Nước Nga Trong Tôi 2015

sarich

Thành viên thường
Tôi viết note này, nói đúng hơn là bức thư này tặng cho một người bạn – người đã ở cùng tôi 5 năm khi tôi còn học bakalavp ở Tambov – một thành phố nhỏ nằm cách Moscow hơn 450km về phía đông nam, nhân dịp tôi về thăm thầy, thăm các bạn trong dịp năm mới 2016 vừa qua, cũng chính vào đêm sinh nhật tôi tròn 25 tuổi.

Vì tôi nhớ cậu ấy và tôi biết cậu ấy cũng nhớ tôi, nhớ thành phố ấy, nhớ quãng thời gian tuổi trẻ đẹp nhất của thời thanh xuân đã qua..

Tôi đã về và đi đến những nơi chúng tôi từng đến, để kể cho cậu ấy nghe về những kỉ niệm chúng tôi đã cùng trải qua. Tôi biết viết như vậy sẽ nhiều người không hiểu, nếu như họ không sống ở đó, hoặc chưa từng ghé đến chơi. Nhưng tôi mong họ sẽ hiểu cảm xúc của tôi khi tôi viết những dòng này, mong những anh chị và các em đã và sẽ học ở đó hiểu những dòng này, rằng thành phố nhỏ bé ấy đã cho tôi quãng thời gian đẹp đẽ thế nào, để mỗi khi quay đầu lại, tôi lại thấy mình may mắn và bình yên vô cùng..

***
“Cậu à,

Tớ về thành phố mình từ lúc trời chưa hửng nắng. Không như mọi khi có bọn cậu, lần này mình tớ xuống tàu, hành lí vẻn vẹn có chiếc balo đen mà chính tớ cũng cảm thấy xa lạ.

Nhìn thấy đường tàu, nhìn thấy tuyết, thấy những con người, những con đường, tự nhiên tớ cười, nụ cười vì bình yên đầu tiên sau chuỗi ngày vừa qua.

Tớ nhớ cậu quá cậu à. Tớ đi qua những con đường mà mình đã từng qua. Tớ nhớ từng suy nghĩ trên từng đoạn đường mà tớ đã trải. Lần đầu tớ bước lên bus 18. Không chắc nó dẫn tớ đến đâu, nhưng tớ biết, ở thành phố của tớ, tớ sẽ không thể bị lạc thêm nữa.

Đêm qua trên tàu, tớ đã nghĩ ngày đầu tiên của tuổi 25 này sao mà chông chênh và nhẹ bẫng như thế. Tớ sẽ một mình như thế sao. Những gì tớ chọn đã dẫn tớ đi xa như thế sao..

Điểm đến đầu tiên của tớ là Rio. Nó rực rỡ hơn nhiều lúc bọn mình còn ở. McDonald vẫn ở đó. Nhưng không có cậu, tớ không thấy quen. Tớ muốn có cậu ở đây, cùng với tớ. Làm những chuyện mà mình vẫn làm..

Trời vẫn chưa sáng. Mùa đông mà. Tuyết rơi êm không in một dấu chân. Tớ chuyển bus. Đi qua con đường mà ngày trước tớ đã đi bộ. Đi qua cả Magnhit. Đi qua nơi mình đã đóng tiền mạng. Đi qua cả hàng tùng mà tớ vẫn yêu. Đến cây cột đèn, đến biển báo bus cũng làm tớ muốn đứng lại một chút. Tớ thấy bóng cậu bên cạnh tớ. Chờ tớ. Cậu chẳng bao giờ bỏ tớ lại phía sau..

Tớ đến Asan. Như 1 con dở quay máy chụp 4 phương. Nhưng mà sớm quá, ông bảo vệ không cho tớ vào. Lại là lần đầu tiên trong đời tớ đứng chờ ngoài trời tuyết -18 độ đến gần nửa tiếng. Cũng vui. Vì ít ra tớ biết tớ chờ đợi điều gì. Siêu thị thay đổi cũng nhiều. Tớ chẳng tìm được những gì tớ muốn mua. Bát 2 cái tai cũng không còn nữa. May mà mua đc 2 chai vang. Qua bao nhiêu thời gian mà tớ vẫn nhớ, vẫn nhận ra. Kì diệu thật đấy.

Trong ấy, nhiều cửa hàng chưa mở cửa. Nhiều cửa hàng đóng cửa luôn rồi. Nhiều thứ mình chẳng thể tìm lại được nữa.

Lại lên bus thứ 3 về ốp. Tớ đi qua Festival. Nó cũng chưa ngủ dậy. Tớ đi qua Uley – cái nơi đêm nào cũng nhấp nháy đèn dây mà tớ thích ấy. Nhưng đèn đuốc không còn sáng trưng. Thời kì rực rỡ nhất đã qua rồi. Tớ đi qua cả nhà thờ. Vẫn lạnh lẽo im lìm như những mùa đông đó.

Rồi tớ về với Okean. Đi qua cả hiệu thuốc mình vẫn mua tinh dầu. Đi qua cả chợ cóc, nơi mà cậu vẫn chiều tớ, mua mâm xôi mỗi khi tớ đòi ăn. Trường mình bên kia đường, đèn đóm im lìm mà tớ thấy sao xa xôi quá.

Tớ đi mua bút đấy, tận 21 cái :)))). Tớ định đi chụp ảnh thẻ nữa, mà hình như bà ấy chưa làm việc. Chỗ mình hay mua vòng ấy, nó vẫn thế chẳng khác gì.. Tớ đi qua cửa bên kia, mua một bàn cờ vua nữa.. Chẳng biết để làm gì vì tớ cũng chẳng biết chơi với ai. Tớ chỉ nghĩ những thứ tớ từng có thì tớ vẫn muốn có lại..

Chỗ qua đường ấy, vẫn thế cậu ạ. Đường về ốp ấy, cũng vẫn y nguyên. Chỗ mình chụp ảnh mùa thu ấy, vẫn ở đó, vẫn im lặng ở đó..

Giờ tớ về đây với một tâm thế khác. Không phải với sự háo hức của ngày nhập trường. Không phải sự xa cách vì khoảng cách của những điểm đến xa xôi. Tớ thấy như là sự trở về. Về với nhà của tớ. Của nơi nhẽ ra tớ phải thuộc về. Nhưng tớ ước cậu ở cạnh tớ lúc này. Giữa bao nhiêu thứ đổi thay, tớ ước tớ có một điều không thay đổi. Nhưng cậu không có ở đây..

Tớ đã nghĩ tối nay sẽ trôi qua êm đềm thôi. Vậy mà mọi người lại tổ chức sinh nhật cho tớ nữa. Cậu lại bày vẽ ra rồi :))))). Tớ biết cậu sẽ không để tớ phải tủi thân, nhưng mà cái tớ cần là sự hiện diện của cậu, là một cái ôm mà tớ có thể thực sự cảm nhận, cậu hiểu không..

Tớ nhớ cậu quá cậu à. Tớ nhớ khoảng thời gian ấy. Cậu ở cạnh tớ. Không cần nói nhiều. Mở mắt ra là thấy nhau. Nước mắt của tớ, nụ cười của tớ, đổi thay của tớ mình cậu chứng kiến. Cậu là người duy nhất biết lúc chạy ra khỏi nhà thì tớ sẽ đi đâu. Cũng là người duy nhất cứ thế đuổi theo tớ. Cậu là người duy nhất biết lúc buồn tớ làm gì, lúc say tớ làm gì. Cũng là người duy nhất giữ tớ bình tĩnh lúc tớ quên mất mình là ai..

Tớ nhớ cậu lắm cậu à. Tớ nhớ chúng ta. Tớ nhớ khoảng thời gian đã mất.
Còn tớ, tớ đã lạc đi quá xa..
Chào tuổi 25 của tớ. Chào cậu. Hẹn gặp lại cậu vào một ngày không xa. Cậu biết là tớ luôn chờ cậu. Cậu cũng hãy biết là tớ yêu cậu, yêu rất nhiều...

Min,
Tambov, 4/1/2015.
”​
Mùa hè vừa rồi tôi có ghé qua Tambop, thật bất ngờ Tambop đẹp và thanh bình như vậy ! . Tình cờ gặp một nữ nhà thơ...
 

Attachments

  • 3MG_0515-1.JPG
    3MG_0515-1.JPG
    3 MB · Đọc: 262
  • _MG_0517-1.JPG
    _MG_0517-1.JPG
    2.8 MB · Đọc: 259
  • _MG_0521.JPG
    _MG_0521.JPG
    3.4 MB · Đọc: 278

Do van Tien

Thành viên thường
16 - Đàn sếu - lời của R. Gamzatốp

Bài viết tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 16:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Đỗ Văn Tiến
Năm sinh: 1950
Nơi sống: Thành phố Quy Nhơn – Việt Nam.


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Журавли – слова Р. Гамзатова
Мне кажется порою, что солдаты,
С кровавых не пршедшие полей,
Не в землю нашу полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей.


Они до сей поры с времён тех дальних
Летят и подают нам голоса.
Не потому ль так часто и печально
Мы замолкаем, гладя в небеса.


Летит, летит по небу клин усталый,
Летит в тумане на исходе дня,
И в том строю есть промежуток малый,
Быть может это место для меня.


Настанет день, и с журавлиной стаей
Я поплыву в такой же сизой мгле,
Из-под небес по-птичьи окликая
Всех вас, кого оставил на земле.


Мне кажется порою, что солдаты,
С кровавых не пршедшие полей,
Не в землю нашу полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей…
Đàn sếu - lời của R. Gamzatốp
Hình như chiến tranh đã qua rồi, còn đâu những người lính
Từ trận quyết chiến đã ra đi từ năm ấy,
Nằm dưới đất sâu chẳng biến mất đâu,
Mà xác đã hóa thành sếu trắng bay ngang trời.

Từ đó đến nay đàn sếu vẫn bay ở mãi xa,
Chúng cất tiếng hót ríu rít kêu gọi ta.
Phải chăng hay thấy lúc sững sờ lúc bơ vơ
Ngước mắt lặng yên, ngắm mãi phương trời xa.

Bay mãi, bay mãi tận cuối trời đàn chim trông rã rời,
Xuyên suốt màn sương rơi, trong ánh sáng hoàng hôn,
Và giữa đàn chim kia còn chỗ trống nhỏ nhoi,
Là chỗ có lẽ dành cho ta rồi.

Rồi đến ngày mai đây, cùng với đàn chim nhà sếu kia
Sải cánh vượt lên khoảng tối màn đêm đen,
Tận trời cao vút cất tiếng chim kêu vang
Nhắn tất cả ai, còn đó dưới trần gian.

Hình như chiến tranh đã qua rồi, còn đâu những người lính
Từ trận quyết chiến đã ra đi từ năm ấy,
Nằm dưới đất sâu chẳng biến mất đâu,
Mà xác đã hóa thành sếu trắng bay ngang trời...

Đỗ Văn Tiến dịch để dự thi 17/01/2016.
 

Lê Thị Thu Thanh

Thành viên thường
17 - Nước Nga đến với tôi qua những trang sách

Bài viết tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 17:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Nơi sống: Triệu Phong - Quảng Trị - Việt Nam
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Nhắc đến nước Nga làm gợi lại trong tôi bao nhiêu những tên tuổi, những câu chuyện, những bộ phim, những thành phố với những công trình kiến trúc độc đáo, văn hóa, con người và ngôn ngữ nơi đây. Lần đầu tiên tôi biết đến nước Nga qua lời kể của bố tôi về cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của một nhà văn rất nổi tiếng của Nga là Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki. Âm hưởng về chàng Pavel Ca-rơ-sa-ghin dũng cảm, tài năng, một chiến sĩ cách mạng đậm chất Nga ấy đã gây ấn tượng mạnh trong lòng tôi và kể từ đó tôi bắt đầu muốn tự mình khám phá nhiều điều hơn nữa về đất nước và con người nơi đây. Phương châm sống của Pa-ven cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pa-ven:“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.....”

Tôi nhớ những cuốn sách văn học đầu tiên tôi được đọc là: Thời thơ ấu, Những trường đại học của tôi, Kiếm sống ( M. Gorky ), Suối thép (A.Xêraphimôvits ), Những linh hồn chết ( N.V. Gogol ), Người con gái viên đại uý ( A. Pushkin ), Người anh hùng của thời đại chúng ta ( M. Lermontov ), Chuyện chú bé đánh trống (A.P. Gaidar ), Cánh buồm đỏ thắm ( A. Grin ), Con đường đau khổ ( A. Tolstoi ) và một số tác phẩm của các nhà văn Xô-viết mà giờ đây tôi không còn nhớ tên tác giả.

Sau này lớn lên, tình yêu nước Nga lớn dần trong tôi qua những tác phẩm văn học của một số nhà văn nổi tiếng là: Chiến tranh và hòa bình (N.L Tolstoi)- tiểu thuyết xuất sắc nhất ; Bút ký người đi săn ( I.S. Turgeniev )- tác phẩm du ký xuất sắc nhất ; Sông Đông êm đềm ( M.K. Solokhov )- tiểu thuyết hoành tráng nhất ; Taras Bulba ( N.V. Gogol )- tiểu thuyết bi tráng nhất ; Đất vỡ hoang ( M.K. Solokhov )- tiểu thuyết khôi hài nhất; Chuyện núi đồi và thảo nguyên ( T. Aimatov )- tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ nhất ; Evgeni Onegin (A.S.Pushkin )- trường ca hay nhất v.v...

Qua những tác phẩm văn học đó tôi hiểu và thương cho từng số phận nhân vật như thương Anđrây Xô-cô-lốp trong “ Số phận con người” của M. Solokhov là chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã tham gia chống phát xít trong thế chiến thứ hai, khi trở về thì thương tích đầy mình. Va-ni-a, chú bé mồ côi cha mẹ chết vì chiến tranh, cũng đang lang thang đói rách. Xô-cô-lôp nhận bé làm con nuôi. Số phận con người của M. Solokhov đã khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến số phận của từng con người cụ thể sau chiến tranh. Tác phẩm đã khẳng định một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh mất mát, không say với chiến thắng mà biết cảm nhận chia sẻ những đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Từ đó mà tin yêu hơn đối với con người. Số phận con người khẳng định sức mạnh của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực con người. Tất cả những điều đó sẽ nâng đỡ con người vượt lên số phận. Tác phẩm khám phá và ca ngợi tính cách Nga, đó là sự cứng rắn ý chí kiên cường có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tâm hồn nhân hậu sâu sắc.

Tôi đã miệt mài đọc những cuốn sách đó mê mẩn, chim đắm vào thiên nhiên, phong cảnh, xã hội Nga thời phong kiến Sa hoàng, rồi lại sục sôi cùng bầu không khí cách mạng tháng Mười Nga cùng sự khốc liệt bi tráng của chiến tranh thế giới thứ 2, khi nhân dân Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại chủ nghĩa phát-xít. Với một tâm trạng như vậy, tôi đã biết thích mẫu nhân vật có chất anh hùng, kiểu như vị công tước Andray Ponkonsky ( Chiến tranh và hòa bình ), Olech Cosevoi và những thanh niên kôm-xô-môn ( Đội cận vệ thanh niên), chú bé đánh trống v.v...

Tuổi trẻ học đường chớm yêu đương mong manh biết hương vị của tình yêu đôi lứa toát ra từ những nhân vật, những cuốn sách văn học Nga vốn luôn thấm đẫm tình người. Những tình cảm đó len lỏi trong trái tim nhiều người, ít nhiều dẫn dắt họ đến với thứ tình cảm tự nhiên đầy hấp dẫn với tuổi mới lớn, tình yêu nam nữ, mối tình đầu... cũng từ những tác phẩm Mối tình đầu của Turgeniev, Anna Karenina của L. Tolstoi, Bông hồng vàng của Paustovski, là Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Aimatov, là thơ Pushkin và Lermontov .v.v...

Văn học Nga - Xô-viết đã chinh phục nhiều thế hệ người Việt Nam, trước tiên là bởi tình cảm với quê hương Cách mạng Tháng Mười, với đất nước của V.I.Lenin, sau nữa là vì chính sự xuất sắc của nền văn học đó.Vào thời ấy, hết thảy những ai yêu văn học, ở độ tuổi học trò rồi sống đời sống sinh viên, hoặc ra mặt trận, đều mang trong lòng tình cảm và hình bóng một vài nhân vật hay tác phẩm văn chương Nga - Xô-viết. Ngày ấy, những tác phẩm thắp lên bầu nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam và trở thành cẩm nang gối đầu giường là những Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, Trong chiến hào Stalingrad.


Cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước. Nhà văn Xô Viết Ilya Êrenbua gọi Thép đã đã tôi thế đấy là 'thánh kinh mới” của thanh niên Xô Viết. Bà mẹ của nữ anh hùng Dôi-a đã từng cổ vũ cả một thế hệ thanh niên thế giới chống phát xít trong đại chiến thế giới lần thứ hai, cho biết: "Thép đã tôi thế đấy là sách gối đầu của con tôi". Ở nhiều nước dân chủ nhân dân, Thép đã tôi thế đấy được xem là một tài liệu học tập của Đoàn thanh niên. Năm 1954, đầu tiên ở Việt Nam, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xô Viết Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki “Thép đã tôi thế đấy” được dịch sang tiếng Việt. Thời gian ấy, trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ của chúng ta đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm này với cái tên “Luyện thành gang thép”. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành người bạn thân thiết, bạn đồng đội và kỷ niệm không thể phai mờ. Và trong suốt 50 năm qua, tác phẩm này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh yêu nước lâu dài, phần lớn thanh niên Việt Nam đã được trải qua nhiều cảnh ngộ mà Pa-ven đã sống. Năm năm chống phát xít Nhật- Pháp, chín năm chống xâm lược Pháp- Mỹ, một thế hệ thanh niên đông đảo nhất đã chọn con đường của Pa-ven. Nhiều thế hệ cha anh của chúng ta đã nếm tra tấn, khủng bố của nhà tù đế quốc như Paven. Trong những vùng sau lưng địch, nhiều người hy sinh bất khuất trước quân thù như Va-li-a. Trên các chiến trường Việt Nam, biết bao Xê-ri-ô-gia đã bỏ mình và hàng vạn Giắc-ky sinh sôi nẩy nở. Dưới sự lãnh đạo của Hồ chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cùng những chiến đấu của Pa-ven, những gian khổ của Pa-ven, cùng do một tình cảm cách mạng như Pa-ven mà phấn đấu. Chúng ta cảm thấy Pa-ven rất gần với mình. Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết:"Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng...". Hay trong Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin trong "Thép đã tôi thế đấy".

Thép đã tôi thế đấy là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như cuốn thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục học tập và làm việc, dạy chúng ta biết yêu biết ghét một cách chính xác và sâu mạnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho chúng ta một quan niệm về tình yêu trong sáng, truyền cho chúng ta lòng ham sống và biết sống có lý tưởng. Thép đã tôi thế đấy được sáng tác trong thời kì của những cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra hết sức dữ dội trên thế giới, thời kì mà lý tưởng là nguồn sống, là sức mạnh đối với rất nhiều thanh niên trẻ trong xã hội, cả Liên Xô, Việt Nam, hay tất cả những thanh niên tiến bộ trên toàn thế giới. Những tấm gương sáng đầy nghị lực và tinh thần hi sinh ấy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!Thời thế thay đổi, con người đổi thay, vậy Pavel có còn trong lòng thanh niên chúng ta? Hi vọng rằng qua cuốn sách này sẽ tìm thấy những thông điệp đầy sức thuyết phục về xác định lẽ sống đẹp, sống có ích cho mọi người. Sống là để yêu thương và dâng hiến, đó chính là giá trị đích thực của lẽ sống, của con người trong thời kì mới.

Tôi nhớ, văn học Nga - Xô-viết đã làm nên những hiện tương xã hội, những trào lưu nho nhỏ. Ví như, Thép đã thôi thế đấy, đã thôi thúc nhiều nam thanh niên viết đơn tình nguyện ra mặt trận ( thậm chí đã có người cắt tay lấy máu mình để viết đơn ) ; Bài thơ Đợi anh về của K. Ximonov qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu làm nhiều người xúc động, dám hy sinh mà không bi lụy.

Có thể nói chính họ, những nhà văn, nhà thơ ấy, họ quả là tài tình khi đã biết khơi gợi vào trí tò mò và sức tưởng tượng không giới hạn của một con người mà chưa từng đặt chân tới mảnh đất này. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá văn hóa của đất nước họ đến với thế giới giúp thế giới hiểu hơn về đời sống, phong tục, tập quán cũng như tư tưởng của người dân Nga. Qua những áng văn giúp tôi có cái nhìn sâu hơn thân phận từng con người ở nước Nga qua các giai đoạn lịch sử. Nền văn học Nga là một trong những nền văn học xuất sắc nhất thế giới vào thế kỷ XIX, XX đã có những đóng góp lớn vào kho tàng văn minh nhân loại. Văn học Nga –Xô viết không những dẫn dắt tôi đến lòng yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, hơn thế còn thắp lên trong tôi sự khát khao của sáng tạo.
 

Lê Thị Thu Thanh

Thành viên thường
18 - Pushkin - nhà thơ lớn của nước Nga

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 18:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Nơi sống: Triệu Phong - Quảng Trị - Việt Nam
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Ông được xem là"khởi đầu của mọi khởi đầu"(Gorki), là "nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga" (Bielinxki), là"con người của tinh thần Nga" (Gôgôn). Ông chính là Puskin- mặt trời của thi ca Nga. Dường như lịch sử nước Nga đã lựa chọn để trao cho Puskin một sứ mệnh thiêng liêng vĩ đại: Tổng kết sự phát triển của toàn bộ văn học Nga trải qua 8 thế kỉ, đồng thời khai phá những đỉnh cao chói ngời nhất, đưa văn học Nga trở thành những trang vàng rực rỡ nhất của văn học thế giới, làm cho các châu lục phải ngoái nhìn kinh ngạc, thán phục và mến yêu. Với cuộc đời sóng gió và ngắn ngủi, Puskin đã kịp làm cho nước Nga biết bao kỳ tích, ông đã thắng dây cương cho cỗ xe tam mã Nga phi những nước đại đáng kinh ngạc, điều mà ở các nước khác người ta phải đi hàng trăm năm và sức lực của nhiều người, nhiều thời gian cộng lại cũng không dễ gì làm nổi.



Nhắc đến Puskin, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến ông với tư cách là một nhà thơ. Cuộc sống bình thường xung quanh là đối tượng của thơ Puskin. Trong thơ ông có bông hoa ép bị lãng quên, có tiếng hót của con chim sơn tước, có bầu trời "thoang thoảng hơi thu", có "con đường mùa đông" tuyết phủ trắng một nỗi buồn khắc khoải, lại có cả những gì rất đỗi bình dị thân thương như túp lều tranh, đống rạ, tấm lưới dân chài…Hơi thơ của Puskin vô cùng độc đáo, nó tràn ngập hiện thực, nó không rắc phấn hồng lên cuộc sống mà miêu tả cuộc sống trong vẻ đẹp tự nhiên chân thật của nó. Đặc biệt Puskin được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu. Ông viết những bài thơ tình yêu rất dễ thương cho những người đang yêu. Rất nhiều bài thơ tình của Puskin đã được các thế hệ nhạc sĩ nổi tiếng của Nga chọn để phổ nhạc, vẫn còn vang động như những “khúc dân ca mới” làm nên sự bất tử của thơ ca.

Puskin trước hết là một nhà thơ, nhưng ông cũng sáng tác cả văn xuôi ở mức độ hoàn thiện không thể so sánh được. Đến với thơ ca, dẫu sao Puskin đã có những bậc thầy dìu dắt, còn trên lĩnh vực mới mẻ này ông phải tự mình khai phá những bước đi gần như đầu tiên. Ông được coi là người đặt những viên đá tảng cho nền móng mới mẻ và vững chắc của thể loại, là người cày những luống cày đầu tiên trên mảnh đất hoang sơ của văn xuôi Nga cuối thế kỉ XVIII.Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Và tập sách này là một minh chứng cụ thể cho những sự sáng tạo đó. Lịch sử Nga sẽ mãi mãi ghi công người sáng tạo nên ngôn ngữ Nga văn học hiện đại- một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, sinh động, thuần khiết hơi thở Nga, tâm hồn Nga. Theo lời Bielinxki, thơ ca Nga trước thời kỳ Puskin sáng tác là "một thứ cây được bứng từ nơi khác, chứ không phải là giống cây bản địa" thứ cây chỉ có cành lá mà không có gốc rễ và tư tưởng. Puskin đã đem đến cho nó cội rễ và tư tưởng, tinh thần và khí chất Nga, biến nó thành thứ cây bản địa.

Trước Puskin, nhiều ý kiến cho rằng thi ca Nga chỉ có thể viết bằng loại ngôn ngữ Xlavian (ngôn ngữ dùng để dịch Kinh Thánh). Puskin chứng minh khác hẳn: Thơ ca Nga có thể và cần phải dệt bằng ngôn ngữ nói thường ngày hết sức sống động, giản dị, trong sáng và hàm súc của nhân dân. Ông đã hoà quyện tuyệt vời hai dòng văn học vốn tồn tại tách bạch hàng bao thế kỉ nay ở Nga là văn học dân gian và văn chương bác học, xóa đi khoảng cách giữa "ngôn ngữ cao quý" và "ngôn ngữ thấp kém". Trong các tác phẩm Người da đen của Piốt đại đế, Tập truyện ông Ivan Pêtơrôvich Benkin đã quá cố, Đôbrốpxki, Con đầm pích, Người con gái viện đại úy..., nhà văn đã bỏ lối miêu tả rườm rà, dẫn dắt mà chỉ lựa chọn những từ ngữ ngắn gọn, chính xác điều này thể hiện rõ ở ngay phần mở đầu của các tác phẩm.

Đề tài và nhân vật trong văn xuôi Puskin khá đa dạng. Khác với văn xuôi đương thời và các giai đoạn trước chỉ chú ý đến đời sống của tầng lớp quý tộc cung đình với những sinh hoạt xa hoa, trụy lạc hay những mối tình lãng mạn của những “chàng”, “nàng”, Puskin gắn sáng tác của mình với thực tế sôi động, với số phận của những con người thuộc lớp dưới của xã hội. Đồng thời, nhà văn khai thác đề tài lịch sử và những biến cố bước ngoặt ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. Trong truyện Rô-la-liép, nhà văn lấy bối cảnh nước Nga những năm đầu thế kỷ XIX mà trung tâm là cuộc chiến tranh 1812. Thông qua câu chuyện tình của một cô gái quý tộc Nga với một sĩ quan Pháp, Puskin phân tích tính cách bợ đỡ mù quáng của giới quý tộc cung đình Nga đối với phương Tây và thói háo danh vô liêm sỉ của chúng đối với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần anh dũng của nhân dân Nga.Trước cảnh Matxcơva bị thiêu cháy, nhân vật Pôlia tự hào nói rằng: “... ta có thể tự hào rằng mình là một người Nga! Thiên hạ sẽ phải sửng sốt vì sự hy sinh lớn lao này!Bây giờ thì dù cho chúng ta có suy tàn, tôi cũng không sợ nữa, danh dự của chúng ta đã được cứu vãn. Không bao giờ Châu Âu còn dám đối chọi với một dân tộc đã tự mình chặt đứt cánh tay của mình, tự đốt cháy kinh đô của mình”.

Quan tâm đến những vấn đề lịch sử, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII là động lực thúc đẩy Puskin viết Người con gái viên đại úy.Trong tác phẩm dòng đời và dòng lịch sử chảy hoà vào nhau một cách tự nhiên, mạch truyện linh hoạt và liên tục, đâm đà phong cách dân gian. Puskin đã xây dựng nên hình ảnh đầy chất hiện thực và huyền thoại về người anh hùng áo vải Êmiliên Pugatsốp, vừa bình dị hoà đồng như đứa con đẻ của nhân dân, vừa hào hùng khí phách như tráng sĩ Nga trong truyện cổ.

Một mảng hiện thực sinh động trong văn xuôi Puskin là viết về những “con người nhỏ bé”, những viên chức nghèo, những người làm nghề lương thiện, những tiểu thư nông dân có cuộc sống bấp bênh và công việc nặng nhọc. Trước Puskin "con người nhỏ bé" đã có mặt trên trang văn học Nga, nhưng đó là những con người được nhìn từ cặp mắt thương hại, thái độ quan tâm hời hợt của kẻ bề trên ban ơn xuống, hoặc được rắc phấn hồng che đi ranh giới, mâu thuẫn với những kẻ quyền quý cao sang. Puskin đã thực sự đưa ra được hình tượng hết sức chân thực về "con người nhỏ bé" với một thái độ trân trọng, đồng cảm.
Truyện Người quản trạm nhà văn kể về số phận trớ trêu, gian khổ của Xamxôn Vưrin. “Con người nhỏ bé”, lương thiện và cần mẫn ở trạm giao thông heo hút trên đất Nga này bị lăng nhục thậm tệ và người con gái duy nhất của ông đã bị lừa đi theo một hành khách đểu cáng. Viết về những con người này Puskin không hề tô vẽ, nội tâm và chân dung bên ngoài của nhân vật cứ hiện ra chân thật, tự nhiên, rõ nét. Puskin chân thành chia sẻ công việc, ước mơ, cảm thương sâu sắc cho những số phận nghiệt ngã của con người thuộc tầng lớp dưới, thể hiện lòng căm giận những bất công ngang trái ở đời.

Ngoài ra hình tượng Con người thừa là đóng góp đáng kể của Puskin cho văn học Nga và thế giới. Với hình tượng này nhà văn đã vẽ nên chân dung chân thực, sống động của một lớp thanh niên thời đại- một kiểu sản phẩm tất yếu của điều kiện xã hội lúc bấy giờ, dự báo những tính cách mới sẽ phát triển. Đây là điểm mới của văn xuôi Puskin, là sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn. Trong văn xuôi Puskin, đặc biệt là truyện ngắn thường có kết cấu ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ. Sự ngắn gọn về hình thức và ngôn từ nhưng không ngắn về nội dung phản ánh. Các truyện của Puskin đưa người đọc tiếp xúc ngay với câu chuyện qua lời văn tự nhiên, cô đọng, tạo ra sự suy nghĩ, liên tưởng độc đáo về con người và sự việc.Cách dẫn truyện và giới thiệu nhân vật, địa điểm, thời gian một cách cụ thể, chính xác đã làm tăng giá trị chân thực của tác phẩm. Các truyện ngắn Người quản trạm, Đubrốpxki và nhất là Con đầm pích thật sự trở thành những mẫu mực của công thức "nội dung lớn trong hình thức nhỏ". Và đặc biệt nghệ thuật kể chuyện của Puskin mang một phong cách riêng. Hầu hết trong các truyện, nhân vật người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất. Nhân vật tôi trực tiếp kể về mình hoặc chuyện được chứng kiến.

Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Pu-skin là một nhà thơ tình yêu như thế. Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. “Tôi yêu em” là một trong những bài thơ như thế.

Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;


Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,

Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.



Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

Đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu. Một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự đã thể hiện một tư tưởng nhân văn cao đẹp. Một vấn đề thuộc về đạo đức và nhân cách con người đã được nhà thơ thể hiện dưới một hình thức giản dị và giàu khả năng gợi cảm. Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pu-skin.

Tôi yêu em là một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là một tình cảm chân thành, mãnh liệt mà vị tha, cao thượng, bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách con người nhân hậu, biết “kính trọng vô hạn đối với phẩm giá con người với tư cách là Con Người” (Biêlinxki), vì thế bài thơ chứa đựng những giá trị tinh thần nhân văn cao cả của loài người. Chất thơ của bài thơ chủ yếu toát ra từ những xúc cảm chân thành, từ những lời lẽ giản dị, từ giọng trữ tình dồn nén mà mãnh liệt, tạo được sức mạnh biểu đạt tình cảm. Sức hấp dẫn của bài thơ trước hết là bởi “Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm nào cả” (Puskin). Có lẽ cũng vì vậy mà bài thơ không ngừng gây xúc động trong lòng bao thế hệ bạn đọc…

Trong bài thơ có rất nhiều câu thơ hay nhưng tôi thích nhất là đoạn thơ:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Lời cầu chúc giản dị mà thể hiện được cả một nhân cách. Đó là lời cầu chúc tuyệt vời nhất của nhân loại. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng “hậm hực lòng ghen”. Nhân vật “tôi” cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Lời cầu chúc cũng chính là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực sự, tình yêu xứng đáng nhất với em. Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của “tôi” mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh. Chấp nhận yêu đơn phương, chấp nhận sự thực là em sẽ có người khác nhưng lại nhấn mạnh và xác nhận tình yêu mãnh liệt của mình, một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự.

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Câu thơ là lời bày tỏ tình cảm nhưng đồng thời thể hiện tình yêu cao thượng, một tư tưởng nhân văn cao đẹp cầu cho em được hạnh phúc, được người yêu em như tôi từng yêu. Hiếm có một nhà thơ nào bộc lộ điều đó như Puskin. Đây chính là điểm đắt nhất của bài thơ.
Thơ tình của Pu-skin không chỉ chiếm được cảm tình của bạn đọc trẻ tuổi mà còn có sức tác động rất mạnh đến tâm hồn bạn đọc. Và một điều chắc chắn rằng Tôi yêu em là lí tưởng về một tình yêu đích thực, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người về quan niệm tình yêu chân chính.

Chặng đường viết văn xuôi của Puskin chưa đầy 10 năm, di sản của ông tuy không đồ sộ, nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của văn chương tự sự Nga, khai thông cho những đỉnh cao sau này của thể loại. Tất cả những nhà văn vĩ đại về sau đều ngưỡng mộ và chịu ơn ông. Tất cả đều bắt nguồn từ con sông lớn Puskin. Con sông đó chảy đến ngã ba ngã bảy chia ra thành nhiều lưu nhánh với dòng chảy đặc trưng của mình, nhưng chúng không bao giờ để mất hút dấu vết đầu nguồn. Có lẽ chính vì thế mà Gorki đã khẳng định: "Không có Puskin, thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gôgôn, L.Tônxtôi, Tuốcghênhép, Đôxtôiepxki. Tất cả những con người vĩ đại này của nước Nga đều công nhận Puskin là bậc thủy tổ tinh thần của mình”. Mặt trời thi ca Nga vụt tắt. Cái chết của Puskin để lại khoảng trống lớn trong khu vườn văn học Nga. Nhưng Puskin là một hiện tượng “vĩnh viễn sống”. Cuộc đời ngắn ngủi của ông từ nay trở thành bất tử.
 

Lê Thị Thu Thanh

Thành viên thường
19 - Nước Nga đến với tôi qua những địa danh nổi tiếng

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 19:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Nơi sống:
Triệu Phong - Quảng Trị - Việt Nam
+ Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Dù chưa một lần đặt chân đến nước Nga nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp về nước Nga thông qua những tác phẩm văn học và địa danh nổi tiếng của quốc gia này. Nói đến nước Nga không thể không nhắc đến thủ đô Matxcơva . Thông qua phim ảnh, tài liệu, thành phố này đã hiện ra trước mắt tôi là những khu cửa hàng cửa hiệu hào nhoáng với các hãng thời trang và mỹ phẩm nổi tiếng, mọc lên san sát nhau bên các hệ thống tàu điện ngầm và những công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy. Thành phố này với lịch sử hào hùng 800 trăm. Thành phố yên bình và sâu lắng trong không gian của những hàng bạch dương rì rào, những cánh rừng ngút ngàn của vùng ngoại ô, phảng phất đâu đó là khúc hát "Chiều Matxcơva". Tại thành phố này có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng là niềm tự hào của nước Nga như Quảng trường đỏ, nhà hát Bolshoi, cung điện mùa đông, điện Kremlin…

Nhắc đến nước Nga là nhắc đến Cung điện Kremlin được xây dựng từ năm 1475 là nơi Nga hoàng trị vì đất nước với quần thể những công trình kiến trúc văn hóa mang đậm tính lịch sử và những tác phẩm nổi tiếng như: Đức mẹ đồng trinh, Lễ truyền tin, Tổng thiên thần hay trường Đại học danh tiếng của Nga Lomonosov. Cung điện Kremlin nằm ngay trung tâm, bên bờ trái sông Moskva, trên đồi Borovitskii trở thành biểu tượng trưng cho hình ảnh nước Nga.


Cung điện Kremlin

Có dịp khám phá Matxcơva, Quảng trường Đỏ có lẽ là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Quảng trường Đỏ hiên ngang uy nghi đứng đó cũng là một niềm tự hào của nước Nga sau cung điện Kremlin - nơi ghi dấu những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử của nước Nga và thế giới. Ngày nay Quảng trường Đỏ đã là di sản thế giới.


Quảng Trường Đỏ
Hàng năm diễn ra lễ duyệt binh truyền thống kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức trước Quảng Trường Đỏ biểu hiện cho sự hùng mạnh của nước Nga với sự tham gia của hơn hàng nghìn quân nhân và hàng trăm phương tiện vũ khí, khí tài, chiến đấu cơ và trực thăng thuộc không lực Nga. Tổng thống Nga, Vladimir Putin phát biểu trong ngày lễ duyệt binh truyền thống kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng phát xít Đức (9.5.1945 - 9.5.2013) “Chúng ta luôn nhớ, chính nước Nga, Liên Xô đã đập tan kế hoạch hủy diệt loài người của bọn phát xít. Chúng ta sẽ làm tất cả để bảo vệ an ninh cho toàn cầu”...


Toàn cảnh lễ duyệt binh trên quảng trường Đỏ

Những ai đam mê thưởng thức Opera và xem Ballet thì hãy ghé thăm Nhà hát Bolshoi là một nhà hát di tích lịch sử tại Matxcơva. Nhà hát do kiến trúc sư Joseph Bové thiết kế. Bolshoi là một trong những nhà hát lâu đời của Nga. Nhà hát được xây dựng từ năm 1824 cho đến nay nhà hát cũng đã được chính phủ Nga cho trùng tu và sửa chữa rất nhiều. Tên ban đầu của Nhà hát Bolshoi là Nhà hát Bolshoi Imperial của Matxcơva, sau rồi đổi thành tên Bolshoi. Nơi đây vinh dự là địa điểm diễn ra những vở Opera và Ballet lớn và nổi tiếng. Ở Bolshoi luôn diễn ra nhiều vở diễn khác nhau. Hàng đêm thu hút lượng lớn khán giả đến nhà hàng thưởng thức. Bolshoi còn được biết đến là trung tâm đào tạo Opera và Ballet nổi tiếng của Nga.



Nhà hát Bolshoi

Đến với Matxcơva, ngoài việc thăm quan các kỳ quan, bạn không thể bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng những bảo tàng có giá trị lịch sử không chỉ đối vói nước Nga mà toàn thế giới nhưBảo tàng Hermitage ra đời cách nay đã hơn hai thế kỷ, tọa lạc tại cung điện Mùa Đông, có lượng lớn khổng lồ cổ vật cũng như tranh ảnh quý giá. Nơi đây lưu giữ phần lớn những tác phẩm có giá trị về mặt vật chất và tinh thần không chỉ của nước Nga mà còn của cả thế giới. Lượng khách du lịch vì thế mà ngày càng đông. Hermitage còn vinh dự được xếp vào danh sách những bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.

Bảo tàng Puskin là bảo tàng quốc gia về mỹ thuật của nước Nga, Bảo tàng Kunstkamera là bảo tàng khoa học tại Nga và còn nhiều bảo tàng khác nữa.


Bảo tàng Puskin

Đến với nước Nga bạn không quên ghé thăm các nhà thờ như Nhà thờ Các thánh Saints trên Blood - nhà thờ có kiến trúc đặc trưng và là biểu tượng của kiến trúc theo lối Phục Hưng, Nhà thờ Alexander Nevsky, Nhà thờ Hồi Giáo Nurulla...Bạn thực sự ngỡ ngàng bởi thiết kế độc đáo của nhà thờ và thầm cảm phục tài năng và trí tuệ của người Nga.
Ai đã đặt chân tới Matxcơva, chắc hẳn sẽ không quên thả hồn mình vào với dòng chảy êm đềm và hiền hòa của dòng sông Matxcơva đầy thi vị. Dòng sông chạy vòng quanh thành phố là dòng sông đẹp và thơ mộng, được ví như dải lụa mềm trang điểm cho thành phố. Có thể nói dòng sông Matxcơva chính là suối nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ viết về những câu chuyện tình lãng mạn .

Sông chảy qua nhiều khu vực hành chính, nhưng nổi tiếng nhất là những đoạn sông chảy qua thành phố Matxcơva. Dưới cầu là dòng nước lững lờ trôi, thi thoảng điểm tuyết bằng những con thuyền du lịch hay đi canô, thuyền máy trên sông ngắm nhìn những cảnh sắc thiên nhiên, những rừng thông, rừng bạch dương ngút ngàn ngay trong thành phố.
Hai bên bờ sông là con đường đi dạo dưới hai hàng cây liễu rủ. Bạn có thể uống cà phê bên dòng sông Matxcơva lãng mạn vừa thả hồn mình trong hương vị cà phê vừa ngắm khung cảnh ở đây quá đẹp và thơ mộng, phóng tầm mắt ra xa là những công trình kiến trúc cổ hoành tráng, tuyệt đẹp và các công trình hiện đại hài hòa. Đứng bên sông, bạn sẽ có cảm giác thanh bình trong tâm hồn và tạm quên đi những khó khăn trong đời thường.

Sông Matxcơva như trái tim và linh hồn của con người Nga, những ánh hoàng hôn loang loáng một chiều bên dòng sông Matxcơva lững lờ tạo nên nước Nga vẻ đẹp tự nhiên, cổ kính, vừa nguy nga lộng lẫy, vừa huyền bí thơ mộng.

Sông Matxcơva như một dải ngọc xanh từ phía tây chảy đến, thấp thoáng ẩn hiện bên những quả đồi và những công viên quanh thành phố, con sông cứ mơn man, uốn lượn trước khi đổ ra sông Volga hùng vĩ, con sông cái của nước Nga vốn đã đi vào văn học. Phải nói nước Nga đã xây dựng một thành phố quá tuyệt vời, không chen chúc, không ồn ào, không che lấp dòng sông, không hỗn hào với dòng sông mẹ. Cảm ơn nước Nga đã xây dựng một thành phố với điểm nhấn là dòng sông và những khu rừng, ngọn đồi bao quanh để dù trải qua bao biến cố, có lúc vật đổi sao dời mà dòng sông Matxcơva vẫn luôn là viên kim cương huyền diệu của thủ đô văn vật.

Đêm đến, bạn có thể đi dạo ngắm thành phố Matxcơva thật lung linh và huyền ảo với muôn sắc màu. Đi dạo trên đại lộ Arbat, mua sắm tại khu chợ trời Ismailovo cũng là những trải nghiệm mới dành cho du khách.



Những ngọn đèn trên một cây cầu cho người đi bộ rực rỡ như những vì sao toả sáng trong đêm.



Một nhánh sông Matxcơva biến thành dòng sông ánh sáng khi màn đêm buông xuống.



Điện Kremlin nhìn từ một cây cầu bắc qua sông Matxcơva. Những ngôi sao màu đỏ luôn sáng rực trong đêm.

Mặc dù hiểu biết về nước Nga của tôi còn rất hạn chế xong thật sự nó rất đẹp trong trí tưởng tượng của tôi về một đất nước với nền văn hóa, nghệ thuật đồ sộ lâu đời, những con người hết sức tài hoa, dũng cảm, tinh tế, sâu sắc và một đất nước với những phong cảnh thiên nhiên làm mê đắm lòng người, một đất nước với những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm vẻ đẹp và phong cách Nga hay có thể nói đó là đặc trưng của vẻ đẹp và phong cách Châu Âu cho dù ở bất cứ thời đại nào đi nữa, điều này ít nhất đối với riêng tôi là như vậy! Hẹn gặp nước Nga vào một ngày gần nhất! Matxcơvađó, xa mà gần, tôi ngưỡng mộ và yêu bạn biết bao!
 

Anthony Thong Nguyen

Thành viên thường
20 - Sinh nhật Vladik 155 tuổi

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 20:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Viễn Thông
Năm sinh: 1988
Đã sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok
Hiện tại sống và giảng dạy tại Sài Gòn.

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Ngày hè tháng bảy nhẹ nhàng làm con người như mê đắm chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Ngày 4 tháng 7 phút chốc bỗng trở thành ngày đặc biệt. Đó không phải là quốc khánh Mỹ quốc, quen thuộc mà xa lạ.

Từ nay ngày này khắc sâu vào tâm thức với tư cách ngày sinh nhật một nơi thân yêu mới, sinh nhật Vladivostok.

Tưởng chừng nhàm chán với từng ấy thứ quen thuộc, khám phá khắp cùng thành phố, nhưng hóa công khéo vẽ mỗi lần một cảm xúc mới mẻ, điều kì lạ để khám phá.

Mở đầu dạ tiệc đêm hội, mình chọn điểm dừng đầu tiên Funhikular. Đây là bến xe thân thuộc khi đi học. Nay sắp phải xa nó rồi. Dạo bước lên cống trời. Kỉ niệm quá đỗi ngây ngất. Đêm đông lạnh giá chờ xe bus, ngày hè năm nao đội mưa bắt xe đến với người tình phút chốc. Hai tám tết việt nam lặn lội lên đên kiếm chùa, ngỡ ngàng bắt gặp một ông tây nằm ngủ phơi bụng trước tượng Phật. Và rồi từ đó hiểu thêm một pháp môn của Phật giáo nhiệm màu. Lối tu hành Mật Tông- Karma Kagyu.

Bụng khẽ sôi khi bước vào một nhà ăn theo phong cách nga mình muốn thử ăn hôm nay. Mọi thứ thường nhật giờ đây trở nên khẽ khàng nhuần nhuyễn. Giữ bộ mặt ảm đạm, kiêu căng, câu chữ mấp máy vuốt trên môi. Lạnh lùng nhấm nháp món ăn.

Chiều nắng rộn ràng hòa nhịp bước chân dòng người dọc đại lộ ven bờ biển. Cụm từ tự tạo ra để tạo một khắc biệt nhưng ý nghĩa với bản thân, vì thật ra nó có tên đại lộ thể thao. Nhưng mình vẫn thích gọi theo cách của mình, một cách hý họa theo câu chuyện của Pauxtopki - đám đông đại lộ bên bờ biển. Cảm xúc dạt dào ngây ngất của nhà văn vĩ đại khi bước chân lên một bờ biển nước Ý. Mình lần đầu đến đây cũng mãnh liệt cảm xúc như vậy.


Dòng người vui vẻ náo nhiệt. Đài phun nước đơn giản, hàng bục gỗ cũng là hàng ghế cho khách bộ hành. Không thiếu những thành phần thường thấy phải có cho một nơi giải trí. Người vẽ tranh dạo, máy đấm bóc đo lực, người bán hàng rong, quầy kem chen lẫn nhà hàng bốc ra mùi thịt nướng thơm phức.


Tất cả ngồn ngột nhưng không hỗn tạp. Dừng chân xem một ban hát rong có đầu tư. Khả dĩ gọi là hát rong vì họ hát trên đường phố, xin sự giúp đỡ của khách bộ hành. Tuy thế với hệ thống ban bệ thiết bị âm nhạc hoành tráng, tưởng chừng nơi chốn này là sân khấu của họ. Một số công dân có tuổi của thành phố hân hoan nhảy múa. Có lẽ những bài hát cũ xưa gợi lên trong họ kí ức về một thời trai trẻ sống động.


Lời ý dài dòng cũng chẳng đủ lột tả cảm xúc của cuộc gặp gỡ. Có chăng bức ảnh hoàng hôn lộng lẫy đủ minh chứng cho tất cả gì tốt đẹp nhất của ngày hôm đó.

Nếu bạn là người đã từng sửng sốt khi ngắm tranh đức mẹ, ảnh chúa, thiên đàng. Phông cảnh nền khải huyền ảo diệu làm lòng ta dịu đi, lặng mình trước vẻ đẹp siêu thực. Đồ rằng nếu bạn ở đất Vla này, bạn sẽ sững sốt mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những buổi hoàng hôn. Ánh sáng lộng lẫy sáng rực nhưng không chói lóa. Vầng mây sáng rực rỡ. Màu trời phân tầng một cách liên tục nhưng lại hiện lên những mảng sáng khác nhau một cách kì dị. Bạn sẽ tin rằng điều này không thực, không có thực, chỉ có thể tồn tại trong tranh vẽ của các họa sĩ đại tài. Thế nhưng, bạn đang ở đây, hít thở bầu không khí, mắt vừa nhìn những thứ quen thuộc vừa chứng kiến một thứ ma mị.



Sẽ kém vui nếu không nhắc tới đêm nhạc tưng bừng mừng sinh nhật vla. Không cầu kì cờ phướm rợp trời, không khẩu hiệu sáo rỗng. Chương trình ca nhạc đơn giản. Bài hát cũng chẳng giáo điều lễ tiết. Có gì quan trọng hơn niềm vui của dân chúng. Nhạc sôi động có hề chi, thậm chí ca sĩ ăn mặc bốc lửa cũng chẳng làm giảm bớt tính chất văn minh. Hôm nay là sinh nhật, phải vui chứ.


Khép lại bằng một màn pháo hoa có một không hai. Cả đời mình sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Nó là sự hỗ tạp của cảm xúc. Tiếng pháo hoa chát chúa gần ngay trước mặt. Thậm chí bụi báo hoa còn bay lộp độp trên đầu, thoàng hoặc bay mờ cả mắt. Chùm sáng đủ màu bay lượn tít tắp, dựng hình mãn nhãn. Nhưng sao bỗng thấy nhớ ngày còn thơ. Quả thật lâu lắm rồi mới nghe mùi thuốc súng của pháo. Kỉ niệm hồi nhỏ khi nhà nước còn cho đốt pháo ùa về. Đêm giao thừa, pháo nổ đì đùng, mùi khét lẹt xác pháo thật quyến rũ. Bâng khuâng nhớ lại những bước chân non nớt đi trên phố xem đốt pháo, hớn hở bới tìm những tép pháo còn xót lại. Từng đợt pháo hoa cứ thế lần lượt hiện ra trước mắt. Gần đến nổi chừng như đưa tay ra với sẽ bắt được những tia cầu rực rỡ.



Buổi tiệc kết thúc, vội vã bắt chuyến xe cuối cùng về đảo. Lại độc bước một mình, nhưng nào có hề chi. Rồi người cần đến sẽ đến. Nếu không, còn lại chính ta. Người sẽ rơi nước mắt trong đau khổ, nhưng rồi cũng sẽ chính ta lau nước mắt cho chính mình.
 

Nguyễn Như Quỳnh

Thành viên thường
21 - Nước Nga trong con

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 21:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Như Quỳnh
Năm sinh: 1998
Nơi sống và học tập: THPT Chuyên Thái Nguyên-Thành phố Thái Nguyên

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Россия в моём сердце

Существует сон, что не называется
Во сне прекрасном, бесшумном, и неспешном
Пришла я к Вам в летний сонечный день
Из любви к русскому языку я Вас и люблю.

Мой первый урок- простые приветствия
Первые буквы писала я стыдливым почерком
И странно, вечная любовь
Как страстное пламя, в сердце горит.

Мечтаю я бродить по обширной России
И найти там знакомое лицо в памяти
Бывают и длинные бессонные ночи
Когда ударяюсь в лирические стихи Пушкина
или замечательные мелодии Чайковского.

Пела как-то с пылкостью
Теплело на душе от огня «миллионы алых роз»
В моём воображении бывают картины
Осени золотой и Московского Кремля.

Остаётся Россия вчера и сегодня
В сердцах находящихся на большом расстоянии вьетнамцев
У нас, наверное, общего языка нет
Всегда горит во мне надежда Вас увидеть в волшебном сне.
Nước Nga Trong Con

Có giấc mơ nào chẳng được gọi tên
Giấc mơ diệu kỳ, không ồn ào,vội vã
Con đến với Người trong một ngày nắng hạ
Và con yêu Người bởi yêu thầm tiếng Nga

Bài học đầu tiên một câu chào đơn giản
Con e thẹn những nét chữ ngại ngùng
Lạ kỳ thay một tình yêu bất diệt
Cháy trong con như ngọn lửa đam mê

Con muốn đi trong dài rộng nước Nga
Tìm một bóng hình thủa miền ký ức
Những đêm dài trở trăn, thao thức
Đọc Puskin và nghe Traicopxki

Có một thời con hát đến say sưa
Vẫn ấm trong con lửa từ “ Triệu đóa hồng”
Những gì nữa mà trong con lắng đọng
Mùa thu vàng và điện Kremly

Nước Nga xưa và nay trong những trái tim
Những đứa con Việt Nam xa ngàn trùng sông núi
Có thể con và người không cùng giọng nói
Xin hẹn gặp Người trong một giấc mơ hoa.

 

Phan Huy Chung

Thành viên thân thiết
Наш Друг
@Nguyễn Như Quỳnh
bạn có thể cho biết tác giả bài thơ bằng tiếng Nga là ai không?Và theo tớ hiểu người dịch là bạn?
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
@Nguyễn Như Quỳnh
bạn có thể cho biết tác giả bài thơ bằng tiếng Nga là ai không?Và theo tớ hiểu người dịch là bạn?

@Phan Huy Chung
Theo cháu hiểu thì đây là bài viết dự thi của bạn @Nguyễn Như Quỳnh, tức là bạn ấy chính là tác giả của cả hai bản tiếng Việt và tiếng Nga.

@Nguyễn Như Quỳnh
Mình thấy tình yêu của bạn dành cho tiếng Nga và nước Nga là rất thật, rất trong sáng, bạn đã viết bài thi này với tất cả tấm lòng của mình.
Thời gian của cuộc thi vẫn còn. Mong bạn gọt giũa thêm vần điệu của bài thơ, nhất là bản tiếng Nga. Bạn có thể tham khảo cách gieo vần của thơ tiếng Nga trong topic “Cùng dịch thơ Nga” ngay trên diễn đàn này.
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
Kính gửi bác Đỗ Văn Tiến
Nỗ lực dịch bài hát tiếng Nga rất hay này ra tiếng Việt của bác rất đáng trân trọng. Về ý thì bác dịch sát rồi (trừ đoạn đầu tiên trong bản tiếng Nga nguyên văn là “Đôi lúc tôi có cảm giác rằng những người lính / không trở về từ những cánh đồng đẫm máu / đã không nằm xuống đất của chúng ta vào những ngày xa ấy / mà đã biến thành những con sếu trắng”), nhưng có lẽ bác nên lựa chọn và sắp xếp lại những từ tiếng Việt sao cho trùng với nốt nhạc để có thể dễ hát hơn (chẳng hạn như mấy chữ cuối “в белых журавлей” nếu dịch là “đàn sếu trắng bay ngang trời” thì dễ hát hơn hẳn).
 
Top