Phim Biên giới quốc gia | Phim 3: Vùng biên cương phía Đông. Tập 1 | Phim lịch sử chiến tranh

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Ta bắt đầu
Tập 1 Phim thứ 3: "Vùng biên cương phía Đông"
của "BIÊN GIỚI QUỐC GIA"
.​
Có thể thấy, từ thời Nga Hoàng, Trung Quốc đã có dã tâm thâu tóm các vùng lãnh thổ LX nằm sát biên giới Xô-Trung. Phim phản ánh cuộc chiến của tình báo và lực lượng biên phòng LX chống quân Quốc Dân Đảng với sự giúp đỡ của Bạch vệ Nga và người Nga hải ngoại ở Cáp Nhĩ Tân trong những năm 20-30 thế kỷ XX. Âm mưu lấn chiếm vùng biên giới Xô-Trung của TQ kéo dài cho đến tận năm 1969 khi diễn ra sự kiện Damansky.


Nhân đây, xin kể chuyện CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI XÔ-TRUNG NĂM 1969 mà bản thân tôi suýt là nạn nhân trò "chơi đểu" của Trung Quốc.
Đảo Damansky (tiếng Trung: Trân Bảo) là hòn đảo nhỏ không có người ở trên sông Ussuri, một nhánh của Hắc Long Giang. Theo thỏa thuận của Nga Hoàng, đường biên giới giữa hai nước chạy theo bờ sông bên Trung Quốc, nghĩa là hòn đảo trên thực tế lịch sử thuộc lãnh thổ Liên Xô.
Đầu năm 1969, Trung Quốc đã lên kế hoạch bí mật bất ngờ đưa quân lên đảo, nhanh chóng chiếm đóng và thu dọn chiến trường để sau đó khẳng định chủ quyền trên đảo trước thế giới.
Vào một đêm tháng 3 năm 1969 Trung Quốc bí mật tập hợp lực lượng tinh nhuệ khá lớn trên bờ bên Trung Quốc. Trong lúc đó Bộ tư lệnh quân khu Thái Bình Dương của LX hầu như không có một động thái tăng cường các hoạt động cảnh giới gì. Khi quân TQ tràn ra đảo, lính biên phòng tại chỗ của LX đã chiếm lĩnh vị trí chiến đấu và đánh trả quyết liệt. Đến quá trưa, lực lượng biên phòng LX đã chiếm lại đảo.
Khoảng 2 tuần sau quân TQ chuẩn bị kỹ hơn đã chiếm lĩnh các hỏa điểm then chốt trên đảo và củng cố công sự vững chắc. Tuy bị tổn thất nặng nề về binh lực, Mátxcơva vẫn chưa quyết định đưa lực lượng quân đội vào tham chiến. Quan điểm của LX rõ ràng: chỉ lực lượng biên phòng giải quyết, nếu đưa quân đội thường trực vào trận thì sẽ làm tăng thêm cường độ, có thể trở thành xung đột vũ trang và chiến tranh nhỏ khu vực.
Khoảng giữa năm 1969, Chính phủ LX gửi công hàm cho phía Trung Quốc, trong đó nghiêm khắc cảnh báo phải ngăn chặn các hoạt động khiêu khích trên tuyến biên giới, và cảnh báo, trong trường hợp tiếp tục tiến hành các hoạt động xâm chiếm chủ quyền, LX sẽ giáng cho kẻ xâm lược những đòn quyết liệt.
Trong mấy tháng đầu năm 1969 quân TQ xâm nhập nhiều nơi khác trên biên giới Xô-Trung, chiếm đảo trên sông Amua và cả các vùng giáp ranh khác. Trong khi đó, xung đột trên đảo Damaski cũng liên tục diễn ra. Đến giữa tháng 6 năm 1969, lần thứ hai LX đưa hệ thống pháo phản lực Grad đến khu vực Damasky với mục đích để thử nghiệm vũ khí mới. Ngoài lực lượng pháo binh, còn có các chuyên gia về không gian vũ trụ phụ trách các chương trình tác chiến trên khoảng không thượng tầng khí quyển. Nhưng mục đích sâu xa răn đe TQ vàà thúc đẩy Bắc KInh bắt đầu đàm phán hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp. Đến tháng 9, 10 năm 1969, bắt đầu là các cuộc đàm phán bí mật giữa 2 Thủ tướng LX và TQ, sau đó là các cuộc đàm phán chính thức giải quyết vấn đề biên giới Liên xô – Trung Quốc.
Bên cạnh lấn chiếm biên giới, TQ còn "chơi xấu" với các nước thân LX, với cả Việt Nam ta, bất kể họ cùng phe XHCN với mình. Hè năm 69, lưu HS ta tập trung tại Hà Nội chuẩn bị sang du học tại LX và các nước Đông Âu. Đáng lý đi tàu hỏa qua TQ như mọi năm thì lúc đó, vì "tức" LX nên TQ cấm tàu VN qua các cửa khẩu TQ, về thực chất là cấm vận VN bằng đường tàu hỏa. Vì vậy hơn 2.000 lưu HS chúng tôi bị mắc lại ĐHBK, Bộ ĐH đã lên phương án cho học trong nước và bảo lưu kết quả đi nước ngoài sang năm sau.
Tuần lễ cuối cùng của tháng 8, mọi người đã nản vì chỉ còn vài ngày là Năm học mới. Đùng một cái, có thông báo đêm mai đi, chúng tôi chuẩn bị valy nhưng không biết sẽ đi kiểu gì vì Bộ ĐH giữ bí mật. Đến lúc tàu qua cầu Long Biên rồi, họ mới thông báo tàu đi Hải Phòng. Đến HP chúng tôi mới biết là LX đã điều tàu "Vladimir Ilich", chiếc tàu du lịch tiện nghi nhất và lớn nhất của LX lúc đó, có thể chở tới 3.000 hành khách du lịch quanh thế giới 1 tháng. Hơn 2.000 đứa chúng tôi đã lên con tàu như vậy, 8 ngày lênh đênh trên biển, đến cảng Nakhodka rồi Vladivostok, sau đó đi tàu hỏa xuyên Siberia đến Mátxcơva.
 
  • Like
Reactions: H Q

Nguyễn Khang

Thành viên thường
Vâng , đúng như Dmitri Tran đã cho biết - vùng Viễn Đông này từ thời Nga Hoàng cho tới chính quyền Xô Viết luôn xảy ra xung đột và tranh chấp. Năm 1977 khi chúng tôi đi tàu liên vận qua Mãn Châu Lý cũng đã nhìn thấy sự căng thẳng rồi.Tôi nhìn thấy trên biên giới 2 nước chữ CCCP to đùng cỡ chục cái nong phơi lúa , cạnh đó là hàng rào thép gai chạy dọc tưởng như vô tận...Vào cái thời gian đó quan hệ Việt Xô cực kỳ tốt , ngược lại quan hệ Việt Trung xấu đi từng ngày. Cứ nhìn thái độ phục vụ của các nhân viên đường sắt thì rõ. Chỗ ga giáp ranh hai nước ,tàu dừng lại để thay cỡ đường ray , các NV đường sắt LX nhìn chúng tôi bằng con mắt hồ hởi , thân tình , còn các NV TQ nhìn lạnh băng và cau có...
Năm 1981 , chúng tôi có dịp qua Khabarovxk và có gặp gỡ một số sĩ quan Xô Viết đang công tác tại đây. Cùng là lính pháo cả nên chúng tôi dễ trò chuyện. Họ cho chúng tôi biết rằng , năm 1969 tại vùng biên giới dọc theo sông Amur ( Hắc Long Giang ) , quân hai nước giã nhau ra trò.Phía LX vác cả BM-21 ( Grad), tức pháo phản lực 40 nòng cỡ vài trung đoàn tham chiến. Các anh ấy nói rằng , pháo kích vào đảo với hỏa lực mạnh đến nỗi tưởng như san cả cái đảo ấy bằng với mặt nước. Chưa hết hồi ấy quân đội LX còn đưa xe tăng T-62 hiện đại nhất lúc bấy giờ vào để thử.
Lực lượng Xô Viết tuyên bố rằng Trung Quốc thiệt mất 800 người trong khi Xô Viết chỉ có 60 chết hoặc bị thương. Trung Quốc tuyên bố chỉ mất vài mạng người, ít hơn nhiều so với thiệt hại của Liên Xô. Đụng độ giữa hai bên tiếp diễn qua mùa xuân và mùa hè năm đó.
Chỉ khi Thủ tướng Liên Xô Aleksey Kosygin viếng thăm Bắc Kinh trên đường trở về sau tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hà Nội thì một giải pháp chính trị đã làm nguội dần tình hình. Tranh chấp biên giới tạm ngưng, nhưng chưa thật sự được dàn xếp ổn thoả, và cả hai phía tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự của họ dọc theo biên giới...
 

Nguyễn Khang

Thành viên thường
Con tàu đưa Aliosa Mogikov tới Kharbin thực hiện nhiệm vụ quan trọng do chính Chủ tịch UB Đặc biệt V. Menzhinsky trao cho ,đã gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm xa xưa tưởng như đã chìm vào quên lãng. Sau khi xem bộ phim “ Cuộc chiến đấu bảo vệ Matxcova” do Dmitri Trần đăng lên , tôi mới chợt nhớ ra rằng , trên tuyến đường sắt lịch sử ấy , bộ đội của PDQ Zabaikal (Забайкальский фронт ) theo thỉnh cầu lên Stalin của đại tướng Tổng tham mưu trưởng Giu Cốp , đã hành quân cấp tốc về để tăng cường phòng thủ cho Matxcova.
Cũng trên tuyến đường sắt ấy ,gần 42 năm về trước ,chúng tôi đã sang Liên Xô học tập nhưng chạy theo hướng ngược lại. Một đoạn ngắn trong tập 1 – “ Biên giới phía Đông” cho người xem lướt qua một chút về phong cảnh hồ Baikal. Rất tiếc, đạo diễn đã cho khán giả ngắm vẻ đẹp tráng lệ và hoang sơ của Baikal quá ít.Còn chúng tôi dạo ấy qua đây thì lại được chiêm ngưỡng cái vẻ mĩ lệ lộng lẫy và thơ mộng của cái hồ lớn nhất thế giới này thỏa thích.Cả hành trình trên tàu liên vận tới Matxcova chúng tôi đi hết 13 ngày. Chỉ riêng từ Hà Nội tới Hữu Nghị Quan mất nửa ngày. Từ ga Đồng Đăng tới Bắc Kinh -3 ngày , từ Bắc Kinh tới Cáp Nhĩ Tân sau đó là biên giới Xô – Trung mất hơn 1 ngày. Thế mà tàu chạy lòng vòng ,quanh co hồ Baikal hơn 1 ngày đêm có dư! Tôi nhớ rõ lắm: gần chiều , hồ mới xuất hiện. Ngủ cả đêm , tỉnh dậy , nhìn qua cửa sổ vẫn thấy hồ. Cả ngày hôm ấy chúng tôi ngắm hồ không biết chán. Không biết các bác thế nào , chứ tôi nếu có tiền mà được đi du lịch xa thế này thì đi đường sắt vẫn hơn. Tha hồ thưởng thức phong cảnh , hít thở không khí trong lành, mặc sức thả hồn vào các nền văn hóa và ngắm nhìn dáng vẻ yêu kiều của các bóng hồng của các dân tộc khác nhau , nếm trải mùi vị của các món ăn..mà thiên nhiên đã ban tặng...
Tôi không phải nhà văn , nên không thể tả cái cảnh đẹp của hồ Bakail một cách đầy đủ và đậm chất văn chương được. Ôi , cái màu xanh của bầu trời tháng 10 dường như đổ sập xuống , hòa quyện với màu xanh phơn phớt màu nước biển của Baikal.Màu xanh sẫm và đẫm hơi nước của những hàng thông , tùng mọc chit chít và kéo dài vô tận quanh hồ , nhìn từ xa tạo nên những đường viền biêng biếc ngăn cái màu vàng cháy tự nhiên của những rừng cây phong lá đỏ , bạch dương, tai-ga… cứ rực lên , chạy dài tới tận chân trời…Những cây thông ở đây cũng giống như những cây thông bên Lào , hồi chúng tôi đánh nhau – thân của chúng rất to , xù xì , mọc chon von bên các mép vực đá , ngọn xum xuê xanh biếc đã vượt hẳn lên trên nền cây non rộn rã. Còn những cây tùng cổ thụ đứng nghiêng nghiêng , thả những mảng lá xanh xanh trên nền trời trắng và mặc dù đứng im,vẫn có tiếng rì rầm ,triền miên xung quanh…
Thật là đẹp khi được ngắm Baikal vào buổi sáng ban mai. Trong sương sớm ,lúc mặt trời mọc, mặt hồ ánh lên bàng bạc và êm đềm , rì rầm trườn những con sóng nhỏ.Gần bờ ,mặt nước mang màu xám nhạt dường như không động ,đôi lúc long lanh sóng , nhưng ở giữa,nước thăm thẳm ,sóng nhấp nhô ,quằn quại vỗ về…Những lúc sóng to , chúng tôi còn nhìn rõ , những lá cờ cắm trên các con tàu nhỏ chao đảo…
… Cũng giống như các ngách sông Tùng Hoa hay Hắc Long Giang bên Trung Quốc , ở Baikal này hay tại các nhánh phụ lưu của sông Amur , chúng tôi thấy rất nhiều người câu cá. Nhưng những người Nga có nhiều sản phẩm hơn . Bằng chứng là chúng tôi thấy rất nhiều các sâu cá vứt ngổn ngang trên thuyền hay treo dưới gốc cây. Mùi tanh tanh của cá phảng phất khi con tàu lướt qua gần hồ. Những người Nga ngồi cùng toa với chúng tôi cho biết là , cá ở Baikal rất ngon. Sau này , trong một lần học về lịch sử chiến tranh , một vị đại tá – phó giáo sư kể về chuyện này. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại , một lần Stalin tiếp Thủ tướng Anh W.Churchill ở Kremlin và đãi ông ta món cá chép bắt từ hồ Baikal. Ngài thủ tướng trầm trồ thán phục món cá Xibir. Stalin pha trò : “ Món cá này mà nhắm với whiski thì còn tuyệt hơn !”.Thế là từ đấy , mỗi tháng đôi lần máy bay từ hồ Baikal mang cá bay thẳng tới London cho Thủ tướng Anh và ngược lại về Matxcova với những thùng whiski làm quà biếu Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân . Ông ấy khẳng định câu chuyện 100% là thật , không bịa tí nào!
…Trong cái toa xe chạy từ Zabaikal về Matxcova , chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp. Ngồi cùng toa với chúng tôi có người Nga , Ucraina , Tarta… Họ là những kỹ sư địa chất , thợ rừng , công nhân mỏ , thậm chí cả một số chuyên gia Liên xô từ Việt Nam hay Trung quốc về nước. Tất cả mọi người đối xử với chúng tôi như người cùng dân tộc. Chỉ tiếc là hồi ấy tiếng Nga của chúng tôi còn kém nên giao tiếp còn bập bõm. Tôi còn nhớ , một người Nga đã kể chuyện tiếu lâm về sư trưởng Trapaep.Chúng tôi cười như vỡ bụng khi vị sư trưởng lừng danh này nhầm lẫn “quân trắng” thành “ rượu trắng”! Những người bạn mới này vô cùng tốt bụng thường đãi chúng tôi dò , xúc xích và cả rượu vodca nhãn hiệu “ Con gà trống “.Tôi vẫn nhớ phút giây kinh hoàng khi nếm món phó mát Nga. Phải bằng nghị lực phi thường tôi mới đẩy được chúng xuống dạ dày ! Hồi ấy chúng tôi còn trẻ ,lại mới ở chiến trường ra , học hành nhiều nên ăn rất khỏe. Thần trùng chưa chắc đã địch nổi. Bánh mì gối, chúng tôi xơi 1-2 cái một bữa là chuyện thường. Còn bánh mì đen cắt thành lát ở toa ăn thì không thấm tháp gì.Lần đầu tiên chúng tôi được nếm thuốc lá Nga. Loại có tẩu bằng giấy cứng ấy ,mỗi lần hút phải bóp bẹp một đầu - thua xa Điện Biên , Tam Đảo của mình về hương vị chứ đừng nói Vina ngày nay . Quả thực trên đời này , tôi chưa từng được thưởng thức loại thuốc lá nào vừa nặng lại vừa khét như thế !
… Để giết thời gian , chương trình văn nghệ cũng được chúng tôi nghêu nghao cùng với các bạn Nga bằng thứ tiếng Nga phát âm sai be bét mới được học dự bị một năm ở ĐH KT QS tại Vĩnh Yên. Nhưng hiểu nhau tất. Những bài hát mà chúng tôi gào lên toàn là những bài nổi tiếng như Cachiusa , Tuổi trẻ sôi nổi , Tình ca du mục …cũng rất “ được” mọi người tán thưởng. Trong đám học viên lính tráng ấy có một anh học ở lớp trên , tiếng Nga kha sõi , lại hát hay , nên hát nhiều bài lạ mà chúng tôi không biết. Có lần anh ấy hát một bài hát Nga làm tôi nhớ mãi. Khi anh ấy mới cất lên câu đầu tiên lên hòa với tiếng phong cầm của một công nhân Nga , thì tôi đã thấy cả cái vòng tròn ấy - mọi người mắt đỏ hoe và sụt sịt hát theo. Còn khi tới cái đoạn điệp khúc :” Ừ hứ ừ hứ ư…” – thì tiếng hát ấy chìm vào trong tiếng nức nở cùng với những giọt nước mắt làm mờ những lớp son trên má của những người phụ nữ. Sau này tôi mới biết đó là bài “ Đàn sếu”. Bài hát đã tưởng nhớ tới 8-9 triệu trai tráng Xô Viết đã bỏ mình trong cuộc Chiến trnh Vệ quốc vĩ đại. Thật là kinh hoàng , con số ấy bằng cả dân số nước Áo hay Cộng hòa Sec ngày nay đấy. Quả thật , trên đời này , tôi chưa từng nghe bài hát nào lại cảm động và làm người nghe rơi nhiều nước mắt đến thế.
…Trên những toa tàu của Trung Quốc ,chúng tôi thấy có nhiều điều khác biệt so với tàu Liên Xô. Trái với những vẻ mặt khó đăm đăm của các nhân viên , tàu Trung Quốc sạch sẽ hơn , lúc nào cũng bóng loáng.Cứ mỗi lần , tàu dừng lại ở ga nào đó thì các công nhân đường sắt lại hối hả phun nước kỳ cọ bề ngoài các toa tàu cho bóng lên mới thôi.Đường sắt Trung Quốc rất sạch , trên nền rải đá hầu như không có rác – điều mà ta thường thấy ở đường sắt Việt Nam. Mỗi khi tàu khởi hành , thì các cán bộ , nhân viên , trưởng ga… - quần áo chỉnh tề đứng nghiêm bên ke đường , tay đặt thẳng chỉ quần ,mắt đánh thẳng về phía đoàn tàu để chào đón hành khách…Tôi để ý , trên các toa tàu liên vận , người Trung quốc không ngồi chung với người nước ngoài , còn trên các toa của Liên Xô thì ngồi lẫn lộn , không phân biệt.Thái độ của công an , các cán bộ, công nhân , nhân viên ngành đường sắt Trung Quốc đối với người ngoại quốc trên tàu liên vận có sự phân biệt rõ ràng.Đối với các hành khách Rumani , Nam tư và các học sinh , sinh viên Việt Nam đến học tập tại Trung Quốc thì họ tỏ thái độ ưu ái và thân tình hơn.Còn chúng tôi – những chàng trai ngoài 20 tuổi , đồng loạt com lê đen , giày Cô-sơ-ghin , tóc cắt ngắn , nhìn thoáng qua đã biết ngay là lính tráng được gửi sang học ở các trường quân sự Liên Xô – thì được đối xử “ tử tế “ hơn một chút. Khi tàu đỗ ở Kharbin hơi lâu , chúng tôi tranh thủ thời gian xuống ngắm nhìn cảnh vật nơi đây .Bỗng còi tàu rú lên ,báo hiệu chuẫn bị tiếp tục hành trình . Chúng tôi quay lại đoàn tàu , thì một cảnh sát trừng mắt nói to :” Các đồng chí lên tàu nhanh lên !”. “Đồng chí” quái gì cơ chứ , khi mà ăn nói với nhau bằng cái giọng gầm gừ như thế.
Đồ ăn trên toa tàu Trung Quốc thì hết ý. Sáng có bánh bao hay miến gà. Bánh bao của họ ngon lắm , bánh bao ở Hà Nội loại ngon nhất , đắt tiền nhất cũng không sánh bằng. Tôi còn nhớ rất rõ : nhân bánh bao ngoài thịt băm ra còn có trứng và nhiều gia vị khác. Vâng , và có miến . Thứ miến ấy , sợi rất nhỏ như sợi tóc , vừa mềm và thơm , không to đùng như miến Việt Nam…Hai bữa chính ít nhất cũng phải 3-4 món .Ấn tượng của tôi không bao giờ phai mờ khi thưởng thức món canh rau nấu với thịt ở gần Kharbin. Bạn tôi nhìn bát canh đã vội vã thốt lên :” Rau trong bát canh này còn sống các cậu ạ!”. Quả thực ,rau cải trong bát canh ấy xanh lè như vừa mới hái ngoài ruộng vậy. Nhưng không phải đâu. Rau đã chín , ăn rất ngon và thơm. Chúng tôi ai cũng trầm trồ.Một lần khác , tại khách sạn Hòa Bình ở Bắc Kinh , chúng tôi được thưởng thức món cá. Con cá rất to , được đặt trên cái đĩa hình bầu dục to , dài tới hơn nửa m. Trên cái đĩa ấy đầu bếp trang trí rất cầu kỳ như núi non , sông hồ với các màu sắc rất bắt mắt. Một người trong chúng tôi vui vẻ nói : “ A, hôm nay chúng ta được ăn cá sông Trường Giang sốt với hoa hồng đây!”. Chẳng phải hoa hồng hoa hiếc gì hết , đó là cà chua khoanh lại hình hoa hồng đó thôi . Các cán bộ ĐSQ của ta nói rằng , tiền nuôi chúng tôi ăn ở tại khách sạn này trong 1 ngày – chỉ 1 người thôi , tốn hơn 20 nhân dân tệ , bằng lương của một nhân viên quét dọn ở đây trong một tháng !
Chúng tôi ở Bắc Kinh hơn một ngày đêm . Ga tàu ở đây rất đẹp và rất sạch. Nền nhà ga lát bằng đá rất đẹp . Chúng tôi mới đi giày da nên cảm thấy rất trơn , cứ chực ngã. Các thiếu nữ Việt Nam , có lẽ là bên ngoại giao hay văn công ,khác với chúng tôi vận đồ đen như quạ - mặc những bộ áo dài truyền thống , phơi hết những đường cong kiều diễm , còn dáng đi thì yểu điệu , thướt tha thu hút bao nhìn cái nhìn ngưỡng mộ , háo hức của người dân Bắc Kinh.Các bạn nên nhớ rằng , thời gian này cuộc Cách mạng văn hóa vô sản đang diễn ra ở Trung Quốc , nên cách ăn mặc của mọi người có tính đại chúng , nghĩa là rất đơn điệu : con trai hay con gái , già hay trẻ , công nhân , học sinh hay trí thức , quan chức đều vận bộ quần áo xanh đậm. Phụ nữ Bắc Kinh cũng vậy thôi ,không diêm dúa mốt nọ mốt kia như chị em Hà Nội. Họ thường để tóc đuôi sam , da rất trắng , mắt nhỏ và dài ,vui tính , ngực rất phẳng. Cách ăn mặc như thế không nổi bật ba vòng và làm mất đi cái vẻ dịu dàng , gợi cảm của người con gái. Những chị em làm việc ở các nơi công cộng như quầy bán kem , sách , bán xăng , bán quà lưu niệm trong khách sạn có người nước ngoài , trên tàu , thậm chí các cô dọn vệ sinh hay bưng cơm cho chúng tôi – đều kén người cả. Các nàng này thường cao ráo , cân đối và nụ cười duyên…Con gái nước nào cũng vậy thôi , ai mà chả thích khen đẹp. Lúc cao hứng chúng tôi cũng nâng các nàng lên bằng một câu tiếng Trung còn sót lại từ hồi học cấp 3: “ Trung của mẩy mây khấn mảy li!” ( con gái Trung quốc xinh quá )- và đổi lại trên gương mặt mộc , không son phấn của các cô nàng lại ửng lên một nét xuân và sự biết ơn : “ Xia xia nỉn!” ( Cám ơn anh !).
…Đường phố Bắc Kinh ngày ấy rất ít ô tô , đại đa số đi xe đạp . Đó là các loại xe “Trâu”( một loại xe đạp trông rất thô nhưng rất khỏe) hay Vĩnh Cửu hay Phượng Hoàng thường thấy ở Việt Nam.Ở đây rất hiếm khi thấy dân đèo nhau , thường thì mỗi người một xe.Người Bắc kinh có thói quen vừa đi vừa ăn , thậm chí cả khi chạy. Tôi thấy rất nhiều Hồng Vệ Binh đầu đội mũ lưỡi trai có đính ngôi sao , vận bộ đồ xanh truyền thống của giai cấp vô sản , trên hai ve áo gắn hai miếng tiết đỏ chót không sao - vừa đi vừa nhai bánh , ăn kem hay hoa quả. Những tiểu tướng này còn trẻ , nhanh nhẹn , dáng vẻ đi đứng và ăn nói chứng tỏ có quyền thế. Nhìn thấy chúng tôi ăn mặc khác kiểu , họ nói ngay “ Zuê nản , Zuê nản !” ( Việt Nam , Việt Nam ! ) và khúc khích cười …
Chúng tôi rất biết tận dụng thời gian để thăm Bắc Kinh. Chúng tôi đã vào thăm Tử Cấm Thành , Quảng trường Thiên An Môn và dám xông vào xem Nhà tưởng niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông xong bị công an ngăn lại…
…Ôi , kể chuyện về chuyến đi này thì dài và buồn cười lắm. Năm 1978 là năm cuối cùng những chuyến tàu liên vận Hà Nội – Matxcova hoạt động. Tháng 2 -1979 , chiến tranh biên giới nổ ra. Đơn vị tôi lên chiến đấu ở Lạng Sơn , nơi mà trước đó một năm rưỡi – trên con tàu liên vận, tôi đã đi qua. Năm ấy , anh em trong sư đoàn chúng tôi hy sinh không nhiều lắm. Nhưng riêng 1984 thì quá tệ. Họ nằm lại ở Vị Xuyên rất nhiều. Có đêm ta mất gần 1000 người, đến nỗi các cây gạo mọc ven sông Lô phải hạ xuống hết để đóng quan tài. Thương lắm. Chiến tranh nào cũng đau thương và nước mắt.Những người lính biên phòng , không kể Nga hay Việt đều dũng cảm và đáng trân trọng. Cám ơn các anh rất nhiều!
Cám ơn Dmitri Trần đã cho chúng tôi xem nhiều bộ phim bổ ích như thế này và đã làm cho tôi sống lại những ngày trai trẻ của hơn 40 năm về trước.
Xin gửi lời chào những ai đang xem những phim thời Xô Viết như thế này!
 
Top