Bài viết 08 - Tôi đi làm thợ xây

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 08:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Tối hôm trước chuẩn bị sẵn quần áo rét, giày ấm để sẵn sàng cho sáng hôm sau "xách ba lô lên và đi".
Bảy giờ sáng, một ngày cuối tháng 10, trời vẫn tối. Khi những cơn gió rét vẫn ào ào đuổi nhau trên đảo Russky, tôi khoác ba lô, bắt xe buýt vào thành phố. Để đến nơi hẹn với Chiến phải bắt 2 chuyến xe buýt với tổng thời gian đến 1 tiếng rưỡi. Sau khi đón tôi bằng ô tô của mình, trên xe đã có sẵn một nhóm thợ xây, Chiến chạy xe ra ngoài thành phố. Mất 40 phút chạy xe về phía Bắc, chúng tôi đến công trường. Đây là một ngôi làng nhỏ ở ngoại thành. Tại đây, Chiến đã nhận được 2 hợp đồng xây 2 ngôi nhà.
Đến nơi, Chiến phân công 6 bác thợ sang công trình bên cạnh ghép cốt pha để kịp đổ bê tông theo đúng tiến độ. Còn tôi, một người chưa hề có chút kinh nghiệm nào, sẽ ghép mái nhà cùng Chiến để được Chiến trực tiếp "huấn luyện".

Đây là một ngôi nhà 2 tầng, 1 gác xép đã được xây thô. Phần mái nhà được dựng bằng gỗ. Nhiệm vụ của chúng tôi là ghép các tấm lợp onduline (một loại tấm lợp dạng sóng, làm bằng nhựa đường, xenlulose, nhựa và các chất phụ gia khác) lên phần khung gỗ của mái nhà.


Mục tiêu của chúng tôi

Trên độ cao khoảng 6-7m, Chiến hướng dẫn tôi từ cách buộc dây an toàn, bước chân đi như thế nào, tư thế ngồi, các điểm đóng đinh phù hợp... Hóa ra công việc cũng không khó khăn lắm, kẻ mới vào nghề như tôi cũng nhanh chóng thực hiện được.




Phần mái nhà chưa được ghép tấm lợp

Công việc được chúng tôi thực hiện khá nhanh, và cũng có phần đơn điệu: chuyển tấm lợp từ dưới đất lên, ghép vào mái, đóng đinh... Tuy nhiên, cái khó nhất là việc giữ thăng bằng ở trên cao cũng như phải chịu đựng những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt của tiết trời cuối thu. Vận chuyển những tấm onduline với kích thước 2mx1m trên độ cao và sức gió này quả là một việc không hề dễ dàng. Chiến đã dặn tôi: "Nếu gió thổi mạnh quá, anh cứ bỏ tay cho gió thổi tấm lợp đi chứ đừng cố bám theo". Vâng, và tôi cũng đã thực hiện như thế. Nhưng không kịp! May mà lúc đó tôi mới đang đứng trên chồng gạch, giữa tầng 1 và tầng 2 nên vẫn có thể "tiếp đất an toàn".


Phút giải lao của "ông chủ"...


... và "nhân viên"
Người Việt ở đây có câu "Ruồi vàng, bọ chó, gió Vla" để ví von về sự khủng khiếp của những cơn gió ở vùng này. Những cơn gió cuối thu kết hợp với cái lạnh trên dưới 10 độ C thi nhau "quần" chúng tôi, những kẻ làm việc trên mái nhà, hoàn toàn không có gì che chắn. Chẳng bao lâu, cả tôi, cả Chiến đều sụt xịt mũi. Thậm chí, về sau mũi tôi còn chảy nước tong tỏng!

Sau khi chuyển tấm lợp lên mái, Chiến đưa cho tôi 1 vỏ chai cocacola loại 1,5l được khoét ở giữa để đựng đinh mũ và trên cổ chai buộc 1 đoạn dây để đeo ở cổ. Chiến cũng đeo 1 chai như vậy. Sau khi đưa tập lợp về đúng vị trí cần thiết, chúng tôi bắt đầu đóng đinh, ghim tấm lợp vào khung mái.

Đóng đinh trong tiết trời lạnh thì nguy cơ đau đớn nhất là gõ búa vào tay. "Ông thợ cả" tự nện búa vào tay đến mấy lần, trong khi "nhân viên mới" thì không bị phát nào. Phải chăng là làm kém, làm chậm nên gõ phát nào chắc phát ấy chứ không bị trượt tay?

Hai anh em hì hục làm đến 14h30 thì một cậu thợ gọi chúng tôi xuống ăn trưa. Cạnh công trình xây dựng, Chiến đã cho đặt một vỏ container vừa làm chỗ để dụng cụ xây dựng, vừa là chỗ để công nhân có thể ở lại qua đêm nếu cần thiết và cũng là nhà ăn.





Bữa cơm trưa trên công trường

Bữa ăn đơn giản với cơm, trứng rán, thịt gà rang và khoai tây xào (bữa hôm sau thì được đổi món: cơm, bắp cải xào, thịt lợn rang trứng và thịt lợn kho). Tất cả chúng tôi, người ngồi người đứng, ăn cơm bằng bát ô tô. Việc ngồi, đứng có vẻ không quan trọng lắm với các bác công nhân xây dựng. Mà thực ra cũng chẳng có chỗ để mọi người cùng ngồi nữa.

Sau mấy tiếng làm lao động chân tay, sức ăn của tôi đã gây kinh ngạc cho chính tôi: hết veo 2 bát ô tô cơm! Một kỷ lục ăn trưa trong suốt hơn 2 năm tha hương!

Kết thúc bữa cơm mới là lúc tôi thực sự cảm thấy mệt. Hai mắt bắt đầu có dấu hiệu díp lại. Nhưng đâu có ai ngủ trưa đâu? Tất cả lại ra công trường. Hôm nay làm công nhân, phải chấp nhận thôi!


Hoàng hôn trên công trường
Một khó khăn mới nảy sinh ở giai đoạn cuối: khi toàn bộ mái đã được phủ kín bằng các tấm lợp thì không còn chỗ để móc dây bảo hiểm và việc di chuyển trên các tấm lợp khá trơn. Tôi mạnh dạn đề xuất với "ông chủ" một biện pháp: Hai người buộc dây vào nhau rồi mỗi người ở một bên mái và ra điều kiện "Nếu chú thấy anh trượt chân thì chú phải ngay lập tức nhảy về phía mái bên kia. Đừng suy nghĩ về việc có chết hay không vì chỉ còn cách đó thì anh và chú mới có cơ hội. Nếu không là anh kéo cả chú xuống theo thì cả hai thằng đều chết".




Những tình huống khó khăn

Sau hai ngày hì hục ghép ghép, đóng đóng, anh em chúng tôi đã hoàn thành công việc. Có thể do "thợ mới" nên tiến độ công việc không được cao nhưng nhìn kết quả công việc có bàn tay của mình làm nên, lòng bỗng thấy vui vui...




Thành quả của chúng tôi!
Sau hai ngày "trải nghiệm", tác giả mới chỉ dừng lại ở việc lợp mái nhà, chưa đủ dữ liệu để truyền tải đầy đủ về chủ đề xây dựng. Được sự đồng ý của "ông chủ", sắp tới, tác giả sẽ tiếp tục phần hai, đi sâu hơn về vấn đề xây và một chút về đời sống của những người công nhân xây dựng.
[TBODY] [/TBODY]
 
Top