Giao Lưu Văn Hóa

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Nga dự kiến dành cho Việt Nam 1.000 suất học bổng 2016-2017

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh lưu học sinh tốt nghiệp đại học tại Liên bang Nga có chuyên môn tốt, về nước đảm nhận các chức vụ quan trọng, là cán bộ nguồn trong các cơ quan nhà nước.

Trong hai ngày 5-6/11, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga, khóa họp thứ nhất Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga - Việt đã diễn ra. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh cùng Thứ trưởng Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga Veniamin Kaganov chủ trì khóa họp.

Tại khóa họp, hai bên đặc biệt chú trọng mô hình hợp tác song phương thông qua Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga; đánh giá cao nền tảng cơ sở nghiên cứu của Liên hợp viện nghiên cứu hạt nhân tại thành phố Dubna, coi đó là tiền đề phát triển hợp tác khoa học - kỹ thuật trong thời kỳ mới và mở ra các cơ hội phát triển giáo dục, đào tạo giữa hai nước.

Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục suốt 6 thập kỷ qua và khẳng định lãnh đạo cấp cao hai nước đều dành sự quan tâm đặc biệt nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng các hình thức hợp tác trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở văn bản hợp tác đã được ký kết, trong năm học 2015-2016, Chính phủ Liên bang Nga đã cấp cho Việt Nam gần 800 suất học bổng và năm học 2016-2017, Nga dự kiến dành cho Việt Nam từ 800 đến 1.000 suất học bổng.

Phát biểu tại khóa họp, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Kaganov đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của khóa họp lần thứ nhất này, coi đây là điểm khởi đầu nhằm cụ thể hóa Hiệp định đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được ký cuối năm 2014 vừa qua.

Thứ trưởng Kaganov nhấn mạnh giữa Nga và Việt Nam có bề dày quan hệ hợp tác hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Kể từ khóa họp này, mối quan hệ hợp tác Nga -Việt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ sẽ có thêm động lực phát triển mới về chất, nhất là sau khi lãnh đạo hai nước ký văn bản nâng tầm mối quan hệ.

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh lưu học sinh tốt nghiệp đại học tại Liên bang Nga có chuyên môn tốt, về nước đảm nhận các chức vụ quan trọng, là cán bộ nguồn trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Kết thúc khóa họp, hai bên đã ký Biên bản và quy chế của Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga - Việt.
Theo TTXVN
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Một tin vui về HỢP TÁC VIỆT- NGA trong ngày cuối năm.
Trong khuôn khổ Dự án "Thành lập và phát triển trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội" mà đã được ký kết tại Matxcova cuối tháng 10 vừa rồi, Trường Đại học công nghệ Mátxcơva (MosTec), là Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và có trụ cột là Trường đại học Công nghệ Matxcơva (Moscow Technological Institute), đang làm thủ tục với các cấp có thẩm quyền của ta. GIẤY CHỨNG NHẬN VỀ CÔNG NHẬN CỦA NHÀ NƯỚC của MosTec:

Trường MosTec sẽ cử các giáo viên tới giảng dạy trực tiếp tại Đại học Công nghệ Việt - Nga về các chuyên ngành quản lý và tin học trong các hệ thống kỹ thuật; xây dựng đường hầm và công trình ngầm, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật vô tuyến và viễn thông, xây dựng những công trình đặc biệt.....

Tuy đang bận đón Tết, nhưng hôm qua họ gửi 10 trang hồ sơ của Trường để dịch gấp sang tiếng Việt. Đành phải cố gắng, và vì vậy, Vietsub cho phim "Ukraina: Chiếc mặt nạ..." phải chậm đi dăm ngày, các bạn thông cảm.
 
Chỉnh sửa cuối:

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Thật là một tin tuyệt vời cho những ngày cuối năm này. Vậy là các bạn muốn theo đổi các ngành kỹ thuật công nghệ chất lượng cao đã có thể học tại Việt Nam. Hi vọng học phí sẽ không quá cao để các bạn có đam mê có thể được học tập tại đây.

Cảm ơn bác Trần về thông tin hữu ích này.
 

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Ngày văn hóa Nga tại Việt Nam 2016


Hôm qua ngày 19 tháng 3, tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, Phân viện Puskin đã tổ chức “Festival Văn hóa Nga” dành cho các em học sinh khối chuyên Nga của các trường THPT Chuyên trên toàn quốc với hỗ trợ của trường phổ thông thuộc Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới “Năm Văn hóa Nga tại các nước ASEAN -2016”. Ngày Hội có sự góp mặt của toàn bộ Ban Giám hiệu trường THPT thuộc ĐSQ Nga tại Việt Nam, trường THPT Chuyên Thái Nguyên, các giáo viên tiếng Nga trên toàn quốc và các vị phụ huynh học sinh. Các phóng viên Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Thái Nguyên cũng đến ghi hình và đưa tin.

Phát biểu trong phần khai mạc Festival Văn hóa Nga, Ông Samarov Alexander – Hiệu trưởng trường phổ thông ĐSQ Nga tại Việt Nam nhấn mạnh: “Xin cảm ơn Bộ GD&ĐT Việt Nam, cảm ơn Phân viện Puskin đã tổ chức Festival văn hóa Nga. Những hoạt động như hôm nay làm tăng thêm sự hiểu biết về văn hóa, phong tục, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Nga và góp phần tăng thêm số người yêu thích và học tiếng Nga – phương tiện để thực hiện hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Nhà nước”.

“Festival Văn hóa Nga” đã thu hút hơn 500 em học sinh khối chuyên Nga của các trường THPT Chuyên đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Đội đến từ nơi xa nhất là các em học sinh THPT Chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, đã vượt 400 km để đến tham gia Festival.

Festival diễn ra trong không khí sôi động, tưng bừng và vô cùng thân thiện. Ban Giám khảo, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đều thấy trẻ lại khi được sống những phút giây của tuổi học trò.
8 đội chơi đều nghĩ ra tên riêng cho đội mình bằng tiếng Nga, đều chuẩn bị trang phục dự thi và dụng cụ riêng để cổ vũ rất công phu. Tất cả các đội đều đã rất xuất sắc vượt qua 3 cuộc thi chính của chương trình: Trình chiếu videoclip giới thiệu về trường mình; Thi tài năng và Tìm hiểu về đất nước, văn hóa Nga. Ngoài ra, các em rất tích cực tham gia những trò chơi vui nhộn do Ban Tổ chức chuẩn bị. Các cổ động viên của các đội nhiệt tình cổ vũ không chỉ cho đội nhà mà cho cả các đội bạn.
Đội chủ nhà “Những chú gấu tinh nghịch” trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã đón chào các vị khách quý và các thành viên Festival bằng 1 tiết mục nhảy hiện đại trên nền nhạc Nga.

Với sự chuẩn bị rất công phu, sáng tạo và độc đáo, đội “Tỏa sáng” - trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội đã giành giải Nhất với videoclip giới thiệu về trường và đội chơi. Các đội “Ngọn lửa”- trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ và “Các chú lính thủy” - trường THPT Chuyên Trần Phú cũng có các videoclip rất ấn tượng và được trao giải Nhì, giải Ba.
Cuộc thi Tài năng nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình từ phía khán giả. Ở phần thi này các thành viên đã cơ hội để thể hiện khả năng diễn xuất, trình diễn của mình. Ban Giám khảo và các thầy cô đều phải thán phục sự tập luyện công phu và tài năng của học sinh qua các vở kịch, các điệu múa, các bài hát đồng ca, đơn ca, các bài thơ… được trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Nga. Với phần biểu diễn xuất sắc và phong cách độc đáo, vở kịch “Cô bé lọ lem” của THPT Chuyên Nguyễn Huệ và điệu múa dân tộc Nga cùng bài hát có đệm đàn ghi ta của đội “Ngôi sao” - trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã được đánh giá rất cao và được trao đồng giải Nhất. Giải Nhì và giải Ba thuộc về các tiết mục dự thi của trường THPT Chuyên ngoại ngữ ĐGQGHN và của đội THPT Chuyên Trần Phú.

Trong phần 3 của chương trình, các đội chơi được thể hiện kiến thức và khả năng của mình. Các câu hỏi liên quan đến tiếng Nga, đất nước, văn hóa và truyền thống Nga đều được các đội tập trung suy nghĩ và cử đội trưởng trả lời nhanh gọn. Đội “Kalinka” của THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ là một trong những đội đoạt giải ở phần thi này.
“Ghép Thành ngữ, tục ngữ Nga” cũng là một phần thi khó do BTC đưa ra (theo format của kỳ thi Olympic tiếng Nga quốc tế), nhưng các em cũng xuất sắc vượt qua. Rất nhiều đội hoàn thành phần thi của mình gần như cùng lúc, chỉ hơn kém nhau một vài giây.
Đặc biệt, ở phần thi “Khéo tay hay làm”, chỉ trong 15 phút quy định, các em đã khéo léo vẽ và trang trí Matrioshka - búp bê Nga chỉ bằng giấy, bút chì và màu vẽ. Sau đó một số đội còn có phần trình bày ý tưởng về sản phẩm của mình. Ban Giám khảo đã rất vất vả và tìm ra được đội có bức vẽ đẹp nhất. Giải Nhất phần thi này thuộc về trường THPT Chuyên Trần Phú, giải Nhì trao cho đội THPT Chuyên Nguyễn Huệ, giải Ba thuộc về đội THPT Chuyên Thái Nguyên và giải Khuyến khích dành cho đội “Đêm trắng” của THPT Chuyên Phan Bội Châu.
Không chỉ dừng lại ở đó, điệu nhảy “Aram-dam-dam” và các trò chơi có thưởng dành cho khán giả đã làm cho bầu không khí của Festival càng nóng bỏng hơn.
Phần tổng kết và trao giải thưởng cũng gay cấn, hồi hộp và thú vị không kém. Trên 20 giải thưởng: giấy khen và các phần quà mang từ Nga về được trao tặng cho các đội chiến thắng. Đặc biệt, có cả giải “Đội được khán giả bình chọn”, “Đội được Giám khảo bình chọn” và “Đội có góc trang trí ấn tượng nhất”.
Sau 5 giờ liên tục với rất nhiều cuộc thi và trò chơi, “Festival Văn hóa Nga” khép lại trong sự tiếc nuối của tất cả mọi người. “Festival thực sự là một ngày Hội tiếng Nga với quy mô lớn”, là sân chơi bổ ích giúp các em thêm yêu tiếng Nga và văn hóa Nga, là nơi các em được thể hiện tài năng của mình, được làm quen với nhau, giao lưu với người Nga” - theo lời của TS. Nguyễn Thị Thu Đạt, trưởng Ban Tổ chức, Phó Giám đốc Phân viện Puskin.
Điệu múa Nga quen thuộc «Kalinka» đã khép lại chương trình, cũng chính là thay lời cảm ơn của toàn thể các bạn học sinh gửi đến Ban Tổ chức Tất cả các bạn học sinh của các trường đã cùng chụp ảnh với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, lưu lại kỷ niệm của một ngày tuyệt vời với mong muốn được tham gia thêm nhiều ngày Hội như thế. Ông Nguyễn Quang Thuấn - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Thái Nguyên nhận xét: “Những hoạt động như thế này rất cần được duy trì để khích lệ các em yêu tiếng Nga thông qua việc chơi mà học, vừa giao lưu vừa học hỏi lẫn nhau”.
Một số hình ảnh trong "Festival Văn hóa Nga"











 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Cuộc sống người Việt tại Liên Xô và Nga
trong bối cảnh phim "Tình khúc bạch dương".
Phim mới lên sóng được 3 tập, bên cạnh nhiều ý kiến hoan nghênh, ca ngợi ... không ít bạn, nhất là Lưu học sinh đã nhiều năm học ở Liên Xô, băn khoăn, thậm chí chỉ trích gay gắt những cảnh mô tả cuộc sống của SV ta ở LX trong phim là phiến diện, thiển cận, bôi bác... , có bạn tâm sự trên một trang mạng: Con mình xem phim cứ hỏi: “Bố mẹ hồi xưa cũng đi buôn khiếp thế à?”.
Để các bạn biết thêm giai đoạn này và dễ “nhập cuộc” với bô phim, là người đi lại nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người ở LX trong những năm 80-90 (Bacu, Krasnodar, Bryansk, Matxcơva, Mogilyov...), xin đăng lại bài viết của tôi trên trang cá nhân về thực trạng học tập và sinh sống của người VN lúc đó.
Tháng 3 năm 1985 Gorbachev lên nắm quyền và bắt đầu công cuộc Đổi mới “vô tội vạ” của ông. Những năm sau đó, kinh tế LX bắt đầu khó khăn, hàng hóa khan hiếm dần, một phần do dân chúng bắt đầu thích nói nhiều về công khai, dân chủ ... ít chú trọng làm việc, nhưng cái chính là các nhà máy xí nghiệp “ém hàng” vì đoán trước giá cả hàng hóa trong hoàn cảnh kinh tế thị trường sẽ cao hơn nhiều so với giá thành hàng hóa đang sản xuát theo cơ chế bao cấp. Từ những năm 86-87 trở đi, cuộc sống ở nhiều thành phố lớn trở nên khốn khó, có lúc những mặt hàng thiết yếu như muối, diêm... cũng không có bán, thịt gà cũng rất khó mua, phải xếp hàng và tranh nhau. Nhiều gia đình người Nga thậm chí không có tiền mua dầu mỡ để rán, thay vì món bánh xèo quen thuộc (Блины) họ phải luộc những miếng bánh bằng bột mỳ loại 3 trong nước muối cho con cái ăn....

Với bản tính năng động và dễ thích nghi, một số người Việt sống ở LX lúc đó (từ cuối năm 85) bắt đầu buôn bán, người nào nhanh nhẹn thì biết cách kiếm tiền nhờ những khe hở của thị trường. Sinh viên ít buôn bán hơn, phần vì lo học, kỷ luật quản lý chặt chẻ, với lại ít thông tin giá cả từ VN sang. Còn đại đa số Thực tập sinh, Nghiên cứu sinh (tôi ở nhóm này), là những người vừa trải qua giai đoạn cả nước VN ăn bo-bo, coi buôn bán là phương tiện để có thể sống đàng hoàng với những tấm bằng, học vị mình sắp có. Thời gian đầu chỉ “buôn vặt” như mô tả trong phim, kiếm tiền nhờ chênh lệch giá của vài mặt hàng từ VN gửi sang và đồ của LX gửi về. Một hai năm sau (từ 87-88 trở đi), một vài người đã buôn bán có tổ chức, đánh hàng bằng container từ VN hay TQ sang Mátxcơva hay Leningrad, một số người lên Mát mua lại với số lượng lớn đem về các địa phương (lúc đó gọi là “đi bè”) bán lại cho SV, công nhân để bán cho người dân Nga (gọi là “đi chợ”) thông qua “đặt còm” hoặc bán trực tiếp. Những năm này ở các thành phố LX bắt đầu hình thành “chợ Trời” (Толчок – nơi huých nhau), SV, CN, TTS của ta bắt đầu "xuống đường" bằng việc bán lẻ (hàng bày trên tấm bạt trải trên mặt đất), sau đó một vài người tổ chức lại, có cả dãy sạp bày hàng VN, TQ,... và đến những năm 91-92, những người có đầu óc kinh doanh và có chí làm giàu bắt đầu làm ăn lớn, thuê nhà hàng, siêu thị, thành lập công ty riêng hoặc Liên doanh (theo luật pháp lúc đó các Cty LD được miễn thuế trong 3 năm đầu tiên). Nhiều tỷ phú VN hiện nay đã lớn lên nhờ những đồng tiền kiếm được trong thời gian này.

Bối cảnh trong tập 1-2 của phim là những năm cuối 85 và 86 (lời ông bố ở HN nói là Gorbachev vừa tuyên bố đổi mới). Nhiều cán bộ XKLĐ (nhất là phiên dịch kiêm đội phó) buôn bán như TTS, NGS, số SV tham gia buôn bán không nhiều, chỉ những người nhanh nhẹn biết tiếng tốt (như Hùng trong phim), còn công nhân, chỉ những người quen thân với cán bộ hay ai đó TTS, mới dám buôn bán, nhưng rất lặt vặt. Tôi nghĩ, phim TKBD không có mục đích phản ảnh cuộc sống chung của người Việt, mà muốn nói lên một mối tình đẹp của 1 bộ phận cụ thể người Việt trong bối cảnh xã hội nhiều biến đổi ở LX và VN lúc đó - Phải lo mọi thứ trong lúc cuộc sống của VN ta và người anh cả LX khó khăn nhất mà vẫn phát huy nổ lực của bản thân, giữ được những gì cao quý của con người, nuôi dưỡng mối tình thơ mộng.... Theo tôi, bộ phim sẽ thành công nếu đưa đến khán giả thông điệp dạng như thế.



Chưa biết tình huống trong các tập tiếp sẽ thế nào. Nếu phim đề cập thêm những sự kiện “nóng” thời bấy giờ ở Kras (là nơi công nhân VN lần đầu tiên ở LX bãi công, nơi đặt "trụ sở" của băng cướp người Việt có vũ trang (dùng cả súng ngắn và AK cưa nòng) khống chế vùng phía Nam LX đến mức VN phải cử Đại tá an ninh cùng tổ công tác mật sang cộng tác với KGB mấy năm mới triệt hạ được....) thì chắc phim sẽ sôi động hơn, không có cảm giác chỉ mấy anh SV “quanh quẩn” mưu toan cho cuộc sống ... và bên cạnh “chất thơ”, bộ phim sẽ giúp hiểu thêm về 1 giai đoạn mà với nhiều người có thể coi là “lịch sử” này.
 
Chỉnh sửa cuối:

DesertLane

Thành viên thường
В последние годы импорт из России во Вьетнам товаров из категории "готовые продукты из зерна злаков, муки, крахмала или молока; мучные кондитерские изделия" увеличился в 2 раза: в 2017г - импорт таких товаров было импортировано во Вьетнам более чем на 6 млн долл. США, тогда как в 2016 году импорт в данной категории составлял всего около 3,3 млн. долларов.

Видео, снятом на заводе компании в г. Челябинск, можно почерпнуть интересные слова и выражения, связанные с приготовлением пищи, а также некоторые производственные термины а также увидеть, что происходит с мучыми изделиями до того, как они попадут на полки магазинов.

 
Top