Bài viết 17 - Nước Nga đến với tôi qua những trang sách

Lê Thị Thu Thanh

Thành viên thường
Bài viết tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 17:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Nơi sống:
Triệu Phong - Quảng Trị - Việt Nam


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Nhắc đến nước Nga làm gợi lại trong tôi bao nhiêu những tên tuổi, những câu chuyện, những bộ phim, những thành phố với những công trình kiến trúc độc đáo, văn hóa, con người và ngôn ngữ nơi đây. Lần đầu tiên tôi biết đến nước Nga qua lời kể của bố tôi về cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của một nhà văn rất nổi tiếng của Nga là Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki. Âm hưởng về chàng Pavel Ca-rơ-sa-ghin dũng cảm, tài năng, một chiến sĩ cách mạng đậm chất Nga ấy đã gây ấn tượng mạnh trong lòng tôi và kể từ đó tôi bắt đầu muốn tự mình khám phá nhiều điều hơn nữa về đất nước và con người nơi đây. Phương châm sống của Pa-ven cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pa-ven:“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.....”

Tôi nhớ những cuốn sách văn học đầu tiên tôi được đọc là: Thời thơ ấu, Những trường đại học của tôi, Kiếm sống ( M. Gorky ), Suối thép (A.Xêraphimôvits ), Những linh hồn chết ( N.V. Gogol ), Người con gái viên đại uý ( A. Pushkin ), Người anh hùng của thời đại chúng ta ( M. Lermontov ), Chuyện chú bé đánh trống (A.P. Gaidar ), Cánh buồm đỏ thắm ( A. Grin ), Con đường đau khổ ( A. Tolstoi ) và một số tác phẩm của các nhà văn Xô-viết mà giờ đây tôi không còn nhớ tên tác giả.

Sau này lớn lên, tình yêu nước Nga lớn dần trong tôi qua những tác phẩm văn học của một số nhà văn nổi tiếng là: Chiến tranh và hòa bình (N.L Tolstoi)- tiểu thuyết xuất sắc nhất ; Bút ký người đi săn ( I.S. Turgeniev )- tác phẩm du ký xuất sắc nhất ; Sông Đông êm đềm ( M.K. Solokhov )- tiểu thuyết hoành tráng nhất ; Taras Bulba ( N.V. Gogol )- tiểu thuyết bi tráng nhất ; Đất vỡ hoang ( M.K. Solokhov )- tiểu thuyết khôi hài nhất; Chuyện núi đồi và thảo nguyên ( T. Aimatov )- tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ nhất ; Evgeni Onegin (A.S.Pushkin )- trường ca hay nhất v.v...

Qua những tác phẩm văn học đó tôi hiểu và thương cho từng số phận nhân vật như thương Anđrây Xô-cô-lốp trong “ Số phận con người” của M. Solokhov là chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã tham gia chống phát xít trong thế chiến thứ hai, khi trở về thì thương tích đầy mình. Va-ni-a, chú bé mồ côi cha mẹ chết vì chiến tranh, cũng đang lang thang đói rách. Xô-cô-lôp nhận bé làm con nuôi. Số phận con người của M. Solokhov đã khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến số phận của từng con người cụ thể sau chiến tranh. Tác phẩm đã khẳng định một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh mất mát, không say với chiến thắng mà biết cảm nhận chia sẻ những đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Từ đó mà tin yêu hơn đối với con người. Số phận con người khẳng định sức mạnh của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực con người. Tất cả những điều đó sẽ nâng đỡ con người vượt lên số phận. Tác phẩm khám phá và ca ngợi tính cách Nga, đó là sự cứng rắn ý chí kiên cường có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tâm hồn nhân hậu sâu sắc.

Tôi đã miệt mài đọc những cuốn sách đó mê mẩn, chim đắm vào thiên nhiên, phong cảnh, xã hội Nga thời phong kiến Sa hoàng, rồi lại sục sôi cùng bầu không khí cách mạng tháng Mười Nga cùng sự khốc liệt bi tráng của chiến tranh thế giới thứ 2, khi nhân dân Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại chủ nghĩa phát-xít. Với một tâm trạng như vậy, tôi đã biết thích mẫu nhân vật có chất anh hùng, kiểu như vị công tước Andray Ponkonsky ( Chiến tranh và hòa bình ), Olech Cosevoi và những thanh niên kôm-xô-môn ( Đội cận vệ thanh niên), chú bé đánh trống v.v...

Tuổi trẻ học đường chớm yêu đương mong manh biết hương vị của tình yêu đôi lứa toát ra từ những nhân vật, những cuốn sách văn học Nga vốn luôn thấm đẫm tình người. Những tình cảm đó len lỏi trong trái tim nhiều người, ít nhiều dẫn dắt họ đến với thứ tình cảm tự nhiên đầy hấp dẫn với tuổi mới lớn, tình yêu nam nữ, mối tình đầu... cũng từ những tác phẩm Mối tình đầu của Turgeniev, Anna Karenina của L. Tolstoi, Bông hồng vàng của Paustovski, là Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Aimatov, là thơ Pushkin và Lermontov .v.v...

Văn học Nga - Xô-viết đã chinh phục nhiều thế hệ người Việt Nam, trước tiên là bởi tình cảm với quê hương Cách mạng Tháng Mười, với đất nước của V.I.Lenin, sau nữa là vì chính sự xuất sắc của nền văn học đó.Vào thời ấy, hết thảy những ai yêu văn học, ở độ tuổi học trò rồi sống đời sống sinh viên, hoặc ra mặt trận, đều mang trong lòng tình cảm và hình bóng một vài nhân vật hay tác phẩm văn chương Nga - Xô-viết. Ngày ấy, những tác phẩm thắp lên bầu nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam và trở thành cẩm nang gối đầu giường là những Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, Trong chiến hào Stalingrad.


Cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước. Nhà văn Xô Viết Ilya Êrenbua gọi Thép đã đã tôi thế đấy là 'thánh kinh mới” của thanh niên Xô Viết. Bà mẹ của nữ anh hùng Dôi-a đã từng cổ vũ cả một thế hệ thanh niên thế giới chống phát xít trong đại chiến thế giới lần thứ hai, cho biết: "Thép đã tôi thế đấy là sách gối đầu của con tôi". Ở nhiều nước dân chủ nhân dân, Thép đã tôi thế đấy được xem là một tài liệu học tập của Đoàn thanh niên. Năm 1954, đầu tiên ở Việt Nam, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xô Viết Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki “Thép đã tôi thế đấy” được dịch sang tiếng Việt. Thời gian ấy, trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ của chúng ta đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm này với cái tên “Luyện thành gang thép”. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành người bạn thân thiết, bạn đồng đội và kỷ niệm không thể phai mờ. Và trong suốt 50 năm qua, tác phẩm này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh yêu nước lâu dài, phần lớn thanh niên Việt Nam đã được trải qua nhiều cảnh ngộ mà Pa-ven đã sống. Năm năm chống phát xít Nhật- Pháp, chín năm chống xâm lược Pháp- Mỹ, một thế hệ thanh niên đông đảo nhất đã chọn con đường của Pa-ven. Nhiều thế hệ cha anh của chúng ta đã nếm tra tấn, khủng bố của nhà tù đế quốc như Paven. Trong những vùng sau lưng địch, nhiều người hy sinh bất khuất trước quân thù như Va-li-a. Trên các chiến trường Việt Nam, biết bao Xê-ri-ô-gia đã bỏ mình và hàng vạn Giắc-ky sinh sôi nẩy nở. Dưới sự lãnh đạo của Hồ chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cùng những chiến đấu của Pa-ven, những gian khổ của Pa-ven, cùng do một tình cảm cách mạng như Pa-ven mà phấn đấu. Chúng ta cảm thấy Pa-ven rất gần với mình. Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết:"Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng...". Hay trong Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin trong "Thép đã tôi thế đấy".

Thép đã tôi thế đấy là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như cuốn thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục học tập và làm việc, dạy chúng ta biết yêu biết ghét một cách chính xác và sâu mạnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho chúng ta một quan niệm về tình yêu trong sáng, truyền cho chúng ta lòng ham sống và biết sống có lý tưởng. Thép đã tôi thế đấy được sáng tác trong thời kì của những cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra hết sức dữ dội trên thế giới, thời kì mà lý tưởng là nguồn sống, là sức mạnh đối với rất nhiều thanh niên trẻ trong xã hội, cả Liên Xô, Việt Nam, hay tất cả những thanh niên tiến bộ trên toàn thế giới. Những tấm gương sáng đầy nghị lực và tinh thần hi sinh ấy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!Thời thế thay đổi, con người đổi thay, vậy Pavel có còn trong lòng thanh niên chúng ta? Hi vọng rằng qua cuốn sách này sẽ tìm thấy những thông điệp đầy sức thuyết phục về xác định lẽ sống đẹp, sống có ích cho mọi người. Sống là để yêu thương và dâng hiến, đó chính là giá trị đích thực của lẽ sống, của con người trong thời kì mới.

Tôi nhớ, văn học Nga - Xô-viết đã làm nên những hiện tương xã hội, những trào lưu nho nhỏ. Ví như, Thép đã thôi thế đấy, đã thôi thúc nhiều nam thanh niên viết đơn tình nguyện ra mặt trận ( thậm chí đã có người cắt tay lấy máu mình để viết đơn ) ; Bài thơ Đợi anh về của K. Ximonov qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu làm nhiều người xúc động, dám hy sinh mà không bi lụy.

Có thể nói chính họ, những nhà văn, nhà thơ ấy, họ quả là tài tình khi đã biết khơi gợi vào trí tò mò và sức tưởng tượng không giới hạn của một con người mà chưa từng đặt chân tới mảnh đất này. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá văn hóa của đất nước họ đến với thế giới giúp thế giới hiểu hơn về đời sống, phong tục, tập quán cũng như tư tưởng của người dân Nga. Qua những áng văn giúp tôi có cái nhìn sâu hơn thân phận từng con người ở nước Nga qua các giai đoạn lịch sử. Nền văn học Nga là một trong những nền văn học xuất sắc nhất thế giới vào thế kỷ XIX, XX đã có những đóng góp lớn vào kho tàng văn minh nhân loại. Văn học Nga –Xô viết không những dẫn dắt tôi đến lòng yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, hơn thế còn thắp lên trong tôi sự khát khao của sáng tạo.
 
Chỉnh sửa cuối:
Top