Mình học tiếng Nga như thế nào ?

tranthienthanh

Thành viên thường
mọi người cho em hỏi câu : пять дней прошло очень быстро tại sao không phải là прошли mà là просло
 

kirimaru89

Thành viên thường
xin chào mọi người. Mình giờ mới bắt đầu học tiếng Nga. Mình đọc theo hướng dẫn ở trang đầu và quyết định download "Đường tới nước Nga". Tuy nhiên thì mình mới chỉ download được quyển 1 và quyển 2, còn đến quyển 3 thì mình chỉ download được PDF, không download được audio (hình như dẫn link vào thư viện, rồi đòi thanh toán 1 Rub hay sao ấy). Bác nào biết có thể chỉ cho mình được không?
 

levietbao

Thành viên thường
"Học ngoại ngữ có cần năng khiếu không?"

Đương nhiên rồi. Học ngoại ngữ cũng là một lĩnh vực cần đến năng khiếu, cũng như làm thơ, giải toán, chơi nhạc, chơi thể thao... Nhưng năng khiếu trong việc học ngoại ngữ cũng được chia ra làm nhiều loại. Thứ nhất là khả năng bắt chước, tức là người học có thể lặp lại y hệt những gì người khác nói, từ phát âm cho đến ngữ điệu mà không vấp phải nhiều khó khăn. Đây được coi là "năng khiếu vàng" trong việc học ngoại ngữ vì nó tạo cho người học sự tự tin trong giao tiếp và tạo cho người nghe nhiều thiện cảm về người học. Càng tự tin vì thấy mình làm được cái việc mà nhiều người không làm được thì lại càng muốn làm, khoảng cách trình độ giữa người có năng khiếu và người không có cũng vì thế mà ngày một xa. Tuy nhiên năng khiếu này không đúng với tất cả các ngôn ngữ. Thường thì một người nói tốt các ngôn ngữ phương đông sẽ không nói được tốt ngôn ngữ phương tây và ngược lại. Nói tốt ở đây không phải là nói ra cho người ta hiểu mà là phải có phát âm, diễn đạt câu, ngữ điệu đều chuẩn như người bản địa. Thật ra trên thế giới cũng có nhiều người làm được với nhiều ngôn ngữ ở cả hai nửa địa cầu nhưng số lượng này so với phần đông người học ngoại ngữ khác thì chỉ như "sao buổi sớm", "lá mùa thu". Thứ hai là khả năng ghi nhớ, tức là có thể nhớ lại một cách dễ dàng những gì mình đã học. Trí nhớ con ngươi chia ra làm hai loại: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Một người có trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ có thể ghi nhớ tạm thời một lượng ký tự nhất định trong một thời gian ngắn, trong khi một người có trí nhớ dài hạn tốt dù ban đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng nếu đã nhớ rồi thì nhớ rất dai. Cũng như năng khiếu về phát âm, không có nhiều người sở hữu được năng khiếu về cả hai loại trí nhớ này. Hai loại năng khiếu trên là tiền đề cho bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Nói tốt thì nghe tốt, mà đọc tốt thì viết tốt. Điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên một người học dù hội tụ được cả hai loại năng khiếu nói trên thì cũng không thể có thành tựu đáng kể nếu không chăm chỉ cần cù. Bạn có thể có năng khiếu hơn người khác nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được việc hơn người ta ở một ngôn ngữ nào đó nếu bạn không dành thời gian cho nó một cách tử tế. Có nhiều người phát âm và ngữ điệu không tốt nhưng người ta chịu khó đầu tư thời gian, nắm vững ngữ pháp, biết nhiều từ vựng, lại làm việc với người bản địa của thứ ngôn ngữ đó trong một thời gian dài nên chắc chắn người ta sẽ đánh bại bạn nếu hai người cùng ứng tuyển cho một công việc yêu cầu ứng viên phải dùng ngôn ngữ đó một cách chuyên nghiệp như phiên dịch đa chuyên ngành. Một người có năng khiếu và hứng thú là một người có thể chỉ mất 3 đến 6 tháng để giao tiếp được ở một ngôn ngữ nào đó, là một người có thể nói 10, 20 thứ tiếng... nhưng thường lại không thể làm việc một cách chuyên nghiệp với những ngoại ngữ mà họ biết. Bởi vì sao? Bởi vì bản thân họ chỉ chạy theo số lượng, tìm cách nâng con số ngôn ngữ mà mình "nói" được lên rồi dễ dàng cho rằng mình đã chinh phục được ngôn ngữ đó. Biết rất nhiều nhưng thật ra ngoài tiếng mẹ đẻ ra những thứ còn lại lại chẳng biết mấy. Quay vài cái clip, giao tiếp vài câu linh tinh để khoe phát âm, diễn giả nơi này nơi nọ nhưng vứt cho quyển tiểu thuyết hay bài thơ cổ bảo đọc là há mồm ngay. Dân đa ngữ chuyên nghiệp biết rất rõ điều này nhưng vì số lượng của họ là quá ít ỏi so với phần còn lại nên họ không thể giải thích, bóc mẽ cho thế giới hiểu bản chất của những "hiện tượng ngôn ngữ" trên. Một phần nữa cũng là vì họ muốn dành thời gian tập trung nghiên cứu cho bản thân mình chứ chẳng hơi đâu đi diễn trò như kẻ khác. Những "hiện tượng" như vậy vẫn được tung hô rầm rộ trên truyền thông thế giới, bởi vì truyền thông vốn cũng là những người không hiểu vấn đề và chỉ chăm chăm trục lợi từ sự thiếu kiến thức của người thường. Điều này có thể tốt về mặt gây danh tiếng cho một ai đó nhưng không tốt chút nào cho họ về mặt kiến thức.

Vậy vấn đề với những người học ở đây là gì?

1. Nếu bạn có hứng thú, có năng khiếu, chỉ cần một trong hai loại năng khiếu tôi nói ở trên, hoặc một phần của một loại năng khiếu nào đó thì tôi cũng rất khuyến khích bạn nên theo đuổi ngoại ngữ. Năng khiếu là món quà mà Thượng Đế đã ban cho bạn, không tận dụng và phát huy nó lên cực điểm chẳng phải lãng phí lắm sao? Chẳng phải có lỗi với bản thân mình lắm sao?

2. Nếu bạn cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian và nỗ lực để làm gì đó mà vẫn không làm đến chuẩn mực được thì nên bỏ nó đi. Không có năng khiếu không phải là không học được. Rất nhiều bạn gặp vấn đề với phát âm nhưng tôi khuyên bạn đừng cố gắng trong vô ích nếu bạn không có khả năng bắt chước. Nếu bạn có năng khiếu này thì chẳng cần ai dạy bạn cũng có thể phát âm tốt. Còn nếu không, có học đến đâu cũng chỉ đến thế thôi nên hãy chấp nhận phát âm của mình ở mức có thể khiến người nước ngoài hiểu được và dành thời gian đầu tư cho ngữ pháp, từ vựng, vốn là những thứ trọng yếu trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi so sánh với một đối thủ phát âm tốt mà yếu từ vựng, yếu kinh nghiệm thì chắc chắn bạn sẽ ở cửa trên. Những nhà tuyển dụng nhân tài ngôn ngữ họ không giống đám khán giả không hiểu biết, họ biết đánh giá và họ cần những người giỏi cả 4 kỹ năng, giàu kiến thức và làm được việc chứ không cần những người chỉ biết giao tiếp, chọc cười vài câu vớ vẩn.

3. Nếu bạn có thể học được nhiều ngôn ngữ, hãy học từng ngôn ngữ một cho đến nơi đến chốn rồi hẵng chuyển sang ngôn ngữ khác. Đối với mỗi ngôn ngữ hãy hướng đến chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi khó nhất của ngôn ngữ đó, sau đó thử thách mình ở những thứ cao siêu hơn. Bạn nói bao nhiêu ngôn ngữ không quan trọng bằng việc bạn thành thạo bao nhiêu ngôn ngữ. Chỉ cần học thật giỏi một ngoại ngữ thôi là bạn đã "có tiền" rồi. Học thêm được các ngoại ngữ khác đến tầm đó thì cơ hội tìm đến như trái chín loà xoà trước mặt chờ bạn hái. Còn nếu bạn chỉ nói được vài câu giao tiếp vớ vẩn ở một vài ngôn ngữ rồi mừng vì thiên hạ đã nể phục mình thì tức là cái người "có tiếng mà không có miếng" như bạn đang làm hại chính bản thân mình.

Năng khiếu là một yếu tố quan trọng giúp bạn học nhanh hơn nhưng không phải là thứ quyết định thành tựu của bạn. Dù có hay không có năng khiếu bạn cũng cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc một cách nghiêm túc cho thứ ngôn ngữ mà bạn chọn học. Hãy học một cách chăm chỉ, học mỗi ngày, học như thể đó là con đường duy nhất mà mình có thể đi. Nếu ngày xưa bạn có thể học thuộc bảng cửu chương 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, nếu người ở những nước đó có thể ghi nhớ hàng ngàn hàng vạn ký tự trong ngôn ngữ của họ thì không có lý do gì bạn lại không nhớ được chúng. Hãy dành bộ nhớ của mình cho những thứ hữu ích, tránh xa những thông tin nhảm nhí vô thưởng vô phạt được đăng hàng ngày vì chúng sẽ xâm chiếm bộ nhớ của bạn và làm bạn phân tâm. Hãy có trách nhiệm hơn với thời gian, với tiền bạc, với công sức mà mình bỏ ra. Thái độ của bạn với việc học mới là thứ quyết định tất cả.

Bài viết của tác giả : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Tôi tổng hợp trả lời thêm một số câu hỏi của các bạn về việc học ngoại ngữ.
1. Sao anh lại học từ điển? Từ điển khô khan khó nhớ dễ quên, sao không học trong sách báo, có câu mẫu đi kèm, dễ liên tưởng, dễ nhớ hơn?
Xin trả lời bạn như sau:
Bạn nói đúng, từ điển khó học dễ quên. Nhưng chính vì khó học dễ quên nên tôi mới học. Từ điển bây giờ cũng khác ngày xưa rồi. Với mỗi từ đi kèm đều có các mẫu câu ví dụ, như thế không khác đọc sách báo là mấy. Nhưng điều quan trọng là tôi học từ điển không phải để cố gắng nhớ hết quyển từ điển. Tôi nhớ và cho phép mình quên, nhưng quên chính là để luyện trí nhớ. Đạo lý này rất ít người hiểu được. Các bạn học ngoại ngữ toàn hỏi những câu như "anh có mẹo gì để học cho nhanh không bày em với", tôi rất lấy làm chán. Toàn những người thích đi con đường dễ dàng mà lại muốn thành công cao. Mẹo thì có đầy và nếu cứ theo mấy cái mẹo ấy thì các bạn vẫn nhớ được từ, nhưng các bạn sẽ trở nên thụ động, bộ não các bạn lười đi và điều này không tốt cho trí nhớ chút nào. Thật ra bộ não cũng như cơ bắp, bạn luyện cái gì nhiều thì nó càng phát triển. Nếu chỉ dùng mẹo để nhớ thì tôi đảm bảo là khi gặp những lúc phải dịch nhiều từ chuyên ngành khô khan thì não bạn sẽ không tải được, vì vốn dĩ nó không được chuẩn bị để làm việc này. Nó không thể ghi nhớ nhanh thì cũng không thể truy cập nhanh để nói hay viết ra ngay được. Tất nhiên mỗi người sẽ có cho mình một phương pháp học riêng và tôi cũng không dám nói phương pháp của mình là hay nhất và có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng riêng với tôi, đọc từ điển giúp tôi luyện trí nhớ và bằng việc tăng tần suất nhìn thấy cái từ, cụm từ ấy lên thì xác suất tôi nhớ được nó khi đột nhiên phải động vào là khá cao.

2. Thời sinh viên anh vừa học chuyên ngành kỹ sư điện, vừa đi làm thêm, lại vừa học bao nhiêu ngoại ngữ như vậy thì thời gian đâu ra để anh học.
Xin trả lời bạn như sau:
Mỗi người chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau nhưng cái cách chúng ta dùng thời gian ấy như thế nào sẽ tạo ra sự khác biệt. Tôi tận dụng từng khoảng thời gian nhỏ nhất trong ngày để học. Lúc tôi đang tắm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi cắm nồi cơm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi đi bộ trên đường hoặc trên xe buýt tôi cũng có thể học được. Lúc nghỉ 5, 10 phút giữa các tiết học trên lớp tôi cũng có thể học được. Tất cả những người từng là bạn bè, giáo viên của tôi ở trường đại học kỹ thuật đến giờ này nếu còn theo dõi facebook tôi, đọc được những dòng này hẳn sẽ nhớ lại mấy năm trước đây có một cậu sinh viên nào cũng đeo tai nghe, nhiều khi gọi mà cậu ấy lơ đãng không trả lời. Rồi thi thoảng lại thấy cậu ấy cầm cuốn sách đi lòng vòng quanh sân trường không cần biết những gì đang diễn ra xung quanh. Đó chính là tôi.
Trong một bài viết khác tôi cũng có nói rồi. Các bạn trẻ đang quá lãng phí thời gian của mình vào những thứ không đáng. Dõi theo cuộc sống của sao này sao kia, sa đà vào tung hô, chê bai người khác, để làm gì? Sống cho người khác xem, xem người khác mà sống, để làm gì? Yêu đương nhăng nhít tối ngày quấn quýt rồi cãi vã chia tay, để làm gì? Bạn bè miền xuôi miền ngược, rảnh lúc nào là tụ tập trà đá nhậu nhẹt, để làm gì? Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó.

3. Anh không tốt nghiệp trường chuyên ngoại ngữ thì sao anh có thể đi dịch cho chính phủ được? Bằng cách nào anh chứng minh năng lực của mình?
Xin trả lời bạn như sau:
Tôi không tốt nghiệp trường chuyên về ngoại ngữ nhưng không có nghĩa là ngoại ngữ của tôi không bằng các bạn tốt nghiệp trường chuyên ngữ. Tôi không thể chứng minh khả năng của mình bằng tấm bằng kỹ sư điện nhưng tôi chứng minh bằng thực lực thật sự của mình cộng với chứng chỉ quốc tế cao nhất của ngôn ngữ đó. Tất nhiên, chứng chỉ chỉ là để khách hàng họ nhìn vào thì an tâm hơn thôi chứ những người đã tìm hiểu sâu về ngôn ngữ đó hẳn đều biết mấy cái chứng chỉ ấy dù là ở cấp cao nhất thì kiến thức vẫn chỉ là cho… học sinh thi và chẳng ai tự hào về mấy mảnh giấy ấy cả. Cái quan trọng nhất vẫn là thực lực của các bạn và các bạn phải nêu rõ nó trong CV. Dịch cho công ty nào, đoàn thể nào, tổ chức nào, cứ từ nhỏ đến lớn mà ghi. Trước tiên là các công ty nhỏ, rồi tập đoàn lớn, rồi tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhỏ, rồi đến các cơ quan chính phủ lớn. Ban đầu chấp nhận dịch với thù lao thấp thôi nhưng mỗi lần dịch như vậy phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bạn có làm tốt thì người ta mới tín nhiệm, mới gọi bạn lần sau và giới thiệu bạn cho những chỗ khác. Các công ty phái cử thấy năng lực của bạn như vậy cũng tự tin mà giới thiệu bạn với những nơi cần nguồn nhân lực cấp cao. Khởi đầu chỉ vài chục USD nhưng sau này một ngày 1000 USD cũng không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Một khi CV của bạn đã vào hàng “top class” của họ rồi thì chỉ sợ bạn không có thời gian mà đi dịch vì trùng lịch.

4. Sao anh lại học tiếng Pháp? Nhiều người nói rằng tiếng Pháp đã chết ở Việt Nam rồi vì chẳng có đất dùng. Nhiều người học khoa tiếng Pháp xong rất khó xin việc nên phải xoay sang học cái khác.
Xin trả lời bạn như sau:
Khi tôi chọn học một thứ ngôn ngữ nào đó tôi không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó còn sống hay đã chết tại một nơi nào đó. Tôi cũng không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó có mang lại cho mình cái gì trong tương lai hay không. Điều duy nhất mà tôi quan tâm là tôi có hứng thú với ngôn ngữ đó hay không. Tôi thích tiếng Pháp, thích từ thời còn bé lon ton mở ti vi xem phim “Người đẹp Tây Đô”, thấy cô Việt Trinh nói tiếng Pháp hay quá nên mê luôn. Thông qua việc học tiếng Pháp nói riêng và ngoại ngữ nói chung tôi được cái gì? Thứ nhất, tôi được niềm vui, và thứ hai, tôi được kiến thức. Đó là hai thứ mà tôi truy cầu. Còn thành công có đến bằng con đường đó, bằng thứ tiếng đó hay không xin nhường cả lại cho tương lai, cho Thượng Đế an bài. Nhưng dù có hay không với tôi cũng không quá quan trọng, vì tôi đã đạt được hai thứ lớn nhất mà mình mong muốn rồi.

Nói thêm một chút về việc bạn bảo học tiếng Pháp xong khó xin việc nên phải xoay sang cái khác vì tiếng Pháp không còn thế mạnh ở Việt Nam. Tôi thừa nhận bạn nói đúng ở chỗ tiếng Pháp lép vế so với các tiếng Châu Á mới nổi như Nhật, Hàn. Nhưng như thế không có nghĩa là người học tiếng Pháp không còn đất dụng võ. Tôi vẫn thấy nhiều đoàn chuyên gia Pháp sang làm việc với các tổ chức, các cơ quan chính phủ của Việt Nam. Gần đây nhất là một đoàn đến Viện mắt trung ương thăm khám và cũng ráo riết tìm phiên dịch. Cái quan trọng không phải ở chỗ ngôn ngữ đó có còn thông dụng hay không mà là ở chỗ bạn có đủ giỏi để đáp ứng được yêu cầu ở cấp cao đối với ngôn ngữ đó hay không. Các thầy cô dạy tiếng Pháp ở các trung tâm Pháp ngữ nhiều khi chỉ dạy cho vui chứ họ dịch ngoài thu nhập còn cao hơn nhiều. Sự biến động của thời thế là không thể nói trước được. Nhưng nếu đã thích cái gì đó, đã chọn học nó thì hãy cố gắng nâng cao nó hết sức có thể. Nếu bạn thực sự giỏi thì đất diễn cho bạn vẫn còn rất nhiều.

5. Rào cản lớn nhất khi học nhiều ngôn ngữ một lúc là gì?
Xin trả lời bạn như sau:
Trong một bài viết khác tôi cũng có đề cập tới rồi. Rào cản lớn nhất không đến từ môi trường mà đến từ chính bản thân bạn. Cái tâm thế mà bạn dùng để tiếp cận ngôn ngữ mới là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định thành tựu của bạn ở ngôn ngữ đó. Có bạn thành thạo tiếng Anh, nhảy qua tiếng Nhật thấy ngữ pháp từ vựng khác hoàn toàn, khó không học được nên càng học càng lơ là, trong lớp tiếng Nhật thi thoảng lại chém tiếng Anh, như thế là hỏng. Khi tiếp cận một thứ kiến thức mới ta phải coi như mình không có gì trong đầu mà khiêm cung học hỏi thì mới mong tiến bộ được. Lại có bạn học nhiều thứ tiếng cùng một lúc, tiếng nào cũng chém được vài câu giao tiếp, ỷ mình phát âm tốt, gây ấn tượng lên người nghe nên được người ta khen mà tự hào về bản thân mình. Như thế cũng hỏng. Ấy là học được cái vỏ ngoài hời hợt của ngôn ngữ, chém cho oai vậy thôi chứ làm sao mà làm việc được. Ra đường thì chém rất oai, đến khi có việc cần dùng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp thì co rúm lại cố thủ trong nhà. Lại cũng có bạn học nhưng không chịu đi từ cơ bản, cái gì cũng thích nhảy cóc, coi số lượng hơn chất lượng, không chịu đọc sách báo để trau dồi, viết bài thì dùng từ đao to búa lớn nhưng ngữ pháp với văn phong cơ bản thì sai be bét, như thế cũng vứt đi mà thôi. Người giỏi ngoại ngữ là người biết dùng đúng từ và cụm từ trong ngữ cảnh thích hợp chứ không phải cứ lôi mấy từ trên sao Hoả ra để chém tơi bời trong khi mình còn chưa hiểu gì nhiều về nó. “Mindfulness” trong clip của elight bị Dan Hauer bóc mẽ là một ví dụ đó. Học được mà không dùng được, có tiếng mà không có miếng, thử hỏi học loè người được tích sự gì?

Thông thường người ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khi học. Giai đoạn tiếp cận ngôn ngữ, thấy thú vị nên hào hứng. Đến giai đoạn giao tiếp kha khá rồi lại thấy như mình giỏi, tưởng như thế là xong, ai dè mình mới chỉ như đứa trẻ tập nói mà thôi. Nhưng nếu tiếp tục cúi đầu học hỏi thì sẽ đến giai đoạn thấy mình quá nhỏ bé trước vùng kiến thức của ngôn ngữ đó, từ đó càng học càng giỏi. Nếu các bạn không xác định cho mình một tâm thế khiêm cung cầu tiến để học hỏi một cách nghiêm túc thì có học bao nhiêu tiếng, bao nhiêu năm cũng chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.

Bài viết của 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Một bạn trẻ nói với tôi: "Anh thông minh thật. 30 tuổi đã thành thạo cả mấy thứ tiếng, thông hiểu bao nhiêu chuyện. Em thì chẳng được thông minh như thế".

Tôi trả lời: "Điểm làm nên sự khác biệt giữa tôi và cậu không phải là sự hơn kém nhau về đầu óc mà là về cách sử dụng thời gian."
Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó. Đến khi có tuổi rồi mới nhận ra mình đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian thì hối tiếc không kịp. Lúc đó muốn bắt đầu lại chưa phải là muộn nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều so với hồi còn trẻ bởi vì sức khoẻ, sự minh mẫn và sự tự do đã không còn được như xưa. Kìa, hãy nhìn những người trẻ mà xem:
Bao nhiêu kẻ đã bỏ thời gian ra để theo dõi cuộc sống của người khác. Người ta đi đâu, làm gì là việc của người ta. Mình có cuộc sống riêng của mình, tại sao cứ phải dõi theo cập nhật hoạt động của người ta làm gì? Cùng là con người với nhau, tại sao cứ phải chạy theo thần tượng người khác thay vì cố gắng kiện toàn bản thân để sau này mình cũng có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã tìm cách giết thời gian bằng trò chơi. Nếu chơi để giải trí sau khi học hành làm việc vất vả thì không sao. Nhưng chúng lại sa đà chơi hết ngày này qua tháng khác. Những trò chơi ấy không chỉ lấy đi của chúng bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức mà còn tiềm tàng những nguy hiểm khó lường, lấy đi cả sức khoẻ, thậm chí sinh mạng của chúng và người khác. Cái nhận được thì ảo mà cái mất đi thì thật. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian của mình để sống cho người khác xem, xem người khác mà sống. Ta được sinh ra trên đời, được ban cho cơ thể và linh hồn này là để sống cho chính ta. Vậy mà đã có bao nhiêu người dùng thời gian chỉ để cố gắng làm người khác ghen tỵ đố kỵ với mình, hoặc để người ta ngưỡng mộ tôn sùng mình, hoặc để làm vừa lòng tất cả mọi người, lúc nào cũng sống dưới một lớp hoá trang dày đặc. Sự mệt mỏi trong cả thể xác lẫn tinh thần với những vai diễn như thế này biết bao giờ mới chấm dứt đây? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian quá đà cho những mối quan hệ. Yêu đương thì nhắn tin, gọi điện triền miên, bạn bè thì cà phê, nhậu nhẹt tối ngày. Những mối quan hệ vốn dĩ là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến mình sống có ích hơn mà giờ đây đâm ra phản tác dụng. Bao nhiêu người đã đốt quá nhiều thời gian, hy sinh cả cuộc sống riêng để duy trì các mối quan hệ đó, rốt cuộc đến lúc tình mất bạn đi thì ta cũng chẳng còn gì mà năm tháng thì đã vùn vụt trôi qua. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã lãng phí thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ. Quá khứ dẫu có đẹp đẽ huy hoàng, hoặc an nhiên thoải mái thì cũng là thứ đã đi qua rồi. Hiện tại mới là thứ cần đầu tư chăm chút. Nếu cứ dùng thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ thì tương lai nhìn về hiện tại lúc này sẽ chỉ thấy một khoảng trống rỗng không màu, chẳng có gì để nhớ lại. Như thế có khác gì đã đánh mất bao nhiêu năm tháng của cuộc đời vào hư vô. Tiếc thay.
Hãy đi ngang với thời gian chứ đừng để thời gian đi ngang qua ta.

Bài viết của tác giả 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Có nhiều bạn trên FB vẫn cho rằng mình rất tự hào về trình độ ngoại ngữ của mình. Thật ra các bạn chẳng hiểu gì về mình cả. Đúng là cách đây vài năm, thời sinh viên, khi mới nói được ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 mình đã thấy tự hào về bản thân, nhưng khi học đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 thì niềm tự hào ấy hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự xấu hổ và dằn vặt.
Để mình kể cho các bạn nghe câu chuyện này. Ngày xưa có một con bổ củi (một loài côn trùng) bật nhảy được 50 phân, cao hơn hẳn so với những con bổ củi khác. Một ngày người ta bắt nó vào một cái hộp cao 10 phân. Một thời gian sau thả ra con bổ củi chỉ còn nhảy được 10 phân.
Khi thấy mình nói đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 nhiều bạn cho rằng như thế là quá giỏi và đáng tự hào nhưng các bạn có biết tại sao mình lại chỉ thấy xấu hổ và dằn vặt với bản thân không? Bởi vì khi học đến đó mình mới thấy khả năng học một ngôn ngữ mới của mình nhanh như thế nào. Mình thấy xấu hổ vì đến tận tuổi này mới nói được có từng ấy thứ tiếng. Mình thấy dằn vặt vì đã không được ban cho một hoàn cảnh thuận lợi để theo đuổi ngôn ngữ như nhiều người khác trên thế giới. Đâu phải con bổ củi nào cũng được may mắn tự do nhảy nhót, ngẩng đầu lên là thấy trời xanh đâu.
Mình đã nhiều lần trả lời những lời khen của các bạn một cách khiêm tốn (thật lòng chứ không phải giả tạo) rằng mình chẳng là gì cả vì trên thế giới có rất nhiều những người như mình và hơn mình về ngôn ngữ. Mình biết vậy nhưng điều đó không có nghĩa là mình ngưỡng mộ họ hay phải hạ mình trước họ. Mình, hơn ai hết, hiểu rõ sự khác biệt giữa cuộc đời họ và cuộc đời mình. Đến hạt mưa còn có số phận, sa luống hoa cười hay xuống giếng ngậm ngùi đều do trời định. Mình chỉ cố gắng làm hết sức có thể trong điều kiện hoàn cảnh cho phép mà thôi. Và quan trọng hơn cả là mình chọn làm những thứ khiến mình thấy vui, thấy cuộc sống mình có ý nghĩa chứ không phải bỏ cả cuộc đời chạy theo ngôn ngữ, bất chấp những thua thiệt của bản thân để đua với các bạn trên thế giới, không khác gì vác người khổng lồ trên vai mà chạy đua với kẻ đứng trên vai người khổng lồ.
Những người theo đuổi ngôn ngữ chân chính đều hiểu rõ một điều rằng nếu một người có thể học được 3, 4 ngoại ngữ thì họ hoàn toàn có thể học thêm tới 9, 10, thậm chí vài chục ngoại ngữ khác. Chính vì đây là một điều rất bình thường mà các nhà ngôn ngữ hiểu rõ nên họ chẳng bao giờ tự hào về số lượng ngôn ngữ mà mình sử dụng được. Mình nói được 15 thứ tiếng là vì mình thích học 15 thứ tiếng, mình có điều kiện bay đi nơi này nơi khác để học 15 thứ tiếng, còn người khác chỉ dừng lại ở 5 thứ tiếng thôi là vì họ ở trong một hoàn cảnh khác, muốn/phải dành thời gian cho những thứ khác chứ không phải họ không thể học được như mình. Mình biết 15 ngôn ngữ nhưng chỉ học đến trình độ giao tiếp trong khi người khác lại lại chọn học chuyên sâu 5 thứ tiếng để làm việc, nghiên cứu. Mỗi người một mục đích, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng dù có học giỏi đến đâu thì xét cho cùng ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ để tiếp cận với kiến thức. Không ai hiểu sâu về ngôn ngữ mà lại tự hào về cái việc mình học được bao nhiêu thứ tiếng, cái việc mà nhiều người khác trong một môi trường và động lực nhất định đều có thể làm được. Những gì thu được từ kho tàng kiến thức của nhân loại thông qua chìa khoá ngôn ngữ mới là thứ đáng tự hào các bạn ạ.

Nguồn : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
tiếng Việt ta so với các ngôn ngữ khác như thế nào? Có thật là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" không?" Được hỏi câu này tôi nửa muốn trả lời nửa lại không. Muốn trả lời vì bản thân tôi cũng muốn chia sẻ cho bạn ấy cũng như mọi người biết suy nghĩ và đánh giá của tôi khi nhìn và so sánh tiếng Việt với các ngôn ngữ khác dưới con mắt khách quan của một người tìm hiểu về ngôn ngữ. Nhưng không muốn trả lời vì: Thứ nhất, nếu trả lời đầy đủ thì sẽ phải viết một bài nghiên cứu rất dài như kiểu luận văn, tôi không có thời gian cho việc đó; thứ hai: tôi ngại các thành phần thiếu kiến thức nhưng thừa "lòng tự hào dân tộc" nhảy vào quy kết rằng tôi dìm hàng tiếng Việt, không yêu nước
:vVậy, dựa trên hiểu biết hạn hẹp của mình tôi chỉ xin viết vài điều ngắn gọn như sau.
1. Xét về từ vựng, tiếng Việt là tổng thể của 3 loại từ là từ thuần Việt, từ Hán Việt và từ mượn phương tây. Sự tổng hoà này làm nên nét đẹp của tiếng Việt nhưng không phải chỉ có tiếng Việt mới có sự kết hợp này. Các tiếng như Nhật, Hàn đều là những tiếng có từ vựng xuất phát từ 3 nguồn trên. Các ngôn ngữ phương tây thì vay mượn từ tiếng Latinh và lai tạp lẫn nhau. Nhìn chung các ngôn ngữ trên thế giới đều có sự "giao lưu, học hỏi" theo thời gian do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hoá, chính trị, địa lý, lịch sử... Từ vựng tiếng Việt phong phú đa dạng nhưng không có nghĩa là từ vựng các nước khác không phong phú và đa dạng. Bản thân tôi thấy ở mỗi ngôn ngữ tôi học lại có một kiểu đa dạng trong từ vựng riêng. Các từ đồng âm khác nghĩa tiếng nào cũng có. Thêm vào đó có nhiều tiếng nước ngoài có những từ mà tiếng Việt phải dùng một cụm để giải thích và thay thế. Tiếng Việt dùng các từ đơn âm tiết để diễn tả sự vật, hành động, sắc thái... trong khi nhiều tiếng khác dùng từ đa âm tiết, theo tôi đánh giá là khó ghi nhớ, khó sử dụng hơn tiếng Việt. Ví dụ: Khó: difficult, difficile, 難しい (muzukashii), 어렵다 (eolyeobda)...
2. Xét về ngữ pháp, tiếng Việt có cấu trúc câu theo dòng ngữ pháp "thuận", tức là chủ ngữ + động từ + vị ngữ, tương đồng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Các thứ tiếng có ngữ pháp "ngược" như Nhật, Hàn sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho người học nói chung. Tiếng Việt không chia động từ theo ngôi (thứ nhất, thứ hai, thứ ba), số (ít, nhiều), giống (đực, cái) phức tạp như các thứ tiếng phương tây. Để diễn tả các thì và sắc thái câu (trang trọng hay suồng sã) tiếng Việt cũng không chia động/tính từ như Hàn, Nhật. Chúng ta đơn giản chỉ thêm một từ vào câu ("đã", "đang", "sẽ", "ạ"...) để thay đổi thì và sắc thái của câu đó. Sự linh hoạt này làm cho ngữ pháp tiếng Việt trở nên đơn giản hơn RẤT NHIỀU so với ngữ pháp các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên việc phân ngôi thứ trong đại từ nhân xưng cho hợp với từng ngữ cảnh của tiếng Việt cũng là một thách thức không nhỏ với người nước ngoài khi muốn sử dụng thành thạo. (Đến tôi là người Việt mà nhiều khi gặp một người ngoài đường tôi cũng lúng túng không biết nên xưng "em" hay xưng "cháu", kêu "chị" hay kêu "cô"
:v Có đứa mình muốn kêu nó bằng "em" nó lại kêu mình bằng "chú" :| ). Thật ra đặc điểm này cũng không phải chỉ tiếng Việt mới có. (Ai học tiếng Nhật chắc lúc đầu cũng vất vả với những atashi, watashi, watakushi, ware, boku, ore... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (TÔI), hoặc anata, kimi, omae, temae... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (BẠN)).
3. Xét về phát âm, tiếng Việt có tới 6 thanh điệu, mỗi thanh ghép vào từ lại cho ra những từ khác mang ý nghĩa khác nhau. Hoan hô, điều này giúp chúng ta làm phong phú từ vựng, giảm tải được số lượng từ đồng âm khác nghĩa và rút ngắn độ dài của từ. Nhưng nếu nói về độ khó thì đây cũng là điều khó khăn nhất đối với đại bộ phận người nước ngoài khi học tiếng Việt. Những người từng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hẳn cũng hiểu rõ một điều rằng cái khiến người nước ngoài "vật lộn" nhiều nhất khi học tiếng Việt không phải là ở ngữ pháp hay từ vựng mà là ở phát âm. Tuy nhiên hệ thống thanh điệu ở các tiếng như Quan Thoại, Quảng Đông thật ra cũng phức tạp không kém. Trong cái khó lại ló cái dễ. Người Việt chúng ta ai cũng biết muốn phát âm từ trong tiếng Việt thì chỉ cần nắm được bảng chữ cái và quy tắc ghép các chữ cái đó, có nghĩa là một người chỉ cần học được quy tắc thì gặp bất kỳ từ nào cũng có thể phát âm được. Một người có thể không hiểu gì nhiều về tiếng Việt nhưng lại đọc được văn bản bằng tiếng Việt, hoặc nghe người khác đọc văn bản tiếng Việt dù không hiểu gì nhưng vẫn viết được ra, điều mà ở các thứ tiếng khác người ta khó lòng làm được.
4. Xét về chữ viết, tạ ơn các ông giáo sĩ gì gì đó đã giúp chúng ta chuyển hệ thống chữ viết từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ
:v Một giai đoạn chuyển đổi dài nhưng thật sự hữu ích cho người Việt và người nước ngoài học tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ của người Việt cũng là hệ thống chữ Latinh du nhập từ phương tây, được xây dựng từ bảng chữ cái alphabet nên không phải là cản trở lớn đối với đa số người học. Tất nhiên với một số nước dùng hệ thống chữ riêng như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái, Ả Rập... thì họ sẽ thấy khó khăn, nhưng đây là khó khăn chung khi họ học các ngôn ngữ dùng chữ cái Latinh chứ không chỉ khi học tiếng Việt. Tôi cảm thấy may mắn vì tiếng Việt đã được "quốc tế hoá" như vậy, dễ dàng hơn cho tôi trong việc tiếp cận với các ngôn ngữ phương tây. Còn nếu nói về độ khó trong chữ viết thì loại chữ viết mỗi từ một kiểu như tiếng Trung, lai tạp đủ đường như tiếng Nhật, hay phát âm cùng một từ mà viết được vô số kiểu như tiếng Hàn thực sự sẽ làm nản lòng rất nhiều người học.
5. Xét về các hiện tượng bất quy tắc, nói chung so với một số ngôn ngữ khác mà tôi biết thì tiếng Việt có khá ít những trường hợp được coi là bất quy tắc. Có thể kể ra một số như "thứ hai, thứ ba, thứ TƯ, thứ năm"... hoặc "mười ba, mười bốn, mười LĂM"... Những ghi nhớ này không quá nhiều nên tôi cho rằng cũng không phải là trở ngại lớn cho người học. Ngược lại, các ngôn ngữ phương Tây có quá nhiều bất quy tắc, nhất là trong cách chia động từ. (Thậm chí ở một số tiếng như tiếng Đức hiện tượng bất quy tắc còn nhiều hơn cả theo quy tắc
:v ). Về một số ngôn ngữ phương đông, bất quy tắc trong phát âm và chia Pat'chim động/tính từ của tiếng Hàn quá nhiều; bất quy tắc của tiếng Nhật nằm ở một bảng dài những động từ có dạng ichidan (v1) nhưng thực chất lại phải chia ở dạng godan (v5), ở cách đọc các chữ Kanji tuỳ theo từng từ. Bất quy tắc của tiếng Trung nằm ở chỗ cùng một từ đơn mà thanh điệu biến đổi theo từng ngữ cảnh để cho ra các trường nghĩa khác nhau... Học những thứ tiếng này bộ nhớ của bạn thật sự sẽ bị thử thách.
Tóm lại, dưới góc nhìn của một người tìm hiểu về ngôn ngữ tôi đánh giá tiếng Việt không phải là thứ tiếng khó học. Phong ba bão táp có thể không bằng ngữ pháp Việt Nam nhưng núi lửa phun trào, biển khơi dậy sóng cũng không bằng ngữ pháp của các thứ tiếng khác
:v Mỗi ngôn ngữ đều có sự phong phú, đa dạng riêng, có những nét đẹp riêng nên ngôn ngữ nào cũng đáng trân trọng, đáng giữ gìn. Nhưng với một người học như tôi thì tôi luôn mong ngôn ngữ mình học là một ngôn ngữ linh động, đơn giản và dễ nắm bắt. Một ngôn ngữ khó không làm nên sự tự hào của một dân tộc. Một ngôn ngữ khó là rào cản của sự giao lưu văn hoá, thông thương mậu dịch, kết nối hoà nhập giữa dân tộc đó với các dân tộc khác. Tôi rất vui khi tiếng Việt không bao giờ được (bị) xếp nằm trong top những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Bài viết được trình bày sơ lược bằng kiến thức hạn hẹp của bản thân, hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót, mong bạn đọc chỉ bảo và bỏ qua cho. Xin cảm ơn vì đã đọc.

Tác giả : 3T
 
Top