Nước Nga Trong Tôi 2015

Hungvudinh

Thành viên thường
22 - Ngã rẽ và cơ hội

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 22:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Vũ Đình Hùng
Năm sinh: 1999
Nơi sống và học tập: Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Gần 2 năm trước, tôi đến với tiếng Nga như là một lựa chọn cho sự sống còn trong sự nghiệp học hành của tôi. Nhưng tại thời điểm này đây, trải qua gần 2 năm tiếp xúc với tiếng Nga, với con người Nga, dường như, tôi xem quyết định sống còn ngày nào giờ đã trở thành định mệnh. Định mệnh cho tình yêu chớm nở giữa tôi và tiếng Nga, và có lẽ trong tương lai không xa là với đất nước Nga xinh đẹp.

Tháng 3 năm 2014, thời gian tôi làm hồ sơ chuyển cấp 2 sang cấp 3. Biết bản thân không đủ năng lực để thi vào lớp chuyên Anh, và kể cả có tính đến nguyện vọng 2 là tiếng Nga thì cũng chắc là tôi chưa đủ điểm để vào. Bản tính là một con người thích học ngôn ngữ, tôi liền thuyết phục gia đình và thi vào lớp tiếng Nga duy nhất của tỉnh. Và lựa chọn ấy đến bây giờ tôi vẫn không hối hận.

Chắc bạn thắc mắc vì sao lại có từ “hối hận” ở đây, đúng không? Bởi lẽ từng học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9. 9 năm học, bỏ ra quá nhiều và mất đi cũng rất nhiều, nhưng tôi đã bỏ không học tiếng Anh nữa, dành 3 năm cấp 3 còn lại để học một thứ tiếng khác hoàn toàn, có chút khó khăn hơn, và dùng nó để thi đại học, để định hướng cho cuộc sống tương lai của mình.

Ngày đầu bắt đầu học tiếng Nga,tôi cảm thấy mình đã tìm được “tri kỉ” . Tôi nhận ra sự thú vị, có chút khó nhằn nhưng bù lại mỗi khi học tiếng nga tôi lại cảm thấy tâm trạng tốt hơn. Thật bất ngờ, sau 1 tháng học, tôi đã bắt đầu nuôi ước mơ đi du học ở Nga. Và như đã nói ở đầu, tôi có duyên với tiếng Nga. Khóa học sinh của tôi là khóa lẻ, K43, theo thông lệ thì Dạ Hội Nga sẽ được tổ chức 2 năm một lần, và thật may mắn là nó dành cho các khóa lẻ như khóa của tôi. Năm 2014 là do K41, lúc bấy giờ đang học lớp 12 đảm nhận vị trí trưởng ban tổ chức, và lớp tôi tham gia với tư cách vừa vui chơi, vừa học hỏi kinh nghiệm cho Dạ Hội tiếp theo. Và những gì tôi nhận được, đó là những buổi nói chuyện ( tất nhiên là được phiên dịch ) với các bà giáo Nga, các thầy cô ở Phân Viện Puskin Hà Nội, các anh chị cựu học sinh với những câu chuyện chia sẻ về văn hóa Nga, về đất nước Nga và đặc biệt là về ẩm thực Nga, thứ mà tôi thích nhất. Và tôi cũng góp phần chuẩn bị những món ăn Truyền thống của Nga để mời mọi người trong những buổi nói chuyện ấy. Dạ Hội đã tiếp thêm lửa cho tôi trong việc học tiếng Nga, phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà bản thân đề ra.
Ngoài Dạ Hội ra, nhờ có những người mà tôi gọi là Bạn ( dù họ lớn hơn tôi những 4,5 tuổi), thường cho những người nước ngoài ở nhờ ( trong giới du lịch gọi là homestay) , và mỗi khi có khách du lịch là người Nga đến ở thì họ thường gọi tôi đến, nhờ tôi giúp đưa những vị khách này đi chơi, tham quan thành phố, và có những lúc là về cả nông thôn. Đến đây hẳn có người sẽ thắc mắc là một đứa mới chỉ học tiếng Nga như mình thì làm sao có thể giao tiếp được với người Nga bản địa? Thực ra tôi giao tiếp với những vị khách du lịch ấy không hoàn toàn bằng tiếng nga, mà còn bằng cả tiếng Anh nữa. Những khi cả tôi và cả họ quá bí bách, họ đã cố nói chậm, nhưng rất nhiều từ tôi không hiểu, và tôi thì không biết làm thế nào để diễn đạt ý của mình bằng tiếng Nga, thế là chúng tôi sử dụng tiếng Anh. Với cặp khách du lịch người Nga đầu tiên Dima và Natia, hơn 60% là tôi sử dụng tiếng anh, nhưng rồi sau đó, con số đó giảm dần, và giảm rất nhanh . Và cuối cùng, vào thời điểm cách đây 1 tháng, tôi nói chuyện với 2 anh chàng Nga bằng 100% tiếng Nga dù cho vẫn có nhiều chỗ sai. Và tôi đã dần nhận ra, thú vui tiêu khiển của tôi là đây : nói chuyện và được nói chuyện bằng tiếng Nga.

Nhưng rồi cái gì thì cũng có 2 mặt vui- buồn của nó. Trong gần 2 năm qua,những chuyện làm tôi vui, tự hào là thế, thì cũng đã có những điều khiến tôi gần như hoàn toàn suy sụp, khiến tôi đã có những lúc muốn từ bỏ việc học tiếng Nga. Mọi việc bắt đầu từ những kết quả không như ý muốn của những kì thi quan trọng mang lại, nhưng rồi nhờ sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, và đặc biệt là tình cảm mà tôi dành cho tiếng nga, cho đất nước Nga, tôi đã tìm lại được cảm hứng học cho bản mình. Và càng học, tôi lại càng thêm yêu.

Trong năm tới đây, năm 2016, tôi lại lần nữa trải qua những kì thi quan trọng, nhưng suy nghĩ của tôi đã thoáng hơn trước. Tôi nghĩ kết quả của việc học không quan trọng là bằng cấp mà tôi sẽ có được, mà điều cốt lõi là tôi và trái tim tôi được thỏa mãn sở thích và niềm đam mê của bản thân. Nhưng dù sao, tôi cũng phải cố gắng, để ít nhất một lần trong đời, tôi ghi tên mình vào bảng vàng của trường – niềm tự hào của không chỉ gia đình tôi, mà còn là của mọi người Nghệ.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Gứi bạn @Do van Tien
Xin có ý nhỏ về 2 câu của bản dịch:
- Не в землю нашу полегли когда-то, nghĩa đen là: "Họ không nằm dưới mảnh đất của chúng ta như lúc nào đó". Nếu dịch là: "Nằm dưới đất sâu chẳng biến mất đâu," thì có phóng túng quá không?
- в тумане на исходе дня, nghĩa đen là: "Trong màn sương mù vào buổi hoàng hôn" . Nếu dịch là "Xuyên suốt màn sương đêm bay đến sáng ngày mai,", theo tôi là không sát nghĩa, vì tác giả không có ý nói bay đến ban mai của ngày hôm sau (chỉ sự tươi sáng, bừng lên...) mà là hoàng hôn, xế chiều để nói lên nổi buồn, sự ảm đạm ...
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Gửi bạn @Nguyễn Như Quỳnh
Bài thơ này tôi không tìm thấy trên toàn bộ Runet, túc là tự sáng tác. Theo tôi, đây là bài thơ hay, ngoài ý thơ ... tác giả biết tiềng Nga rất chuẩn.
Để dễ xem xét, với tư cách là thành viên Ban giám khảo, xin đề nghị bạn cho biết ai là tác giả bản tiếng Nga? Việc này không chỉ để cho chấm điểm mà cái chính là thuộc lĩnh vực bản quyền. Vì là chuyện quan trọng như vậy nên xin lưu ý: Ý kiến phản hồi của bạn cần kèm theo minh chứng cho tác giả của bài thơ tiếng Nga.
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
Gửi bạn @Nguyễn Như Quỳnh
Bài thơ này tôi không tìm thấy trên toàn bộ Runet, túc là tự sáng tác. Theo tôi, đây là bài thơ hay, ngoài ý thơ ... tác giả biết tiềng Nga rất chuẩn.
Để dễ xem xét, với tư cách là thành viên Ban giám khảo, xin đề nghị bạn cho biết ai là tác giả bản tiếng Nga? Việc này không chỉ để cho chấm điểm mà cái chính là thuộc lĩnh vực bản quyền. Vì là chuyện quan trọng như vậy nên xin lưu ý: Ý kiến phản hồi của bạn cần kèm theo minh chứng cho tác giả của bài thơ tiếng Nga.

@Dmitri Tran
Cháu nghĩ việc đòi hỏi bạn Nguyễn Như Quỳnh xuất trình bằng chứng chứng minh bạn ấy đích thực là tác giả của bài thơ tiếng Nga đăng kèm là khó thực hiện. Bằng cách nào đây? Nếu bạn ấy chép tay bài thơ này rồi đi công chứng thì cùng lắm Phòng Công chứng cũng chỉ dám xác nhận đây là nét chữ của cô Nguyễn Như Quỳnh (kèm theo một loạt thông tin cá nhân) thôi, còn xác nhận bản quyền thì khả năng rất lớn là bài thơ tiếng Nga này chưa được đăng ở bất kỳ ấn phẩm nào của Việt Nam. Quả là khó cho bạn ấy.
Bác đã tìm khắp runet mà vẫn không thấy bài thơ này, điều đó chứng tỏ đến 99,99% rằng đây không phải là bài thơ bạn ấy chép của ai đó từ trên mạng.
Nếu đọc kỹ bài thơ bằng tiếng Nga, ta có thể dễ dàng nhận ra đây là bản dịch nguyên văn của bài thơ bằng tiếng Việt (xin lỗi bạn Nguyễn Như Quỳnh nhé, mặc dù tình cảm của bạn rất trong sáng, rất thật, rất đáng trân trọng nâng niu, nhưng bản tiếng Việt của bạn chỉ có thể tạm gọi là thơ, còn bản tiếng Nga thì chắc chắn chưa phải là thơ). Thêm một điều nữa: đây là bản dịch của một người chưa giỏi tiếng Nga (dùng “что не называется” thay vì “безымянный сон”, dùng “cтыдливый почерк” thay vì “робкий почерк”, dùng “Россия вчера и сегодня” thay vì “Россия вчерашняя и сегодняшняя” v.v…).
Vì những lý do nêu trên, cháu thiết nghĩ chỉ cần cô giáo dạy tiếng Nga của bạn Quỳnh xác nhận bạn ấy chính là tác giả cả 2 bản tiếng Việt và tiếng Nga là đủ.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
@Dmitri Tran
Thêm một điều nữa: đây là bản dịch của một người chưa giỏi tiếng Nga (dùng “что не называется” thay vì “безымянный сон”, dùng “cтыдливый почерк” thay vì “робкий почерк”, dùng “Россия вчера и сегодня” thay vì “Россия вчерашняя и сегодняшняя” v.v…).
Vì những lý do nêu trên, cháu thiết nghĩ chỉ cần cô giáo dạy tiếng Nga của bạn Quỳnh xác nhận bạn ấy chính là tác giả cả 2 bản tiếng Việt và tiếng Nga là đủ.
Tôi hiểu ý của Masha90, ở đây tôi đặt vấn đề tác giả bản tiếng Nga rõ ràng như vậy là vì dưới góc độ pháp lý sẽ có 2 khả năng:
1. Đây là cuộc thi do Trang web của ta tổ chức, nếu bài đó của người khác mà ta đánh giá tốt cho người dự thi thì vô tình ta đã công nhận quyền tác giả. Tác giả thực có thể kiện ta.
2. Nếu bài tiếng Nga đó của người dự thi (có thể nhờ người khác sửa, hiệu đính...) thì cần phải minh chứng là của mình. Vì ta là Trang web có t/c học tập, phi lợi nhuận nên việc chứng minh này cũng chỉ cần ở mức độ "nghiệp dư" thôi. Ví dụ chỉ cần như nói ở trên "cô giáo dạy tiếng Nga của bạn Quỳnh xác nhận bạn ấy chính là tác giả cả 2 bản tiếng Việt và tiếng Nga là đủ". Hoặc 1 bức ảnh có độ phân giải cao chụp dăm bạn trong lớp đứng trước tờ giấy có ghi "Bài .... do bạn ..... tự tay viết" cũng được

Ở đây tôi không bàn về chất lượng bài thơ (để cho khách quan thì chắc là không nên phát biểu khi chưa chấm bài). Riêng về mấy cụm từ tiếng Nga nêu trên thì tôi không đồng ý với Masha. Chúng vẫn được dùng, có khi nghe rất trái tai nhưng người Nga vẫn nói. VD như: "Я стыжусь своего почерка." hay "Что из "стыдливости" моего почерка тебя смущает?"
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
@Dmitri Tran
Bác không hiểu đúng ý cháu. Hai ví dụ bác nêu là hoàn toàn đúng, bản thân cháu cũng đã từng được nghe người Nga nói. Chính cái câu “Con e thẹn những nét chữ ngại ngùng” = “Я стыжусь (стыдилась) своего робкого почерка”. Ý cháu muốn nói rằng “nét chữ ngại ngùng” dịch là “cтыдливый почерк” thì không chính xác.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
@Dmitri Tran
Bác không hiểu đúng ý cháu. Hai ví dụ bác nêu là hoàn toàn đúng, bản thân cháu cũng đã từng được nghe người Nga nói. Chính cái câu “Con e thẹn những nét chữ ngại ngùng” = “Я стыжусь (стыдилась) своего робкого почерка”. Ý cháu muốn nói rằng “nét chữ ngại ngùng” dịch là “cтыдливый почерк” thì không chính xác.
Ở đây tôi không bàn đến bản tiếng Việt, từ post đầu tiên tôi chỉ nói về bản tiếng Nga. Vì là bản đứng trước nên tôi coi nó là bản gốc, với lại, chưa có ý kiến của tác giả thì tôi không dám nói là nó được dịch từ tiếng Việt sang.
 

Gà bông

Thành viên thường
23 - Nước Nga - Khoảng cách & Tình yêu

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 23:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả:Nguyễn Thị Hiệp
Năm sinh: 1994
Nơi học tập: Đại học Ngoại Ngữ - đại học Quốc Gia Hà Nội

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


“Nhớ nước Nga” câu nói vô cùng bình thường nhưng chắc chắn sẽ có người nếu nghe tôi nói sẽ cảm thấy vô cũng buồn cười, thậm chí có người sẽ bảo tôi là “kẻ thích làm màu”. Bởi một đứa con gái như tôi, sinh ra đến bây giờ đã là hai mươi mốt năm có lẻ, chưa một lần được đi du lịch trong nước cho đúng nghĩa huống chi là ra nước ngoài. Mà hiển nhiên khi mà người ta nói nhớ một cái gì đó , chắc chắn họ phải có thời gian gắn bó lắm, yêu thương và hiểu nó lắm thì mới có thể nhớ được. Còn tôi, hàng ngày ăn cơm Việt Nam, uống nước Việt Nam và hít thở bầu không khí của Việt Nam, ở cách xa nước Nga cả nửa vòng trái đất, chưa một lần được đặt chân và biết đến nước Nga chỉ là qua sách vở và một vài dòng tin tức ngắn ngủi trên báo chí. Nhiều khi tự hỏi liệu mình có đang ngộ nhận và có đủ tư cách thốt lên câu “nhớ nước Nga”.
Nhưng trong những ngày này, những ngày sắp kết thúc quãng thời gian đại học đẹp đẽ, những ngày sắp phải xa mái trường, thầy cô và sắp phải xa tiếng Nga, tôi mới cảm thấy chưa bao giờ mình có thể có đủ tư cách đến thế. Từ những ngày đầu làm quen với những câu privet, xpaxibo khô khan, mà khi đó đối với tôi thật sự là cực hình, thậm chí là xấu hổ. Vì rằng vốn dĩ tôi chỉ là bị trượt khoa nên mới phải học tiếng Nga, vì rằng ở Việt Nam hiện nay, chẳng còn thời hoàng kim của tiếng Nga, chẳng còn cái thời mà đi ra ngoài đường mọi người hỏi “cháu học gì” và khi mình trả lời “cháu học tiếng Nga” thì ai cũng phải tấm tắc khen “ con bé giỏi thế, sau này tương lai lắm đây”. Hồi đó khi có ai hỏi tôi học ngành gì, thì chỉ dám trả lời qua qua “cháu học ngoại ngữ” để giữ lại chút thể diện, bạn bè tôi có đứa thậm chí còn nói dối là học tiếng anh nữa. Lên lớp ngoài ngủ, nói chuyện và trong đầu luôn tiêu cực nghĩ rằng học rồi cũng thất nghiệp, thà tự học tiếng anh còn hơn, ít ra còn kiếm được bát cơm mà ăn. Hết giờ học, tôi lại mải mê tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Nay quét dọn ở chùa này, mai hát hò giao lưu ở hội kia, nói chung là nhộn nhịp và vui vẻ. Năm nhất của tôi trôi qua như thế đấy, kể ra không có tiếng Nga thì khá là màu mè và đáng nhớ đấy chứ.

Nhưng rồi chẳng rõ từ khi nào, tôi tiếp nhận tiếng Nga như lẽ thường tình và tự nhiên nhất của cuộc sống. Có lẽ là từ những câu chuyện về nước Nga của các thầy cô chăng. Ôi chao! Sao mà nó lung linh đến thế. Hôm nay là những ngày hè tụ tập cũng nhau nướng thịt, ngày mai là đi tàu điện ngầm cả ngày mà chỉ phải trả có vài rub, rồi đi thăm cung điện mùa đông cả tuần cũng không hết nếu quan sát kĩ lưỡng, lại còn chuyện vào kì nghỉ được về làng quê đi thu hoạch hoa quả và nông sản với các bác nông dân, đó là chưa kể các bà giáo Nga vô cũng tốt bụng, nhân từ luôn yêu thương sinh viên Việt Nam hơn cả so với các du học sinh nước khác. Nước Nga sao mà lung linh và kì diệu đến thế. Thế đấy, tình yêu của tôi với nước Nga được nhen nhóm và bắt đầu nhẹ nhàng như thế đấy.

Thoắt cái bước sang năm ba, có nghĩa là tiếng Nga của tôi đã phải hoàn thiện rồi, nhưng mà thực chất ra thì mới chỉ là cơ bản mà thôi. Nhưng tình cảm đối với nước Nga thì thật sự đã bước một bước tiến dài. Bởi vì tối được tiếp xúc, được gần gũi được cảm nhận tính cách và con người Nga một cách chân thực nhất. Đó là những gì đã ngấm sâu sâu trong con người của các cô tôi và sau bao nhiêu năm về Việt Nam nó không hề thay đổi. Hóa ra nước Nga không chỉ đẹp bởi điện Kremlin, bởi quảng trường đỏ và vô số các địa điểm tuyệt vời khác mà cái “tình” của nó còn có sức mê dụ lòng người đến thế. Toát ra từ tính cách và con người của các cô tôi là sự nhiệt tình, nhiệt tâm trong giảng dạy, là sự gần gũi, sẻ chia, động viên trước những phút khó khăn và mất phương hướng của học trò, là sự thẳng thăn, cần cù, nỗ lực hiếm thấy . Tất cả những điều đó hội tụ ở dân tộc Nga dịu dàng, và hiếm thấy ở dân tộc khác. Và có lẽ chính điều đó là nguyên nhân khiến tôi say mê nước Nga, cảm thấy mảnh đất và con người này quyến rũ đến nhường ấy.
Cho đến hôm nay, khi mà chỉ còn vài tháng nữa là tròn bốn năm cô sinh viên nhỏ ngày nào bén duyên với tiếng Nga, và cũng chỉ còn bằng ấy thời gian, cuộc sống của cô sinh viên đó sẽ bước sang một trang mới. Không biết điều gì sẽ xảy ra, liệu rằng có được bước tiếp con đường mình đã chọn là gắn bó với nước Nga hay không, hay sẽ lại phải bắt đầu lại từ đầu làm quen với những điều mới. Nhưng chỉ biết rằng, cô gái đó sẽ mãi khắc sâu trong tâm hồn một tình yêu tươi sáng và trong veo đối với một đất nước xa xôi nhưng vô cùng gần gũi. Và kèm theo đó là tiếng thì thầm “ nhớ lắm nước Nga ơi – hẹn gặp lại vào một ngày không xa.

 

hungledn

Thành viên thường
24 - Bàn về hình tượng nghệ thuật của Xtalin và Giucốp

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 24:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Mai
Năm sinh: 1971
Nơi sống: Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Bàn về hình tượng nghệ thuật của Xtalin và Giucốp qua hai bộ phim Phong tỏa Cuộc chiến vì Mátxcơva
(Một cách cảm nhận về
con người Nga, tính cách Nga)
Lễ duyệt binh truyền thống kỷ niệm ngày Chiến thắng hàng năm tại Quảng trường Đỏ Mátxcơva bao giờ cũng gây sự chú ý đặc biệt trên toàn thế giới. Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nước Nga đã lùi sâu vào quá khứ nhưng tính chất anh hùng của nó thì ngược lại - luôn hiện hữu, sống động và là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm điện ảnh.

Có rất nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Nga mô tả cuộc chiến ấy. Ở đây, tôi muốn bàn đôi nét về hình tượng nghệ thuật của Xtalin và Giucốp qua hai bộ phim Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva, đã đượcdiễn đàn tiengnga.net làm phụ đề tiếng Việt. Hai bộ phim kể về việc bảo vệ hai thành phố quan trọng bậc nhất của Liên Xô: Lêningrat và Mátxcơva trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Qua hai bộ phim, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Giucốp do một diễn viên đóng (và diễn viên này còn thể hiện vai Giu cốp trong nhiều phim nữa, tỷ như Giải phóng), còn Xtalin thì do hai diễn viên khác nhau thủ vai. Vì là quân nhân, quân phục của Giucốp trong cả hai bộ phim giống nhau, còn trang phục của Xtalin có vẻ hơi khác chút ít. Xtalin trong Cuộc chiến vì Mátxcơva hơi gầy, ánh mắt nhìn đôi lúc khắc nghiệt, làm người đối diện phải lo ngại. Xtalin trong Phong tỏa có vẻ mập hơn, "hiền" hơn, ít xuất hiện hơn. Dù sao, cả hai phim đều cho thấy Xtalin rất thông minh, phong thái, đầy bản lĩnh. Còn Giucốp thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều tỏ ra là vị tướng kiệt xuất – con người của những thời khắc quyết định. Xem ra, Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva đã thể hiện hình tượng Xtalin, Giucốp đúng với lịch sử. Tôi nghĩ, hình tượng nghệ thuật của Xtalin trong Cuộc chiến vì Mátxcơva được thể hiện hay hơn, thành công hơn so với Phong tỏa, tuy trong cả hai bộ phim, hình tượng nghệ thuật của Xtalin và Giucốp đều được các nhà làm phim thể hiện rất thành công.

Với ngôn ngữ điện ảnh, hình tượng của Xtalin và Giucốp nổi lên rất ấn tượng. Họ đều là những nhà chỉ huy, có tính cách mạnh mẽ, đầy tài năng – tất nhiên. Những trường đoạn trong phim mô tả Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô không thể thiếu Xtalin và Giucốp. Trong Cuộc chiến vì Mátxcơva, Xtalin và Giucốp lần đầu tiên cùng xuất hiện ở buổi họp đánh giá kết quả cuộc tập trận với tình huống giả định là Đức tấn công Liên Xô qua biên giới phía Tây. Quân "Đỏ" do Đại tướng Páplốp chỉ huy đã thất bại trước quân "Xanh" do Đại tướng Giucốp chỉ huy. Xtalin rất bực mình vì sự thất bại của quân "Đỏ", cho dù đó chỉ là một cuộc diễn tập. Tướng Páplốp lại đổ thêm dầu vào lửa khi định đánh trống lảng câu hỏi của Xtalin về nguyên nhân thất bại của quân "Đỏ" bằng cách cười cười trả lời rằng, tập trận cũng giống như trò chơi xổ số vậy. Số phận cay nghiệt dành cho Páplốp khi ông không thể chỉ huy quân của mình chống lại cuộc tấn công của Đức vào những ngày đầu chiến tranh. Ông và năm tướng sau đó đã phải ra tòa án binh (và bị xử bắn). Họ đã không làm được điều mà họ không thể làm. Tuy vậy, sự kiện bi thảm này không có trong Cuộc chiến vì Mátxcơva ngoài một đoạn đối thoại nảy lửa giữa Giucốp và Páplốp.

Lịch sử được phim tái hiện một cách nghệ thuật. Xtalin là nhà chính trị, là nhà lãnh đạo tối cao, còn Giucốp là nhà quân sự chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, quân sự phải phục tùng chính trị. Nhưng dường như chỉ có Giucốp mới dám tranh luận với Xtalin. Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva thể hiện rất rõ điều đó. Cả hai người đều bảo vệ quan điểm của mình. Xtalin, mặc dù nắm nhiều tin tình báo, song cho rằng, Đức chưa thể tấn công Liên Xô, vì chỉ có kẻ điên mới chiến đấu cùng một lúc trên hai mặt trận. Ông chỉ thị tuyệt đối tránh sự khiêu khích của Đức. Trong khi đó, Giucốp lại muốn tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn, chủ động hơn để đối phó với nguy cơ tấn công từ Đức, tỷ như bố trí lại việc phòng thủ biên giới, tăng thêm quân...

Vào thời điểm Đức tấn công Liên Xô, các nhà làm phim Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva mô tả rất chi tiết, sống động hình tượng của Xtalin và Giucốp.

Phong tỏa dựng lại cuộc điện đàm của Giucốp cho Xtalin, báo tin Đức đã ném bom các thành phố Liên Xô. Hình ảnh cho thấy Xtalin ngồi trên đi văng, sát bên cạnh máy điện thoại, vẻ ngái ngủ. Xtalin tỏ ra bàng hoàng. Tính toán của ông đã sụp đổ. Ông cầm ống nghe và suy nghĩ. Đầu dây bên kia, Giucốp im lặng chờ đợi. Hồi lâu, Xtalin mới ra lệnh triệu tập các Ủy viên Bộ chính trị họp khẩn cấp. Đó là trên phim, còn sự thật lịch sử có khác chút ít.

Cuộc chiến vì Mátxcơva không mô tả cuộc điện đàm này, nhưng lại thể hiện khá kỹ thời gian trước đó. Tổng tham mưu trưởng Giucốp và Bộ trưởng Quốc phòng Timôsencô đến báo cáo với Xtalin, có một lính Đức chạy sang Liên Xô, báo tin rạng sáng 22.6.1941, Đức sẽ tấn công Liên Xô. Đề nghị tức khắc chuyển các đơn vị gần biên giới vào tư thế sẵn sàng chiến đấu của Timôsencô và Giucốp không được Xtalin chấp nhận, mà thay bằng một chỉ thị khác, rằng phải tránh âm mưu khiêu khích của Đức. Tiếc thay, Xtalin đã phán đoán sai. Lịch sử đôi lúc thật nghiệt ngã.

Phán đoán của Giucốp về tiến trình chiến tranh, ý định của Đức chiếm Mátxcơva trong những ngày tiếp theo lại tỏ ra đúng đắn. Cuộc chiến vì Mátxcơva mô tả rất hay buổi báo cáo của Giucốp với Xtalin về chủ đề nêu trên. Hình như trong phim thiếu một nhân vật cùng nghe báo cáo là Mêkhơlit. Tất nhiên, điện ảnh không nhất thiết lặp lại từng chi tiết. Báo cáo cho thấy, có xung đột trong quan điểm của hai người. Trước hết, đề xuất buộc phải bỏ Kiép của Giucốp làm Xtalin nổi nóng. Làm sao mà anh lại nghĩ có thể bỏ Kiép cho quân thù ? Tiếp đó, đề xuất tấn công mỏm En-nha của Giucốp làm Xtalin không giữ được bình tĩnh. Sao lại có chuyện vớ vấn thế ? Phản ứng tức khắc của Giucốp là, nếu đồng chí cho rằng Tổng tham mưu trưởng chỉ có thể làm chuyện vớ vẩn, hãy cho tôi thôi chức và điều ra mặt trận. Ở đó, tôi nghĩ có ích hơn cho Tổ quốc. Đúng là con người Nga, tính cách Nga. Mặc dù rất nóng nảy, thế mà trong đoạn phim, Xtalin hai lần nhắc Giu-cốp: Đừng có nóng !

Kết quả cuộc phản công tại mỏm En-nha của Giucốp đã làm Xtalin rất hài lòng. Xtalin sau đó buộc phải nói, "lúc đó anh đã đúng" (ý nói phán đoán của Giucốp trong buổi báo cáo trước). Vẫn trong Cuộc chiến vì Mátxcơva, Xtalin và Giucốp tiếp tục trao đổi về kế hoạch sắp tới của quân Đức. Có vẻ hai người tìm được tiếng nói chung. Xtalin lại cử Giucốp đi Lêningrat vì tình hình ở đó hết sức nguy ngập, có thể mất vào tay quân Đức bất cứ lúc nào.

Tại Lêningrat, Phong tỏa lại thể hiện rất xuất sắc hình tượng của Giucốp, như lịch sử ghi lại. Phim cũng chỉ rõ hình tượng Xtalin – một cách gián tiếp. Phong tỏa mô tả khá chính xác bức điện của Xtalin gửi Vôrôsilốp: "Gửi đồng chí Vôrôsilốp: Hãy trao quyền chỉ huy mặt trận cho đồng chí Giucốp. Lập tức quay về Mátxcơva. Xtalin". Theo tài liệu lịch sử, bức điện đó có thêm cụm từ "bằng chiếc máy bay này" (Lập tức quay về Mátxcơva bằng chiếc máy bay này. Xtalin). Với những tiểu cảnh, những mệnh lệnh, phân tích tình hình, những đoạn đối thoại, Phong tỏa cho chúngta hiểu rất rõ tài năng quân sự bẩm sinh, tính cương nghị, sự chỉ huy quả đoán, cương quyết của Giucốp nhằm cứu nguy Lêningrat. Phong tỏa thể hiện rất thành công hình tượng của Giu-cốp, dù chỉ là một trường đoạn tương đối ngắn.

Hai phim Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva đều dựng lại cuộc điện đàm của Xtalin hỏi Giucốp liệu ta có giữ được Mátxcơva hay không ? Cuộc chiến vì Mátxcơva mô tả kỹ hơn cuộc đối thoại. Trả lời của Giucốp là bằng bất cứ giá nào ta cũng giữ được Mátxcơva làm yên lòng Xtalin. Và khi trả lời như thế, Giucốp đã chấp nhận gánh lấy trách nhiệm nặng nề đó. Đúng là con người Nga, tính cách Nga, tài năng Nga.

Hình tượng của Xtalin càng nổi bật hơn trong Cuộc chiến vì Mátxcơva khi thể hiện vai trò lãnh đạo tối cao của ông. Xtalin quán xuyến tất cả các công việc. Vấn đề sản xuất xe tăng, máy bay, súng tiểu liên; vấn đề sơ tán dân cư và một số cơ quan Chính phủ khỏi Mátxcơva, sơ tán thi hài Lênin...đều được ông suy nghĩ, ra chỉ thị giải quyết. Rồi chiến lược đánh lui quân Đức bằng ba giai đoạn: cầm cự, tiêu hao sinh lực địch, sau cùng chuyển sang tổng phản công. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ kỷ niệm cách mạng tháng Mười và duyệt binh trên quảng trường Đỏ, với vai trò của Xtalin đã cổ vũ niềm tin thắng lợi của nhân dân Liên Xô. Có thể nói, hình tượng nghệ thuật của Xtalin trong Cuộc chiến vì Mátxcơva được thể hiện rất thành công.
Như lịch sử ghi nhận, Xtalin không thích ngồi và chúng ta đã thấy, trong Cuộc chiến vì Mátxcơva, Xtalin rất ít khi ngồi. Ông thường đi đi lại lại trong phòng họp, tay cầm chiếc tẩu thuốc. Ông yêu cầu từng thành viên báo cáo công việc. Ông giao việc rất chi tiết, rõ ràng, ngắn gọn. Cử chỉ của ông tỏ ra khoan thai, phong thái điềm tĩnh. Đôi khi ông nổi nóng. Còn trong Phong tỏa, xem ra việc thể hiện phong thái của Xtalin có khác. Ông hay ngồi trao đổi công việc. Cảnh hoạt động của Xtalin không có nhiều trong phim và sự lãnh đạo của ông tỏ ra không sắc sảo như trong Cuộc chiến vì Mátxcơva.

Thời gian đã lùi rất xa. Suy nghĩ về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại là suy nghĩ về sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân Liên Xô; cũng là suy nghĩ về vai trò nổi bật của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô, trong đó có Xtalin và Giucốp. Hai bộ phim Phong tỏaCuộc chiến vì Mátxcơva cho chúng ta một góc nhìn nghệ thuật về hai nhân vật lịch sử nổi tiếng: Xtalin và Giucốp. Thông qua hai hình tượng nghệ thuật đó, chúng ta càng khâm phục con người Nga, tính cách Nga, tài năng Nga. Dù có điều gì chăng nữa, lịch sử vẫn là lịch sử. Và như thế, hình tượng nghệ thuật của Xtalin và Giucốp vẫn luôn luôn hấp dẫn các thế hệ chúng ta, không chỉ trong phim ảnh.

Lê Mai
 
Top