển an toàn trên tuyết.
Nói đến giầy đông, những người xứ nóng sẽ không tưởng tượng được một đôi giày cao cổ to ngoại cỡ, bên trong có một lớp lông dầy. Bình thường vẫn đi giày 40 thì giày đông phải cỡ 43 vì nó sẽ còn được bổ sung lót lông, những đôi tất lông dầy (theo lời kể của một người bạn thì kỷ lục của họ là phải mang đến 7 đôi tất mới đủ chống lạnh nếu đứng bán hàng ở chợ).
Cũng xin nói thêm, tất mùa đông là loại tất len hoặc tất lông thú, rất dầy và ấm. Mỗi đôi như vậy đắt gấp 4-5 lần tất bình thường. Đầu mùa đông có thể gặp trên đường, trên quảng trường, công viên những bà cụ già bán tất. Đây chính là những sản phẩm thực sự do họ đan từ len hay lông của những chú cừu trong chuồng nhà mình. Đây thực sự là những món hàng chất lượng, giá cả phải chăng. Đáng tiếc, với kích thước bàn chân của người châu Á thì chỉ có thể ngắm nhìn chứ không mang được. Đành phải ra chợ, ra cửa hàng mà chọn cho mình những đôi tất phù hợp, nhưng không dám chắc có phải là handmade hay traditional không nữa.
Quay trở lại với tuyết đầu mùa.
Đoàn gồm mấy anh em đều ở cái mức trên dưới ba chục tuổi đầu, quá nửa là đã có vợ con, đều nặng gánh với miếng cơm manh áo. Vậy mà được nhìn thấy tuyết, được đắm mình trong hơi lạnh, trong màu trắng trinh nguyên của tuyết, tất cả đều hồ hởi như được trở lại tuổi thơ. Tuyết nhung làm người ta sảng khoái tinh thần. Tuyết bông như làm người ta trong sáng, thánh thiện hơn. Một màu tuyết trắng phủ khắp không gian, vạn vật cũng giúp người ta trút bỏ mọi gánh ưu phiền. Tuyết đầu mùa làm những kẻ già đời trở nên háo hức như trẻ thơ. Tuyết đầu mùa làm những kẻ tha hương vợi đi nỗi nhớ quê hương.

Chẳng ngại giá rét, chả ngại cái địa vị "người lớn" hay bị những ánh mắt ngạc nhiên của người bản xứ, cả bọn kéo nhau ra ngoài trời, đội tuyết để chụp ảnh, để được dẫm chân lên tuyết, cảm nhận cái mát lạnh khi những bông tuyết bay vào mặt. Ý tưởng hay nhất là uống trà đá dưới trời tuyết.

Không thể có món trà đá theo đúng nghĩa vẫn dùng ở quê nhà thì làm theo cách đơn giản hơn: mua cốc trà nóng, vùi một phần cốc vào trong tuyết, đứng ngoài trời để uống trà và... ngắm tuyết rơi. Có vẻ hơi "rồ man tic", nhưng lúc đấy cứ thấy... hay hay. Có người cho rằng được ngắm, cảm nhận và hòa mình vào trong tuyết như vậy rồi thì hành trình tha hương có kết thúc cũng có thể mãn nguyện.

... đến bão tuyết

Lại một buổi sáng thức dậy thấy trời đổ tuyết. Lần này không thấy được sự lãng mạn, sự thơ mộng như lần đầu tiên. Tuyết không nhẹ nhàng, thơ thới mà gầm gừ, báo hiệu những điều bất an.

Biết là không ổn nên trước khi ra đường phải trang bị đến tận răng: mũ, khăn, găng tay, quần áo, giầy, tất... làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp của cơ thể với môi trường bên ngoài.
Buổi trưa, tuyết đã dầy và gió thổi tương đối mạnh. Đôi giày đông là loại có đế gai, ma sát khá lớn nhưng đi trên tuyết vẫn cứ trơn trượt. Bước về phía trước mà chân cứ bị đẩy lùi về phía sau. Đi trên tuyết cũng gần giống đi trên gò cát, nhưng trơn, vất vả hơn nhiều.

Dò dẫm, hì hục bước từng bước, chẳng còn hứng thú với tuyết, trong lòng chỉ còn duy nhất câu hỏi "việc quái gì phải đến cái xứ băng giá này cho khổ cái thân gày?". Thi thoảng trượt chân mà may mắn chưa "kiểm tra độ dài của con đường bằng chính chiều cao của thân mình". Xin đừng cười nếu bạn nhìn thấy một người trượt chân ngã trên tuyết, vì sẽ có lúc đến lượt chính bạn hạ cánh. Mùa đông ở xứ tuyết, chuyện sứt đầu, mẻ trán hay gãy tay, gãy chân vì tuyết trơn là bình thường.

Hầu hết các trường đại học đều cho sinh viên nghỉ, để cho cả sinh viên lẫn giáo viên đều có thể về được đến nhà. Ở xưa sở này, tuyết rơi dầy có nghĩa là sẽ tắc đường và nguy cơ tai nạn giao thông tăng vọt. Di chuyển bằng xe ô tô có 2km mà hết 2 tiếng đồng hồ hay việc xe xoay ngang giữa đường là chuyện không có gì lạ.


Nỗi khổ của cánh tài xế
Buổi chiều tối, tuyết ngày càng rơi nhiều, gió ngày càng mạnh. Đến lúc này tuyết không còn gầm gừ mà chuyển sang gầm rú.

Xem thông báo thời tiết thì được biết bão tuyết có thể kéo dài nên cả bọn quyết định phải dự trữ lương thực. Dù gì thì đây cũng là lần đầu tiên trong cảnh bão tuyết nên cứ chuẩn bị cho nó… chắc.
Hai thằng xung phong đi chợ, một phần vì cần có người đi mà phần khác vì tò mò muốn thưởng thức mùi vị của bão tuyết.


Tuyết mù trời
Gió giật đùng đùng, tuyết bay vần vũ mù trời. Toàn bộ không gian chìm trong màu trắng bàng bạc. Đường phố khá vắng, thi thoảng có vài chiếc “vội vã trở về nhà một cách chậm chạm”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn hợp lý. Nếu không “vội vã”, khi tuyết rơi dầy thêm thì chỉ còn nước bỏ xe mà đi bộ về. Nếu không “chậm chạp” thì đảm bảo họ cũng chả thể về được đến nhà mà rất có thể là về thẳng bệnh viện vì tai nạn giao thông. Tầm nhìn của lái xe bị hạn chế tối đa do bão tuyết. Tuyết rơi thành một lớp dày và trơn gây khó khăn cho việc điều khiển xe. Tất cả xe ô tô ở đây đều đã được thay lốp trước mùa đông để đảm bảo khả năng bám đường, chống trơn trượt. Tuy nhiên, nếu khi đang đi mà tự dưng xe bị quay ngang thì cũng đừng ngạc nhiên nhé.

Đây là clip quay lại cảnh 1 chiếc xe "nhọc nhằn lên dốc" khi tuyết rơi. Nguyên nhân có lẽ do chủ xe chưa kịp thay loại lốp dùng cho mùa đông:
Sau khi vào siêu thị mua được một đống đồ dự trữ, hai thằng tha lôi về nhà. Đây mới là khó khăn.
Gió đã mạnh hẳn. Gió chém những nhát cắt buốt da buốt thịt, gió ném những bông tuyết to tướng vào mồm ngay từ khi mở cửa siêu thị. Trên phố, tuyết đã dày hẳn. Tuyết bị xe ô tô gạt ra khỏi lòng đường và dồn thành đống hai bên vỉa hè. Tuyết ngập lên đến đầu gối. Mỗi bước đi là một thử thách lớn lao. Lúc này, “bước đi” sẽ được hiểu là một loạt hành động lặp đi lặp lại theo từng bước: cắm 1 chân sâu xuống đống tuyết, trụ cho đến khi có cảm giác vững chắc, nhấc chân kia lên, nhanh chóng cắm sâu xuống tuyết. Hành động này có thể lặp theo tốc độ vài phát mỗi phút.

Đồng lõa với tuyết là gió. Thành phố này nằm trọn trên một bán đảo nhỏ với 3 mặt là biển nên gió là món đặc sản. Gió ở đây được dân Việt mình gắn liền với ruồi vàng và bọ chó. Gió thổi bạt mọi thứ. Bên cạnh tuyết thì gió cũng là kẻ khiến cho người đi bộ ngã liểng xiểng. Có những lúc gió khiến khách bộ hành không thể di chuyển mà chỉ có thể đứng nghiêng về phía gió. Đứng nghiêng để gió giúp mình không ngã thôi chứ không thể giúp mình di chuyển khi gió ngược chiều. Nếu lúc này mà dại dột quay mặt về phía gió thì chỉ có thể hít tuyết vào mũi, vào mồm chứ không thể hít không khí mà thở nữa. Miệng, mũi cứng đơ vì lạnh. Có lẽ ít người tin, nhưng thực tế là lạnh đến mức nước mũi, nước dãi chảy ra ngoài cũng không biết. Chỉ đến khi đưa tay lên sờ mới thấy… trơn trơn. Cũng chỉ biết là “trơn trơn” thôi, vì tay cũng cứng đơ, có cảm giác gì đâu?


Sau cơn bão, dọn tuyết là một vấn đề
200m – khoảng cách từ siêu thị về nhà – là một quãng đường kinh hoàng. Cũng may là hai thằng đã mò về được đến nơi sau khoảng… 30 phút. Còn sống là may rồi. Từ nay hết… thích tuyết!

Xem thông tin thời tiết biết được ngày mai tuyết lại rơi. Ở nơi quê nhà vẫn là phương Nam ấm áp. Nhưng thôi, dù ngày mai nắng ấm hay tuyết lạnh, dù có co ro hay mướt mồ hôi thì vẫn phải tiếp tục, người đi học vẫn cứ đi học, người đi làm vẫn cứ đi làm, mọi việc đều không thể thay đổi. Trong cuộc sống, mỗi người đều có công việc của mình và đều phải cố gắng chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà bớt đi sự cố gắng ấy!
 
Chỉnh sửa cuối:
Top