Tác gia Mikhail Saltykov-Shchedrin

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
Tác gia Mikhail Yevgrafovich Saltykov-Shchedrin sinh năm 1826 và thác năm 1889. Ông là một chính khách, kí giả và văn sĩ ưu tú ở giai đoạn cuối Kỉ Nguyên Vàng văn học Nga. Các tác phẩm của ông thường được đánh giá cao vì yếu tố trào phúng sâu sắc.

Михаил Евграфович Салтыков-Щедрин (настоящая фамилия Салтыков, псевдоним Николай Щедрин, в дореволюционных изданиях — «Салтыков (Щедрин)» ; 15 [27] января 1826, Спас-Угол, Калязинский уезд, Тверская губерния — 28 апреля [10 мая] 1889, Санкт-Петербург) — русский писатель, один из наиболее известных сатириков XIX века, журналист, государственный деятель. Рязанский и Тверской вице-губернатор.
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
TRUYỆN MỘT LÃO NÔNG
NUÔI HAI ÔNG TƯỚNG NHƯ THẾ NÀO

Trứ tác Truyện một lão nông nuôi hai ông tướng như thế nào vốn được văn sĩ Mikhail Yevgrafovich Saltykov-Shchedrin khởi thảo vào năm 1868 và san hành năm 1869 trong hợp tuyển Truyện cho tuổi mới chớm dâng hương (Сказки для детей изрядного возраста). Theo các nhà nghị luận văn học Tô Liên, tác phẩm phản ánh sự hỗ tương giữa giai cấp cầm quyền với những con người có thân phận thấp, mà cụ thể là các lực lượng cần lao vốn chiếm ưu thế nhân số trong mọi hình thái xã hội. Tuy nhiên, để thể hiện rõ nét tùy thuộc của lớp người trên vào lớp người dưới hơn, tác gia M. Ye. Saltykov-Shchedrin đã đặt các nhân vật vào một bối cảnh rất dị biệt với phận đời họ để khiến độc giả phải bất ngờ, mà chủ đề nhân vật lạc vào hoang đảo đã có ít nhất từ thời những Hómēros, Defoe hay Swift. Các vị Baskakov và Bushmin thì cho rằng, tác gia khẳng định cái ưu việt tuyệt đối của nông nô so với quan chức, đồng thời đả giễu thói thụ động của quần chúng – sự vâng phục không chút phản kháng trong tiềm thức cho đến xu hướng đấu dịu với trật tự hiện hữu*.

* Баскаков В. Н., Бушмин А. С. Повесть о том, как один мужик двух генералов прокормил // Салтыков-Щедрин М. Е. Сказки / Издание подготовили В. Н. Баскаков, А. С. Бушмин ; ответственный редактор С. А. Макашин. — Л. : Наука (ленинградское отделение), 1988. — Примечания. — С. 246—248. — 280 с.


Năm xưa có hai ông tướng nọ. Vì chưng cả hai đều phù phiếm, nên theo lệnh cá măng hay là chiểu ý muốn của tôi, họ bị đưa đi một hoang đảo xa lạ.

Các tướng này cả đời chỉ biết cặm cụi bên bàn giấy, nên coi như sinh thành, lớn khôn và già tại chốn công quyền. Thành ra những vị này hoàn toàn trì độn, còn chẳng thể thốt lời nào ngoài mỗi câu : “Xin cam đoan rằng chúng tôi luôn hết lòng phụng vụ”.

Sau ngày cơ quan ấy giải thể, công việc của các tướng không còn thiết thực nữa nên chính phủ cho phép họ hồi hưu non. Hai vị quyết định ở hẳn Sankt-Peterburg, tậu nhà cùng phố Podyacheskaya nhưng trong những căn hộ khác nhau. Vị nào cũng có đầu bếp riêng cùng một khoản trợ cấp khá khẩm. Thế mà bỗng dưng họ lạc ra hoang đảo.

Sớm ngày, hai vị ấy nhỏm dậy đã thấy : Cả hai đang đắp chung chăn. Dĩ nhiên thoạt khởi họ chưa tỏ cớ sự ra làm sao và vẫn gắng gợi truyện như thể chẳng có vấn đề gì với mình cả.

“Lạ lắm, ông ơi, nay tôi mới nằm chiêm bao đấy” – Một tướng cất tiếng – “Tôi bắt gặp chính mình sống trên hoang đảo chứ”.

Ông chỉ vừa dứt lời đã vội nhảy dựng lên, khiến tướng kia cũng giật mình nhảy theo.

“Lạy Chúa, thế là làm sao ? Chúng ta đang ở đâu ?” – Cả hai cùng bật lên những tiếng không thoải mái chút nào.

Ấy thế mà họ bắt đầu xuôi lòng, và dần đồng tình rằng không phải mơ, mà trong thực tế có một vấn đề không lấy gì làm dễ chịu đã diễn ra. Tuy rằng cả hai vẫn cố cách trấn an cõi lòng rằng không phải đâu chẳng qua chỉ mê sảng đấy thôi, nhưng đến phút chót họ đành tin vào thực tại đáng buồn này.

Trước mắt họ thì một bên là biển, còn bên kia có mô đất thấp, nhưng sau lưng lại là trùng dương vô tận. Các tướng bật khóc nức nở, mà đây là lần đầu kể từ lúc bỏ nhiệm sở chứ.

Họ bèn bớt hoang mang để nhìn mặt nhau và biết rằng ai nấy còn bận nguyên áo ngủ, mà trên cổ vẫn lủng lẳng bội tinh mới kì.

“Giờ này được ngụm cà phê thì phải biết !” – Một tướng nói, nhưng ông sực nhớ cái hoàn cảnh bấy nay chưa từng đang bám rịt lấy số phận mình, cho nên lại có lần thứ nhì ông khóc mếu.

“Âu cũng đành, nhưng bây giờ ta nên làm thế nào ?” – Ông tiếp tục nước mắt ngắn nước mắt dài – “Tỉ như lúc này mà làm công văn, thì lấy cái gì kí tá ?”.

“Hay là thế này” – Tướng kia mới đáp – “Bây giờ ông hẵng đi đàng Đông, còn tôi theo hướng Tây, chờ sẩm tối chúng ta lại gặp nhau ở đây ; họa may mình vẫn lần ra tín hiệu nào đấy”.

Thế là họ bắt đầu định hình xem đâu là hướng Đông và đâu là hướng Tây. Họ vẫn nhớ như in lời thượng cấp ở sở : “Muốn biết hướng Đông thì hãy nhướng mắt về phương Bắc, trên bàn tay phải ắt có cái ta hằng cầu”. Họ mới tầm tra đâu là hướng Bắc, hết đứng bên này lại ngóng chỗ nọ, sục sạo không sót ngóc ngách nào, nhưng chẳng qua các vị đã trải gần hết đời người trong công thự nên không tìm ra cái gì sất.

“Hay thôi thì thế này, giờ ông đi bên phải, còn tôi cánh trái ; vậy có lẽ tiện hơn !” – Một tướng lại bàn. Cũng phải chú thêm rằng, ngoài công việc văn phòng thì vị này còn dạy môn thư pháp ở trường sĩ quan trừ bị, do đó cũng tinh thông hơn.

Kể ra thì, đã nói là làm. Ông tướng đi hướng phải thấy rặng cây tốt um, trên cây trĩu những quả sặc sỡ. Ông bèn với tay khều một quả táo, nhưng thán nỗi quả lủng lẳng cành cao nên đành bấm bụng leo lên. Leo được nửa chừng thì toạc cái áo đang mặc, ấy vậy vẫn không hái được gì.

Còn vị tướng kia gặp suối, dưới suối có cá lội hàng đàn y như mặt sông Fontaka, có vẻ tươi ngon mà nhiều khôn xiết.

“Giá mà chỗ cá này cũng bán ở chợ Podyacheskaya thì hay biết mấy !” – Ông tướng bảo bụng, lúc ấy mặt ông mới nở hồng theo cơn thèm miếng.

Ông tướng đi tiếp vào rừng, ở đó có gà gô đen gà gô trắng đua hót, cả thỏ hoang thi chạy nữa.

“Chúa ôi ! Thức ăn, thức ăn kìa !” – Tướng vội rên lên, trống bụng bắt đầu vỗ liên hồi.

Nhưng ông không làm được gì hơn, đành vác tay không về điểm hẹn. Về đến nơi, ông thấy ông kia đã trực sẵn.

“Thế sao hả ông, ông kiếm được những gì rồi ?”.

“À vâng, tôi lượm được tờ Tân Văn Moskva cũ, cũng có thế thôi !”.

Các tướng bèn đi nằm, nhưng bụng sôi không sao chợp mắt nổi. Ông thì đuổi theo nỗi lo rằng mai đây nhỡ ai lĩnh khoản trợ cấp thay mình ; ông lại vẩn vơ những quả chín mọng mới gặp sáng ngày, thế rồi cá, gà gô đen trắng với thỏ xếp hàng diễn binh.

“Ông ơi, tại sao ta không nghĩ ngược rằng, thực phẩm cho nhân loại ở dạng nguyên thủy vốn là giống bay, bơi hoặc mọc trên cây nhỉ ?” – Một tướng bàn.

“À phải” – Tướng kia đáp – “Thú thật rằng xưa nay tôi cứ tưởng bánh cuộn có hình thức cố hữu y như lúc dọn ra cùng cà phê sáng thôi !”.

“Nên, giả dụ thế này, bây giờ mà muốn xơi thịt gà gô, thì trước tiên phải bắt, giết, vặt lông rồi nướng chứ ; nhưng quy trình này cụ thể thế nào nhỉ ?”.

“Ừ, phải cụ thể hóa quá trình này ra sao nhỉ ? – Ông tướng kia đế theo.

Hai người nín lặng rồi cố chìm vào giấc, nhưng cái đói dứt khoát phạt đứt cơn ngủ. Lại hàng đàn gà vịt cừu lợn chờn vờn trước mắt, thoảng đâu đây cái vị thơm ngon béo ngậy, lẫn cả dưa leo, trám chua với vô số rau trộn khác nữa.

“Bây giờ tôi quả quyết rằng tôi gặm cả ủng đấy !” – Một tướng tuyên bố.

“Bao tay tôi dùng lâu rồi, khéo cũng vừa miệng !” – Tướng kia thở dài.

Thốt nhiên hai tướng nhìn nhau trừng trừng : Mắt họ đã lóe lên những tia gì rờn rợn, răng va vào nhau lập cập, lồng ngực cũng phát ra mấy tiếng gầm gừ. Hai vị bò từng bước vào gần nhau hơn, mà cử chỉ đã dại đi khôn chừng. Có những mảnh áo tung ra, nghe rõ tiếng rít rồi tiếng thở hổn hển. Ông tướng vốn là giáo sư thư pháp cắn phải mảnh bội tinh của đồng nghiệp thì nuốt ngay. Thế nhưng cảnh máu chảy khiến ai nấy sực tỉnh.

“Quyền năng Thánh Giá cứu chúng ta rồi !” – Hai người đồng thanh – “Nhưng cứ thế này bọn mình cũng đành xơi tái nhau thôi ! Không hiểu cớ làm sao bọn ta ra nỗi này, hay có thế lực tối ám nào đang tâm hành hạ chăng ?”.

“Thôi ông ơi, hay ta chơi đấu chữ nhé, kẻo cứ ngồi yên e có án mạng chứ đùa đâu !” – Một tướng đề nghị.

“Vào đề ngay !” – Tướng khác tiếp lời.

“Thí dụ nhé, theo ông thì tại sao vầng dương mọc rồi mới lặn mà không phải ngược lại ?”.

“Ông bạn ơi, ông thật khéo diễn tuồng, chứ sao ông cứ phải thức dậy trước, rồi mới đến nhiệm sở, làm việc, sau đó về nhà ngủ ?”.

“Vậy mà sao không xếp lại lịch trình như vầy : Trước hết tôi nằm ngủ, gặp vô số giấc chiêm bao, rồi mới trở dậy đi làm ?”.

“Gẫm cũng đúng, nhưng tôi thành thật mà nói rằng, ngày còn tại chức tôi vẫn đinh ninh thế này : Thoạt khởi là bữa sáng, rồi mới đến cơm trưa, sau đấy có bữa chiều, cơm nước xong thì đi ngủ”.

Ấy thế lúc đề cập bữa cơm chiều, hai vị tự dưng oải cả người, mất hết hứng duy trì mạch truyện từ đầu.

“Tôi nghe y sĩ bảo rằng, thể trạng người còn cầm được thời gian khá lâu chỉ nhờ lượng nước dư trong tế bào đấy” – Một tướng khơi lại.

“Thế ư ?”.

“Ấy vâng ! Chẳng qua nước cơ thể tự chuyển hóa sang dạng nước khác, rồi dạng nước này lại chuyển qua dạng nước nữa, và cứ thế cho đến kì tiêu sạch nước trong mỗi chúng ta”.

“Chứ sau đó thì sao ?”.

“Lại còn sao, khi đó ta phải nạp thêm thực phẩm chứ”.

“Ừ !”.

Nói cho tỏ ngọn thì, hễ các tướng định đề cập vấn đề gì, lập tức vấn đề ấy gợi trong tâm tưởng mỗi nỗi nhớ thức ăn, mà sự thể này chỉ càng kích động cảm giác thèm ăn hơn thôi. Hai vị quyết định không tranh luận nữa, mới nhớ ra tờ nhật trình vớ được hồi chiều và sốt ruột muốn xem.

“Hôm qua” – Một tướng cao hứng đọc – “Tại tư dinh quan tổng đốc đất cố đô có biện bữa cỗ tối rất long trọng. Nguyên chiếc bàn dành cho cả trăm thực khách đã phô ra thói xa hoa đáng giật mình. Cứ như thể sản vật khắp thế gian đã tự mọc cánh bay về cuộc yến linh đình này. Khách được thết nào cá tầm vàng chài trên sông Sheksna, lại cả con vật cao quý nhất miền sâm lâm Kavkaz – gà lôi, còn phải chua thêm trái dâu dại chỉ bói tháng Hai ở Bắc Cực nước ta”.

“Gớm chửa, ông bạn ơi ! Ông chẳng kiếm nổi chủ đề nào đáng bàn hơn hay sao ?” – Ông tướng còn lại phẫn uất rên lên. Ông bèn giật phắt tờ báo trên tay người đồng nghiệp, rồi đọc những dòng này :

“Tin nhanh từ Tula : Hôm qua, nhân cuộc thi câu cá tầm trên sông Upa (sự kiện mà ngay cả người già chẳng mấy đoái hoài, nhất là khi ngôi quán quân thuộc về cựu cảnh sát thượng sĩ B.), hiệp hội địa phương quyết định bày đại yến. Trọng tâm liên hoan để trên đĩa gỗ khổng lồ, xung quanh có phủ đầy dưa leo muối, trong miệng còn thò ra miếng rau xanh ngắt nữa. Ông y sĩ P. – nhân vật làm trùm trò – đã đôn đốc sát sao để thực khách nào cũng có một miếng cá tầm. Ngay cả nước tương cũng hảo hạng nhất khiến ai nấy phải trầm trồ thán phục”.

“Ông bạn bỏ lỗi cho chứ, tôi xem ra đến ông cũng bất cẩn trong việc lựa vấn đề cần đọc” – Ông tướng thứ nhất cướp lời, rồi đến phiên ông thì ông cũng cầm mảnh báo mà đọc :

“Tin nhanh Vyatka : Một bô lão địa phương đã chế ra công thức canh cá mới rất độc đáo. Chọn mua một cá tuyết sống nguyên, thoạt tiên cầm chày gõ thật mạnh cho cá giãy lên, cơn đau buốt khiến phần gan sưng phồng…”.

Các tướng cúi gằm. Quả nhiên cái gì đập vào mắt họ cũng có hình dung thực phẩm. Vậy là các tế bào thần kinh đang dọn mưu chống lại họ, cho dẫu họ có tìm cách xua cơn thèm bò áp chảo thế nào chăng nữa, nên rồi những ý thức chờn vờn đó phản kháng họ mỗi lúc một mãnh liệt.

Và bỗng nhiên ông tướng dạy thư pháp nổi cơn hứng khởi.

“Cứ ý tôi, ông bạn này !” – Ông hoan hỉ nói – “Ví thử chúng ta tìm được người thì sao ?”.

“Thế theo ông, là loại người nào ?”.

“À thì, một đứa tá điền chẳng hạn. Nông phu thì chỗ nào chả có ? Trước hết nó dọn bánh cuộn dâng chúng ta ngay, rồi sau đó đi bắt gà và cá về hầu bữa”.

“Ừ thì nông phu, nhưng đào đâu ngữ ấy bây giờ, mà chắc gì đã phải tá điền ?”.

“Không chắc sao được – nông nô có ở muôn nơi, miễn là ta chịu khó đi tìm ! Có nhẽ giờ này nó trốn biệt xó nào, lười chảy thây ra chứ !”.

Sáng kiến này quả là khích lệ các tướng tới mức họ dựng dậy như thể nhím xù lông rồi đôn đáo đi tìm nông nô.

Cũng phải lâu lắm, hai vị chạy quanh đảo lạ mà vẫn chẳng thu được gì, nhưng sau rốt mùi bánh mì đen khen khét cộng hưởng áo da cừu khăn khẳn dẫn họ đi vào cái lối mòn ẩm thấp. Dưới gốc cây kia có người lực lưỡng với cái bụng lép kẹp còn kê tay dưới đầu, bác ta quả nhiên đang ngủ vùi, mà nom điệu bộ thì thật là lãn công. Bảo sao các tướng nổi giận đùng đùng.

“Ngủ à, ngữ thối thây !” – Họ vồ lấy lão nông – “Mi hãy nghe cho thủng lỗ nhĩ rằng, tại chỗ này có hai quan tướng đói ngấu đã hai hôm rồi. Dậy ngay, xắn tay mà làm việc !”.

Nông phu vội đứng thẳng dậy, bác biết ngay là đụng phải hai quan tướng nghiêm lắm. Dĩ nhiên bác đã sẵn ý định chạy trốn, nhưng hai vị bám rịt quá thể. Vì không còn lối nào khả quan hơn nên bác phải bắt tay ngay vào công việc.

Mới đầu, bác ta leo lên cây hái cho các tướng mười quả táo chín mọng và chỉ chọn cho mình một quả chua. Kế đó, bác bới đất được một đống khoai tây ; sau rốt bác đi nhặt hai cây củi mục, đem cọ vào nhau cho có lửa. Chưa hết, bác lại bứt tóc bện thành cái lưới bắt được một con gà gô đen. Thế rồi bác ta róm lửa nướng chỗ thổ sản rồi rào vừa thu hoạch, đến nỗi hai ông tướng phải băn khoăn : “Liệu bọn ta có nên ban cho quân ăn bám này một miếng không nhỉ ?”.

Các tướng dõi theo người nông nô lao động cần mẫn mà lòng phấn chấn hẳn. Họ đã quên phắt rằng chỉ mới tối qua còn suýt chết đói, thế là họ nhủ : “Thân làm tướng thật sướng hơn tiên, chúng ta cứ sống phây phây bất chấp nghịch cảnh chứ !”.

“Thưa, vừa lòng tướng công chưa ạ ?” – Lão nông lãn việc cất giọng.

“Anh bạn làm ưng bụng chúng ta lắm, khen cho đức tận trung này !” – Các tướng đáp.

“Vậy bây giờ tôi ngơi tay được chưa ạ ?”.

“Được chứ, anh bạn có thể nghỉ, nhưng phải kiếm dây trói đã”.

Nông phu bèn đi gom mấy cây gai dại đem giúng nước, sau đấy đập dập ra, chứng đến sẩm tối đã có một cuộn thừng. Các tướng liền lấy dây trói lão nông vào thân cây cho khỏi trốn mất rồi mới an trí đi nằm.

Qua một ngày, rồi qua ngày nữa. Lão nông đã thành thạo đến độ có thể chiêu đãi hai ông tướng ít canh nóng hổi. Các tướng nhà ta đã trở nên sảng khoái tươi tỉnh vì được no thỏa, mặt mày cũng sáng hồng hẳn ra. Họ mới bảo nhau rằng sống ở chốn này vẫn sung túc lắm, chứ về Sankt-Peterburg chỉ có khoản lương hưu vẫn trong quá trình tích lũy ít một.

“Chứ tôi hỏi ngài thì, liệu rằng Tháp Bavel có thật không, hay chỉ là dụ ngôn thôi ?” – Ông tướng này truyền tai ông tướng kia ngay sau bữa sáng.

“Ông ơi, tôi thiết tưởng sự kiện ấy là thật đấy, bởi không thế thì người ta lấy gì giải thích những dị biệt ngôn ngữ trên thế giới chứ !”.

“Vậy ra hồng thủy cũng thật ư ?”.

“Hồng thủy thì dĩ nhiên, chứ không thì, lấy cái gì ra bảo đảm đã có sinh vật thượng cổ ? Vả lại, Tân Văn Moskva cũng bảo rồi…”.

“Hay bây giờ bọn mình đọc Tân Văn nữa nhỉ ?”.

Hai người bèn lục lại tờ Tân Văn Moskva nát bươm, ngồi dưới bóng râm cứ thế mò hết mục này sang mục khác. Họ đã lượt hết những tin yến tiệc ở Moskva, Tula, Penza, Ryazan – và thật lạ, họ không còn khó ở nữa !

Mau lâu gì thì các tướng cũng không còn được dự nữa. Vậy là hai tướng bắt đầu thổn thức nhớ bọn đầu bếp bị bỏ lại ở Sankt-Peterburg, rồi họ hờ khóc.

“Không hiểu dạo này ở Podyacheskaya nom thế nào, ông nhỉ ?” – Tướng này mới bảo tướng kia.

“Thôi, tôi xin, ông chớ nhắc nữa ! Tôi đang héo mòn lắm đây !” – Ông tướng bèn đáp.

“Ở chốn này cũng thung dung miễn chê ! Hiềm nỗi, tôi vẫn thèm đàn hặc đứa nào như cừu con phải có lông dày ấy, vả chăng cũng tiếc đồng phục bảnh lắm !”.

“Quả cũng nên tiếc ! Nhất là bộ thượng úy, chỉ thoáng qua đường nẹp vàng óng đã cuống cả lên !”.

Vậy là họ xoay ra hoạnh bác nông nô : Không cần biết cách nào, chỉ cốt sao đưa hai vị về phố Podyacheskaya ! Mà rồi sao ? Hóa ra lão nông cù lần vẫn biết phố Podyacheskaya ở đâu, vì bác đã có dịp ghé qua một lần, bác vô tình được thưởng bia và rượu mật ở đó, thế nhưng nước chỉ chảy xuống ria mép chứ chẳng vào miệng được !

“Chúng ta là chức dịch ở phố Podyacheskaya đấy !” – Các tướng cố nài.

“Dạ, nếu ngài có dịp, thì chính tôi là người neo lơ lửng trên mái nhà, bên hông có cái hộp cũng treo đầu dây ; những lúc ấy tôi toàn mải quét sơn lên tường, nom xa cứ như thể con ruồi đậu nóc nhà thôi, nhưng phận tôi là vậy ạ !” – Nông phu ôn tồn đáp.

Nông phu bắt đầu tính vẩn vơ xem làm thế nào cho thỏa lòng các quan tướng đã chiếu cố mình – một kẻ chỉ biết ăn hại, ấy vậy họ không hề ngỏ ý khinh sức vóc cần lao của lũ dân cày như bác ! Thế là bác hạ quyết tâm đóng một chiếc bè – mà không phải bè thường nhé, vì phải làm sao vượt được đại dương về tận Podyacheskaya chứ.

“Ngươi cứ liệu thần hồn đấy, đồ vô công rỗi việc ạ, chớ có để chúng ta chết chìm !” – Các tướng đồng thanh khi thấy bè lắc lư trên sóng cả.

“Bẩm tướng công chớ nề, chúng tôi có kinh nghiệm lắm !” – Nông phu miệng thủng thẳng đáp, còn tay vẫn tất bật sửa soạn hành trình.

Lão nông nhặt từng chiếc lông thiên nga mềm mà rải kín mặt bè. Làm xong, bác ta bế hai tướng nằm lên đấy rồi bắt đầu gò lưng chèo. Có bao nhiêu nỗi hãi hùng mà các tướng gặt được trong suốt chuyến hải hành, cộng với những cơn say sóng khi vấp phải bão tố, họ quy cả thành câu mắng nhiếc trút vào người tá điền với tội danh chỉ biết ăn bám – mà vấn đề này thì không bút nào tả xiết, chứ cũng không thể diễn lại bằng thi pháp đồng thoại được. Nhưng lúc này, nông phu vẫn mải miết chèo bè và cho các tướng cầm hơi bằng cá trích.

Vậy là sau rốt, đức từ mẫu Neva đã mở vòng tay, rồi dòng kênh vinh hiển Yekaterina, và đây đại lộ Podyacheskaya ! Bọn đầu bếp vẫy tay chào nồng thắm khi trông ông chủ trở về với thân hình no thỏa, trắng hồng và vui tươi đến thế nào ! Từ nay các tướng lại dùng cà phê, xơi bánh ngọt và khoác nhung phục. Họ đi đến kho bạc lĩnh một mớ tiền to về – mà vấn đề này không sao diễn bằng thi pháp đồng thoại, càng không bút nào tả xiết được !

Tuy nhiên, số phận người nông nô chưa kịp bị lãng quên. Các quan tướng sai người bưng cho bác ly rượu kèm một su bạc, bèn dỗ : Chúc sức khỏe nông phu !

1869​

Trước khi sao chép, bạn phải xin phép dịch giả !
Mong bạn hãy tôn trọng để được sự tôn trọng !
 
Chỉnh sửa cuối:
Top