Nước Nga Trong Tôi 2015

HoàngIvan

Thành viên thường
30 - Đường đến nước Nga

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi"số 30:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Trần Huy Hoàng
Năm sinh: 1997
Nơi học hiện tại: Pskov- Nga

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Mình đến với tiếng nga cũng giống như đa số mọi người vậy. Đơn giản là khi thi vào trường cấp 3 mình trượt nguyện vọng một nên phải học tiếng nga. Thời gian đầu mình chỉ học qua loa để đủ điểm thôi. Lớp mình lúc đấy cũng không có giáo viên dạy tiếng nga cố định nên mình càng không chú tâm vào học tiếng nga. Mọi chuyện thực sự thay đổi khi cô giáo mình quý mến nhất hồi cấp 3 xuất hiện. Sự nhiệt tình trong nghề, lòng tin cô dành cho học sinh, lòng bao dung khi học sinh phạm lỗi, lối sống lạc quan của cô đã khiến mình bắt đầu học tiếng nga. Mình chỉ đơn giản là học để cho cô khỏi thất vọng, cho cô khỏi buồn thôi chứ khi đó cũng chẳng thích tiếng nga, đúng ra là học vì cô.

Thời gian học tập cùng cô giáo tăng lên, và tình yêu tiếng nga của cô cũng lan sang tôi. Tôi bắt đầu thấy thích học tiếng nga và tự tìm tài liệu để học, chủ động xin thêm bài tập để làm, luyện tập nhiều hơn. Tôi đã bắt đầu thay đổi, điểm số được cải thiện và được tham gia thi. Trong tôi bấy giờ đã nuôi hi vọng được đi du học Nga. Tôi muốn được nhìn thấy tuyết, đi tầu điện ngầm, đi bộ trong các công viên của Nga, chụp ảnh ở những địa điểm nổi tiếng của Nga.

Và tôi đã nhận được học bổng đi du học Nga. Tôi hi vọng mình sẽ được học ở Saint Petersburg vì tôi thích tầu điện ngầm ở đó. Trên thực tế là tôi dạt về Pskov. Trước khi đi sự hào hứng trong tôi đã giảm vì trong đám bạn cùng đi mỗi tôi không được nhận vào học ở thành phố mong muốn.

Tôi đã đến Pskov. Trải qua vài ngày ở đây tôi thấy thành phố khá yên bình, không ồn ào, không chen lấn. Tôi thích con người của đất nước này bởi sự nhiệt tình, thẳng thắn và tốt bụng, nhạy cảm. Khi tôi một mình đợi tàu đến thành phố, tôi đã rất lo lắng, không nói ra hồn một câu nào, đã có một bà người nga ngồi nói chuyện cùng giúp tôi bớt căng thẳng, sau đó tôi được mời uốn một cốc cà phê, và được mang giúp đồ lên tàu. Bấy nhiêu đó thôi đã làm tôi an tâm phần nào. Những người tốt bụng và nhiệt tình đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu bỡ ngỡ, tôi cảm ơn họ rất nhiều. Vì là mới đến nên tôi rất muốn được đi quanh thành phố, chỗ nào cũng thấy đẹp, chỗ nào cũng muốn đến. Tôi thích thành phố này, thích con người ở đây nữa. Đường phố sạch sẽ, hiếm khi tôi gặp mẩu giấy nhỏ, vé xe buýt trên đường đi học. Ý thức tham gia giao thông của họ thì tuyệt vời, người đi bộ luôn được ưu tiên và khi tham gia giao thông công cộng tôi không thấy cảnh chen lấn mà tôi thấy họ sếp hàng để sử dụng, họ nhường nhau ghế ngồi, chỗ đứng tốt hơn.

Đến nước Nga tôi đã thấy bông tuyết đầu tiên trên tay áo, tôi đã nhìn rất gần, rất kĩ bông tuyết đó, thực sự thì rất đẹp. Bông tuyết mỏng, có 6 cánh và mỗi cánh có tia nhỏ nữa, trắng trong, đẹp vô cùng. Tôi đã gặp cơn mưa tuyết đầu tiên, đã có vài bông tuyết bay vào miệng khi vừa đi vừa nói chuyện với bạn, và tôi thử vị luôn, giống như nước đá vậy. Tôi đã thấy cảnh tuyết phủ trắng xóa mọi vật, tôi thích thú chụp rất nhiều ảnh làm kỉ niệm, cảnh vật đẹp hơn, nhìn mọi thứ khác so với lúc trước, có lẽ là do tuyết đẹp. Cảm giác nhẵm lên tuyết cũng rất thích, lần đầu tiên bộ đi từ bờ sông này sang bờ bên kia mà không cần đi qua cầu, khi đi cũng hơi ngại chút, vì trong đầu cứ nghĩ “ngộ nhỡ đang đi THỤP một cái thì sao đây :(


Đến nước Nga tôi đã trải nghiệm những tình huống mà chỉ du học sinh mới gặp phải, toàn là tình huống ngu bất ngờ, dở khóc dở cười, mà khi về đến phòng phải tự nghĩ sao lại có thể như thế được. Tôi đi lạc trong ngày đi học đầu tiên, mua nhầm rất nhiều đồ và chẳng ăn được, mua pho-mat quên không xem hạn, cứ nghĩ pho-mat để được lâu, khi ăn thấy vị lạ như đồ hỏng, vẫn tự lừa bản thân là vị pho-mat nó thế, khi không ăn nổi luôn thì mới ngớ người lúc nhìn vào hạn sử dụng, đấy là may không làm sao ^^, và cũng có một số đồ mua nhầm không dùng thế nào.

Đến với nước Nga tôi cảm nhận được hơi ấm của gia đình tuyệt đến thế nào. Gần năm mới đường phố, cửa hàng, trường lớp nhộn nhịp hơn rất nhiều. Mọi người thường đi cùng nhau và một cây thông, vài túi đồ chuẩn bị đón năm mới. Niềm vui, hạnh phúc hiện rõ trên mỗi khuân mặt, mọi người cùng nhau đi chơi, cùng nhau chụp ảnh,… . Và tôi thấy ngày lễ năm mới thật ý nghĩa.

Và khi đi thật xa tôi mới nhận ra cái tầm của hai chữ Việt Nam trong mình. Tôi nhớ gia đình một chút, nhớ thầy cô một chút, nhớ xóm làng một chút. Nỗi nhớ rõ rằng hơn vì không như trước đây tôi có thể về nhà mỗi khi thấy nhớ, còn giờ thì khó quá. Cũng nhờ học tiếng nga mà tôi yêu tiếng việt hơn, nhờ những ngày lễ ở xứ người mà tôi mến những ngày lễ truyền thống hơn. Tôi tìm hiểu và trân trọng những lối sống đẹp của dân tộc. Cũng nhờ đi học xa tôi mới biết được, cảm nhận được những điều mà nếu ở Việt Nam tôi không bao giờ biết được, không bao giờ cảm nhận được.

Tôi thích tiếng nga. Tôi thích nghe âm điệu của tiếng nga. Ngữ pháp tiếng nga khá phức tạp, nhưng cũng chính vì thế mà tôi thấy nó thú vị. Cũng như các câu tiếng việt, các câu tiếng nga cũng có nghĩa đen nghĩa bóng, nếu không thực sự để ý thì khó mà nhận ra được ý hay trong câu nói. Tôi rất thích đọc những mẩu chuyện của Tse-Khốp, những câu chuyện đơn giản chứa đựng văn hóa Nga, có cả yếu tố hài hước mà tác giả khéo léo đưa vào
 

KPTG

Thành viên thường
31 - My Russia

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi"số 31:

Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.​
Tên tác giả: Phan Thị Thu Hà
Năm sinh: 1998
Nơi ở hiện tại: Cầu Giấy, Hà Nội

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Giữa tiết đông hanh hao của Hà Nội, đưa mắt ngắm nhìn bầu trời ảm đạm nhuốm một sắc xám ảo não, tôi lặng lẽ ngồi mơ đến phương trời xa xôi. Mười bảy tuổi, cái tuổi mà đứa bạn tôi từng gọi là “gai góc khắp nơi”, tôi lỡ chọn cho mình một tình yêu cũng gai góc chẳng kém - yêu đơn phương một vùng đất lạnh. Tình yêu với Nga là một thứ tình yêu muôn màu muôn vẻ, với đủ mọi thanh điệu của bản hòa tấu, đủ mọi cung bậc cảm xúc của văn chương. Tình yêu ấy lãng mạn có, điên dại có, và cũng đôi khi đẩy người ta vào vô vọng, nhưng người đã yêu thì cứ mãi lạc trọng niềm mê say, chẳng thể thoát ra được.

Năm nay tôi 17, nghĩa là quá muộn để biết đến một đế quốc tung hoành cõi trời Âu, quá xa để gặp được một người con Soviet và quá trẻ để thấu hết những biến động thời đại này. Tôi coi Nga như một tri âm. Chấp nhận tìm hiểu về Anh là chấp nhận cả những ánh mắt khó hiểu của người khác cùng câu hỏi “Nga có gì để thích sao?”, chấp nhận cả những lần dạo trên Internet và thấy những bình luận chẳng mấy cảm tình dành cho Anh, chấp nhận cả việc những đứa bạn ngờ vực “Mày học tiếng Nga thì có được gì không?” hay “Sao mày không thích Mỹ nhỉ?”. Tất cả những điều ấy, tôi đã quen rồi. Quen tới mức nó như thể một thứ gia vị đắng cho tuổi 17 của tôi. Tôi từng là chuyên Anh, hiện tại là chuyên Nhật, những câu hỏi ấy cũng dễ hiểu thôi.

Khoảng 10 năm trước, có một người họ hàng tặng tôi con Matryoshka này.
Giờ nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng chính nó đã đến đây để đem đến cho tôi một sự tò mò về Anh. Ngày ấy, tôi vẫn ngây ngô. Ngồi trong chiếc xe ô tô nhỏ, trên những cung đường của mọi miền đất nước, tôi luôn đưa mắt nhìn xa xăm ngắm những cánh đồng lúa chín vàng, những con sông chẳng mấy yên ả, những cây cầu cũ ghi dấu lịch sử, bên tai là tiếng nhạc du dương của những bản tình ca Nga ai cũng nhớ. Tôi từng sợ bóng đêm bủa vây như bao đứa trẻ khác, và giai điệu “Ой у гаю при Дунаю” đã đưa tôi vào giấc ngủ. Dân ca của người Slav luôn đem đến sự yên bình, thanh thản, man mác buồn … Nhiều đêm tôi thức rất khuya, như đêm nay, chỉ để nghe nhạc Tchaikovsky. Trước khi học dương cầm tôi đã yêu Tchaikovsky, rồi đến nay tôi đã gần như nghiện nhạc của ông. Âm nhạc với tôi là lẽ sống, văn chương với tôi là nơi để cứu rỗi linh hồn, như Dostoevsky từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Tim tôi đã bao lần đổ lệ mỗi khi nghĩ đến những tác phẩm của Dostoevsky, bởi nỗi khổ, nỗi đau của từng nhân vật dường như cũng biến thành nỗi niềm riêng của tôi. Tôi đã nằm mơ thấy một Saint Peterburg hoa lệ nhưng cũng đầy rẫy điều chướng tai gai mắt khi đọc “Phục sinh” của Lev Tolstoi. Tôi từng dành ra cả tháng để tìm hiểu về tình bạn của Chekhov và Levitan, mà sau đó nó vô tình trở thành phần mở đầu cho cuốn tiểu luận của nhóm tôi về “Người trong bao”. Và cho tới bây giờ, vẫn chưa có một nhà văn nào khiến tôi rung động nhiều như Paustovsky khi ông viết “Văn được bồi bổ thêm ánh sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ vốn thuộc thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng, có khối hình của đường nét trong điêu khắc và nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc.” Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, cả hai đều dễ dàng tìm thấy trong văn học Nga. Có gì hạnh phúc hơn tìm thấy mình trong một áng văn? Tôi yêu Anh vì nét lãng mạn gần như là bẩm sinh trong Anh.

Nếu hỏi tôi rằng tôi thích môn nào nhất khi còn đi học, tôi sẽ trả lời không đắn đo: Lịch Sử. Với nhiều người Sử là một thứ khô khan hơn cả đất vùng hạn. Trái lại, tôi thấy Sử đem tôi đến gần hơn với những năm tháng xưa cũ và với Anh. Ngày ấy, mình Anh đơn độc trên cả một vùng băng tuyết trắng trời. Từ phương Bắc qua phương Nam, từ phía Đông qua phía Tây, không một người thân, đâu kẻ bè bạn, chẳng một đồng minh. Ngày ấy, liên minh Ba Lan-Litva không có được Kremli, Moskva thuộc về Romanov. Ngày ấy, sông Neva vẫn yên bình, Moskva một trời rực lửa. Napoléon chưa từng biết đến một ngày vui trên đất Nga. Ngày ấy, Saint Peterburg không còn tên Sa Hoàng, người ta đem tình yêu gửi lại cố đô. Người ta đòi ở Anh một cái cúi đầu. Kẻ cô độc liệu có biết đến điều ấy không? Đã bao nhiêu máu và nước mắt rơi xuống vùng đất rộng lớn ấy để có được hòa bình, Anh là người hiểu hơn ai hết. Sẽ còn nhiều lắm những điều tôi khâm phục ở Anh, những gì anh phải trải qua bao lần khiến tim tôi quặn thắt và rơi nước mắt.

Ngôn ngữ là một trong số những thứ ám ảnh tôi khi suy nghĩ về tương lai. Tôi không muốn cố định mình với một hay hai ngôn ngữ như người ta thường nghĩ mà hướng tới nhiều hơn thế. Tôi yêu vẻ đẹp trong ngôn ngữ, và cố nhiên mối tình đầu của tôi chính là tiếng Nga, mặc dù tôi vẫn chưa đủ can đảm để đến với nó, khi tuổi 18 vẫn còn là đích đến chứ không phải một mốc tôi đã vượt qua. Càng ngồi nghĩ xem lí do mình yêu thích một người là gì càng dễ gây chán nản. Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu nổi vì sao tôi yêu tiếng Nga đến vậy, dù ai cũng “dọa” rằng khó lắm, khổ lắm. Tôi suy nghĩ đơn giản, tình yêu và trách nhiệm song hành thì việc gì cũng sẽ thành nhẹ nhàng, giống như trước khi tôi đến với Nhật, đã bao người khiến tôi hoang mang về chữ Hán. Là một sự hứa hẹn đúng không, với ngôn ngữ của Anh?

Mẹ tôi luôn nói tôi là một đứa bướng bỉnh, cứng đầu và có chút bảo thủ. Có lẽ đấy lại là một tính cách hay. Chẳng phải bao năm nay tôi vẫn giữ một tình yêu trinh nguyên như mới hôm qua vậy sao? Dù có ai nghĩ tôi chỉ yêu thích nhất thời, như người ta vẫn nghĩ về việc thần tượng của người trẻ bây giờ ấy, tôi cũng không để tâm. Một ngày nào đó, tôi sẽ tới Saint Peterburg, Moskva hay Orenburg thăm những người bạn tôi đã quen. Tôi sẽ tới ngắm trời biển Kaliningrad còn phảng phất những nét xưa cũ của Phổ quốc huy hoàng xưa kia mà nay đã thuộc về đất Nga. Tôi sẽ đi, đi và viết, cho thỏa những năm tháng mơ mộng này …
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Bài thơ này là do em sáng tác và nhờ cô giáo dạy tiếng Nga dịch sang tiếng Nga ạ
Большое спасибо за честный ответ!
На мой взгляд, можно поставить оценку "Хорошо" автору стихотворения на вьетнамском языке, а в сочетании с переводом на русский, которого ваша учительница является инициатором, в целом данное произведение можно считать отличным с небольшим минусом. (Это лишь мое личное мнение).
 

Anthony Thong Nguyen

Thành viên thường
32 - Open at the close - мыс Тобизина

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 32:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Viễn Thông
Năm sinh: 1988
Đã sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok
Hiện tại sống và giảng dạy tại Sài Gòn.

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Open at the close. Một cụm từ chợt đến từ cuốn sách mê đắm thuở thiếu thời gợi cho mình đặt tên chuyến hành trình.
Quá nhiều xúc cảm cho chuyến đi lần này. Đây chẳng phải là một chuyến đi nghỉ sang trọng tiện nghi đầy đủ, cũng chưa tới mức nguy hiểm ngặt nghèo đến tính mạng cho cam. Đối với mình, đây chẳng phải lần đầu tham gia mạo hiểm chịu chơi.
Một lần nữa, theo tiếng gọi của bản năng. Sợ gì không thử.
Mình. Một mình. Sinh viên Việt Nam duy nhất. Không hẳn là cô đơn. Nhưng nhiều khi nói chuyện với những người hoàn toàn xa lạ dễ chịu hơn gấp bội.
Chuyến đi kỳ này tưởng quen mà lạ. Quen vì nó chỉ ở ngay tại nơi mà mình đã sống hai năm nay. Đảo Russky thân thương. Lạ vì đó là hòn đảo rất rộng, trải dài miên man. Phần trường mình chỉ chiếm diện tích nhỏ. Đảo còn khá hoang sơ, chưa có nhiều người ở.
Đoàn điền dã gồm thành viên nhiều quốc gia tụ họp lại, chủ yếu là sinh viên nước ngoài ở FEFU. Bắt đầu từ ngôi trường thân thuộc, cả đám vừa đi vừa chờ xe bus tới điểm xe còn chạy được. Chờ đợi trong vô vọng, cả bọn đi bộ ven đường cao tốc hơn hai tiếng. Một chiếc xe bus cuối cùng cũng đi ngang. Run for life. Lũ trẻ ríu rít cuống quýt gọi xe dừng lại. Để rồi những nụ cười khi bước lên xe chợt tắt ngúm khi một bà già hành khách bỏ nhỏ :"Tụi bây lên xe bus chi nữa, xe sắp tới bến cuối rồi" :))
Thế là tới bến cuối, tận cùng của con đường. Từ đây không còn đường xá gì nữa, chỉ là đường rừng nho nhỏ len lỏi mà thôi.

Điểm đến đầu tiên là pháo đài đổ nát số 11. Không khí ẩm ướt và mịt mù trong hầm. Cảnh vật hoang tàn đổ nát như vốn dĩ nó phải thế.



Từ trên đồi cao vươn mắt ra xa ngắm nhìn khu rừng trải dài vô tận.

Tháng năm tới rồi tuy nhiên cây chỉ mới lấm tấm mầm xanh. Vẫn còn lưu luyến chút khô lạnh của mùa đông.

Trượt xuống một con dốc dựng đứng, cả bọn hút mình trong cánh đồng hoa vàng. Hoa tràn ngập lối đi. Con người ta dường như thấy lòng dịu lại gần với thiên nhiên hơn. Ngay cả những bạn mình cảm thấy bặm trợn nhất, giang hồ nhất, thô tục nhất dường như cũng cảm nhận được vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên.

Cánh đồng hoa vàng tiếp bước theo đường rừng, để rồi những sắc hoa trắng muốt hay xanh nhạt cũng chen chân vào kheo sắc.

Con suối nhỏ chưa có nước, vẫn còn chìm ngập trong đám lá thu mục rữa. Đám cỏ mọc dại đã trồi lên xanh um, tạo nên cảnh sắc khác lạ mình chưa từng thấy bao giờ, đó chỉ là loại có xanh, nhưng mọc trên chính đám cỏ khô năm ngoái của chúng; trông xa như một bó hoa cô dâu xanh mướt.



Đến bờ biển, vịnh nhỏ và dài. Nước trong vắt khá lạnh. Từ đây bước qua cánh đồng có khô ngút ngát như đi giữa mùa hoa.

Một chốc, đến vực thẳm đầu tiên. Lúc này sương mù khá dày đặc, không khí se lạnh. Mình chợt nhớ đến những cảnh trong phim Hong Kong hồi nhỏ hay xem. Vực sâu vạn trượng. Chẳng thể phân biệt được sương hay nước từ dưới đáy vực cứ bay thốc ngược lên. Ai bảo nước bao giờ cũng chảy xuôi? Đến đây thì sẽ chứng kiến được ngay thôi.
Mình lại chợt nhớ đến hình ảnh của một nước Anh xa xôi, sương mù ẩm ướt quanh năm kèm với những bờ vực ven biển mang sắc thái u ám.

Đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình, vô sâu hơn, xa hơn.

Cảnh tượng ngoạn mục. Dốc đá cheo leo dựng đứng. Khi tưởng bãi đất trống khá rộng là kì thực là đỉnh một ngọn đồi đá, xung quanh nước gào thét bao bọc chiếm lấy. Bãi đá sắc nhọn nhìn từ trên cao xuống hóa ra lại hiền dịu như những bờ vỉa đá quên nhà.
Điểm tận cùng của chuyến hành trình là một ngọn hải đăng nho nhỏ tự như chiếc cột đèn. Tất cả đều phấn khích như đã đạt một thành tựu gì đó.

Tạo sao không? Đi đến đây, khám phá tới đây, nhảy lên những tảng đá tận cùng trước khi chạm tới biển bao la và vô tận là một chiến tích ấy chứ. Đó không phải là một chiến thắng vĩ đại to lớn mang tầm vóc thế giới. Đó là chiến thắng chính bản thân, vượt khó khăn thử thách vượt qua giới hạn của chính mình.

Đối với mình đây là sự chuẩn bị cho một kết thúc, nhưng lại khởi đầu cho chuyến hành trình khác.



 

Anthony Thong Nguyen

Thành viên thường
33 - Day of Pride - Труд - Một ngày hội

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 33:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Viễn Thông
Năm sinh: 1988
Đã sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok
Hiện tại sống và giảng dạy tại Sài Gòn.

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Đã từng trải qua bao cuộc hội hè. Sang trọng có, dân dã có, đông đúc hàng ngàn người ở ngoài phố có, tĩnh lặng vài chục người phòng hội nghị khách sạn cũng có, chào đón ca sĩ thời thượng cũng đã, rước thánh lễ, đón Phật ngọc cũng từng. Tưởng chừng như đã nếm qua đủ đầy những không khí lễ hội. Thế nhưng...

Ngày một tháng năm luôn đem lại trong mình cảm giác khá rộn ràng đầy tự hào.

Khác hẳn những lễ hội hoành tráng có phần màu mè tô vẽ ở quê nhà. Ngày này ở Nga là một ngày hội toàn dân thật sự. Người người ra đường, nhà nhà xuống đường.

Đó là ngày dành tặng người dân bình thường nhất. Không phải ca sĩ nổi tiếng ghé thăm, không phải là ngày lễ quân đội súng ống rầm rộ. Đó chỉ đơn giản là ngày tôn vinh sự lao động của họ. Ngày của mọi tầng lớp, công ty, đoàn thể.

Niềm tự hào có thể được thể hiện cầu kì qua những khẩu hiệu, vật trang trí to đùng đầy màu sắc. Thế nhưng đôi lúc chỉ đơn giản là chiếc áo in logo nơi công ty họ làm việc. Mỗi thành viên tham gia đoàn diễu hành thể hiện bộ mặt của công ty đó. Không chắc họ có lương cao, được đãi ngộ tốt, thế nhưng khi nhìn những khuôn mặt rạng rời đầy tự tin của họ khi hô vang khấu hiệu đoàn thể của mình, đoan chắc họ cảm thấy hạnh phúc mình có ích cho bản thân cho xã hội cho nước Nga thân yêu.


Tham dự lần một tháng năm này, không biết bao chừ gặp lại, và nếu có "trở lại Volga" thì có sẽ ở nơi Vladik thân yêu này không? Thật tâm trạng lẫn lộn
năm nay khá vui, mình không bỏ lỡ dịp này. Lại đi cùng vài bạn trẻ. ( nói vậy thui chứ mình cũng trẻ). Tạm gọi truyền nhiệt huyết cho chúng vậy. Suy cho cùng càng chia sẻ thì càng nhận được thêm mờ.



Sau khi đi diễu hành, một đám đi quanh đại lộ bờ biển yêu thích của mình. Nhẹ nhàng mà tinh tế. Không có cảnh chen lấn. Tất cả sống động một cánh nhịp nhàng không hỗn loạn. Mùi thịt nướng thoang thoảng bên cạch sự tươi mát của những cây kem mùa hè. Vài đám nhạc công già chơi những điệu disco xập xình thời hoàng kim những năm 70-80. Chú chàng khác trẻ người một góc cách xa gào thét những bản nhạc rock. Có hề chi, mỗi người có lực lượng khán giả chăm chú của riêng mình. Mà điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến mấy chú nhóc hai ba tuổi nghịch cát dưới bờ biển kế bên.
Thế đây, kết thúc ngày lễ thật đời. C'est la vie!
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Ngày hôm qua như trong giấc mơ Bao xa cách chỉ như một chớp mắt Bài ca ngọt ngào tìm quá khứ Vẫn chưa vơi trên đôi bờ môi Và cơn mưa nơi đâu đã đến muốn xoá mờ bao vết chân năm tháng Hạt mưa buông trong đôi mắt em Và anh đã uống trên môi ...Còn nguyên dấu vết bên nhau ta sống những tháng năm qua...Một ngọn nến thắp lên, vẫn cháy trong bão giông... Và còn mãi cháy sáng trong đời... Mãi cháy sáng lung linh màu... Bên nhau ta sống những tháng năm qua ...Một tình yêu đã trao trong hơi thở vẫn ấm... Và còn nguyên trong trái tim ta ...Ngày hôm qua ...
 

tronglac256

Thành viên thường
34 - Mátxcơva và tình yêu nước Nga

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 34:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Trọng Lạc
Năm sinh: 1997
Nơi học: Học viện Ngoại giao – Hà Nội.
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.​
Chúng tôi đến Mátxcơva lúc năm giờ sáng.

Đoàn tàu xuất phát từ tây Xibia đã tiến sâu vào màn sương giá lạnh vốn có của mùa Đông trên đất nước Lênin. Ngồi bên cạnh tôi là một người lính khoác áo ca-pốt cũ, chiếc mũ kê-pi với cái tán đã mòn qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Những tia nắng mảnh mai đầu tiên đã le lói phía chân mây, sưởi ấm dãy Dvenhigôra trong trang sách nào đó của Anatôli Ivanốp mà tôi từng đọc.

Tàu dừng ở một ga xép trong thành phố, tôi bước đi trên con đường nhỏ hướng về phía quảng trường. Quảng trường Đỏ hôm nay thật đẹp, những người Nga cho hai tay vào túi, chậm rãi bước đi trong không khí trong lành buổi sớm, chốc chốc lại hà hơi, xoa lòng bàn tay vào nhau cho ấm, chiếc bóng nhỏ cố sức vươn dài ra xa mãi, như một tâm hồn Nga luôn khát khao tiến lên phía trước.

Nhâm nhi một chút Vốtka ấm nóng trong quán trọ bên đường, tôi nhớ về nước Nga Xô viết…
Sinh ra bên dòng sông Vônga hiền hòa, tôi đã gắn bó như máu thịt với quê hương của Lênin yêu dấu. Trong tiềm thức của một đời người, Vôngagrát hiện lên êm đềm và lặng lẽ. Nơi ấy, bên ấm Xômôva sôi sùng sục trên bếp lò, người Nga chia nhau từng mẩu bánh mì đen làm từ đại mạch; nông trang “Bông lúa đỏ” với những con người làm việc hăng say luôn vang lên tiếng cười từ lúc gieo hạt đến ngày thu gặt. Người Nga yêu lao động như chính nguồn sống của mình, và sẽ không ngừng lao động chừng nào họ còn sống. Đến với nước Nga là đến với thế giới không chia đẳng cấp, con người gắn bó với nhau không chút toan tính, sau tất cả là tình người chân thành. Tình yêu ấy đã kết tinh thành trái tim của một dân tộc hiền lành, một dân tộc đã cho tôi sống những tháng ngày đầu tiên của cuộc đời trong tình người vĩnh cửu.
Tình yêu nước của dân tộc Nga, như Ilia Êrenbua, là “yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.”

Lòng yêu nước của người Nga không bao giờ cạn, bởi lẽ nó như “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô Viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điểu giản dị này: "Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?".
Vâng, “Mất nước Nga thì ta còn sống làm chi nữa”. Dưới chân tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi”, tôi đã hơn một lần rơi nước mắt khi nhớ đến cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhớ đến những người lính Nga chân chính đã bỏ lại sau lưng gia đình, làng mạc, mang theo một lòng căm thù và quyết tâm cháy bỏng: “Tôi có một lòng căm thù không đội trời chung với quân Đức vì tất cả những điều chúng đã gây cho Tổ quốc và cho tôi, nhưng đồng thời tôi cũng có một lòng thương yêu tha thiết đối với nhân dân. [...] Nếu như tình yêu đối với Tổ quốc được ấp ủ trong tim chúng tôi và sẽ được ấp ủ đến khi nào trái tim ngừng đập, thì lòng căm thù đối với quân giặc luôn luôn được chúng tôi mang trên đầu lưỡi lê" (Sô-lô-khốp). Đó chính là một tình cách Nga mà tôi hằng khâm phục.

Ấy là giấc mơ của tôi, giấc mơ thường trực trong những đêm thức trắng. Nước Nga Xô viết không còn nữa, nhưng những chân lý nó để lại sẽ luôn là điều bất biến. Nỗi trăn trở luôn nổi lên trong lòng tôi khi mỗi đêm, trằn trọc, mình đã làm được gì cho Tổ quốc, để khỏi hổ thẹn với chính bản thân mình, và với người lính Nga tôi gặp trên tàu hỏa?

Tôi nán lại Mátxcơva vài ngày nữa.

Từ biệt nước Nga, mang theo mặt trời Nga, tôi lên đường tiếp tục tìm về những chân trời mới.
 

Hungvudinh

Thành viên thường
:v cũng vẫn là nỗi lo thất nghiệp. Không phải mỗi chị học tiếng nga mà lo thất nghiệp đâu, thiên hạ học ngành khác cũng lo thất nghiệp chị ạ. Thất nghiệp hay không đâu phụ thuộc vào gì chị học, nó phụ thuộc vào các chị học cơ.
- Nếu có làm phật lòng chị thì chị bỏ qua cho e :)
E rất đồng ý với anh ở điểm này. Và đối với e thì không có quyết định đúng hay sai, mà chỉ là chúng ta sẽ làm gì sau khi quyết định điều đó.
 

Danngoc

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Càng suy ngẫm, tôi càng thấy, chế độ là nhất thời, dân tộc mới là vĩnh viễn. Đó là chân lý. Dân tộc Nga, văn hóa Nga, con người Nga là mãi mãi.

Dân tộc là một khái niệm mới xuất hiện vào thế kỷ 19 thôi, nên khó khẳng định là chân lý được bạn ạ.
 

hungledn

Thành viên thường
Dân tộc là một khái niệm mới xuất hiện vào thế kỷ 19 thôi, nên khó khẳng định là chân lý được bạn ạ.
Thưa bác, nếu hiểu dân tộc là một cộng đồng người có chung nền văn hóa, ngôn ngữ, nguồn gốc...thì khái niệm bác đã chỉ ra có thể phải bàn thêm đôi chút ? Ở đây, tôi muốn nói, chế độ nào cũng khó có thể tồn tại vĩnh viễn - tức là hết chế độ này rồi đến chế độ khác, song dân tộc thì vẫn thế, nó tồn tại mãi, phải không thưa bác ?
Cho nên, nói Liên Xô sụp đổ, ta hiểu là sụp đổ một chế độ, một mô hình nhà nước mà thôi. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, không phải sự sụp đổ nào cũng có hệ quả tiêu cực, phải không thưa bác ?
Xin cảm ơn bác và xin thứ lỗi vì hôm nay tôi mới đọc được ý kiến của bác.
 
Top