Kinh Nghiệm Học Tiếng Nga : Bạn Hỏi Tôi Đáp

zaihanoi

Thành viên thường
Mình gặp 2 cụm từ sau: составная часть va составляющий элементы.Các bạn có thể giúp mình cách dùng của 2 từ составной và составляющий khác nhau chỗ nào đc không ạ? Cảm ơn mọi người :)
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
“Составная” sử dụng khi muốn nói “B là một phần của A”, tức là chỉ có ý “B nhỏ hơn A và nằm trong A” mà: 1) không nêu định lượng (một phần lớn hay nhỏ của A) và 2) không nói rõ ngoài B ra thì trong A còn những thứ gì nữa.
“Cоставляющий” thường dùng khi đã rõ cụ thể trong A có bao nhiêu thành phần. Ví dụ trong câu “Cоставляющие компоненты воды мoгут быть…” thì cụm từ “cоставляющие компоненты” thay cho водород và кислород mà ai cũng biết. Hoặc trong câu “cоставляющие компоненты плова должны быть предварительно хорошо промыты чистой водой” thì cụm từ “cоставляющие компоненты” thay cho рис, мясо, морковь và лук.
 

ngô đoàn hương giang

Thành viên thường
mn làm giúp e với ạ
Напишите, как Вы понимаете следующие выражения

открыть правду
человек со смеющимися глазами
простой человек
искренние слова
открывается широкая картина русской жизни
 

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
- Открыть правду:
1. говорить правду, показать правду.
Например: Она собирается всему открыть правду, а нам только молчать?
2. узнать правду, найти правду
Например: Я здесь, чтобы помочь вам открыть правду о себе.
- Человек с смеющимися глазами: это веселый, жизнерадостный человек.
- Простой человек: это человек, который не занимается важным местом в любом обществе, группе, не талантливый и известный.
- Искренние слова: это слова, которые произносятся от души от сердце, не ложь.
- Открывается широкая картина русской жизни: Мы знаем лучше о русскую жизнь.
 

levietbao

Thành viên thường
"Học ngoại ngữ có cần năng khiếu không?"

Đương nhiên rồi. Học ngoại ngữ cũng là một lĩnh vực cần đến năng khiếu, cũng như làm thơ, giải toán, chơi nhạc, chơi thể thao... Nhưng năng khiếu trong việc học ngoại ngữ cũng được chia ra làm nhiều loại. Thứ nhất là khả năng bắt chước, tức là người học có thể lặp lại y hệt những gì người khác nói, từ phát âm cho đến ngữ điệu mà không vấp phải nhiều khó khăn. Đây được coi là "năng khiếu vàng" trong việc học ngoại ngữ vì nó tạo cho người học sự tự tin trong giao tiếp và tạo cho người nghe nhiều thiện cảm về người học. Càng tự tin vì thấy mình làm được cái việc mà nhiều người không làm được thì lại càng muốn làm, khoảng cách trình độ giữa người có năng khiếu và người không có cũng vì thế mà ngày một xa. Tuy nhiên năng khiếu này không đúng với tất cả các ngôn ngữ. Thường thì một người nói tốt các ngôn ngữ phương đông sẽ không nói được tốt ngôn ngữ phương tây và ngược lại. Nói tốt ở đây không phải là nói ra cho người ta hiểu mà là phải có phát âm, diễn đạt câu, ngữ điệu đều chuẩn như người bản địa. Thật ra trên thế giới cũng có nhiều người làm được với nhiều ngôn ngữ ở cả hai nửa địa cầu nhưng số lượng này so với phần đông người học ngoại ngữ khác thì chỉ như "sao buổi sớm", "lá mùa thu". Thứ hai là khả năng ghi nhớ, tức là có thể nhớ lại một cách dễ dàng những gì mình đã học. Trí nhớ con ngươi chia ra làm hai loại: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Một người có trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ có thể ghi nhớ tạm thời một lượng ký tự nhất định trong một thời gian ngắn, trong khi một người có trí nhớ dài hạn tốt dù ban đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng nếu đã nhớ rồi thì nhớ rất dai. Cũng như năng khiếu về phát âm, không có nhiều người sở hữu được năng khiếu về cả hai loại trí nhớ này. Hai loại năng khiếu trên là tiền đề cho bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Nói tốt thì nghe tốt, mà đọc tốt thì viết tốt. Điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên một người học dù hội tụ được cả hai loại năng khiếu nói trên thì cũng không thể có thành tựu đáng kể nếu không chăm chỉ cần cù. Bạn có thể có năng khiếu hơn người khác nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được việc hơn người ta ở một ngôn ngữ nào đó nếu bạn không dành thời gian cho nó một cách tử tế. Có nhiều người phát âm và ngữ điệu không tốt nhưng người ta chịu khó đầu tư thời gian, nắm vững ngữ pháp, biết nhiều từ vựng, lại làm việc với người bản địa của thứ ngôn ngữ đó trong một thời gian dài nên chắc chắn người ta sẽ đánh bại bạn nếu hai người cùng ứng tuyển cho một công việc yêu cầu ứng viên phải dùng ngôn ngữ đó một cách chuyên nghiệp như phiên dịch đa chuyên ngành. Một người có năng khiếu và hứng thú là một người có thể chỉ mất 3 đến 6 tháng để giao tiếp được ở một ngôn ngữ nào đó, là một người có thể nói 10, 20 thứ tiếng... nhưng thường lại không thể làm việc một cách chuyên nghiệp với những ngoại ngữ mà họ biết. Bởi vì sao? Bởi vì bản thân họ chỉ chạy theo số lượng, tìm cách nâng con số ngôn ngữ mà mình "nói" được lên rồi dễ dàng cho rằng mình đã chinh phục được ngôn ngữ đó. Biết rất nhiều nhưng thật ra ngoài tiếng mẹ đẻ ra những thứ còn lại lại chẳng biết mấy. Quay vài cái clip, giao tiếp vài câu linh tinh để khoe phát âm, diễn giả nơi này nơi nọ nhưng vứt cho quyển tiểu thuyết hay bài thơ cổ bảo đọc là há mồm ngay. Dân đa ngữ chuyên nghiệp biết rất rõ điều này nhưng vì số lượng của họ là quá ít ỏi so với phần còn lại nên họ không thể giải thích, bóc mẽ cho thế giới hiểu bản chất của những "hiện tượng ngôn ngữ" trên. Một phần nữa cũng là vì họ muốn dành thời gian tập trung nghiên cứu cho bản thân mình chứ chẳng hơi đâu đi diễn trò như kẻ khác. Những "hiện tượng" như vậy vẫn được tung hô rầm rộ trên truyền thông thế giới, bởi vì truyền thông vốn cũng là những người không hiểu vấn đề và chỉ chăm chăm trục lợi từ sự thiếu kiến thức của người thường. Điều này có thể tốt về mặt gây danh tiếng cho một ai đó nhưng không tốt chút nào cho họ về mặt kiến thức.

Vậy vấn đề với những người học ở đây là gì?

1. Nếu bạn có hứng thú, có năng khiếu, chỉ cần một trong hai loại năng khiếu tôi nói ở trên, hoặc một phần của một loại năng khiếu nào đó thì tôi cũng rất khuyến khích bạn nên theo đuổi ngoại ngữ. Năng khiếu là món quà mà Thượng Đế đã ban cho bạn, không tận dụng và phát huy nó lên cực điểm chẳng phải lãng phí lắm sao? Chẳng phải có lỗi với bản thân mình lắm sao?

2. Nếu bạn cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian và nỗ lực để làm gì đó mà vẫn không làm đến chuẩn mực được thì nên bỏ nó đi. Không có năng khiếu không phải là không học được. Rất nhiều bạn gặp vấn đề với phát âm nhưng tôi khuyên bạn đừng cố gắng trong vô ích nếu bạn không có khả năng bắt chước. Nếu bạn có năng khiếu này thì chẳng cần ai dạy bạn cũng có thể phát âm tốt. Còn nếu không, có học đến đâu cũng chỉ đến thế thôi nên hãy chấp nhận phát âm của mình ở mức có thể khiến người nước ngoài hiểu được và dành thời gian đầu tư cho ngữ pháp, từ vựng, vốn là những thứ trọng yếu trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi so sánh với một đối thủ phát âm tốt mà yếu từ vựng, yếu kinh nghiệm thì chắc chắn bạn sẽ ở cửa trên. Những nhà tuyển dụng nhân tài ngôn ngữ họ không giống đám khán giả không hiểu biết, họ biết đánh giá và họ cần những người giỏi cả 4 kỹ năng, giàu kiến thức và làm được việc chứ không cần những người chỉ biết giao tiếp, chọc cười vài câu vớ vẩn.

3. Nếu bạn có thể học được nhiều ngôn ngữ, hãy học từng ngôn ngữ một cho đến nơi đến chốn rồi hẵng chuyển sang ngôn ngữ khác. Đối với mỗi ngôn ngữ hãy hướng đến chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi khó nhất của ngôn ngữ đó, sau đó thử thách mình ở những thứ cao siêu hơn. Bạn nói bao nhiêu ngôn ngữ không quan trọng bằng việc bạn thành thạo bao nhiêu ngôn ngữ. Chỉ cần học thật giỏi một ngoại ngữ thôi là bạn đã "có tiền" rồi. Học thêm được các ngoại ngữ khác đến tầm đó thì cơ hội tìm đến như trái chín loà xoà trước mặt chờ bạn hái. Còn nếu bạn chỉ nói được vài câu giao tiếp vớ vẩn ở một vài ngôn ngữ rồi mừng vì thiên hạ đã nể phục mình thì tức là cái người "có tiếng mà không có miếng" như bạn đang làm hại chính bản thân mình.

Năng khiếu là một yếu tố quan trọng giúp bạn học nhanh hơn nhưng không phải là thứ quyết định thành tựu của bạn. Dù có hay không có năng khiếu bạn cũng cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc một cách nghiêm túc cho thứ ngôn ngữ mà bạn chọn học. Hãy học một cách chăm chỉ, học mỗi ngày, học như thể đó là con đường duy nhất mà mình có thể đi. Nếu ngày xưa bạn có thể học thuộc bảng cửu chương 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, nếu người ở những nước đó có thể ghi nhớ hàng ngàn hàng vạn ký tự trong ngôn ngữ của họ thì không có lý do gì bạn lại không nhớ được chúng. Hãy dành bộ nhớ của mình cho những thứ hữu ích, tránh xa những thông tin nhảm nhí vô thưởng vô phạt được đăng hàng ngày vì chúng sẽ xâm chiếm bộ nhớ của bạn và làm bạn phân tâm. Hãy có trách nhiệm hơn với thời gian, với tiền bạc, với công sức mà mình bỏ ra. Thái độ của bạn với việc học mới là thứ quyết định tất cả.

Bài viết của tác giả : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
ĐI TÌM GIỚI HẠN !




Có nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào mà học được nhiều ngôn ngữ trong cùng một thời điểm như vậy. Làm thế nào để nhớ được nhiều thứ như vậy... nhưng tôi chưa bao giờ trả lời chính thức. Không phải vì tôi giấu nghề mà là vì con đường tôi lựa chọn cho việc học ngoại ngữ ở một đất nước như Việt Nam thì vừa khó đi lại có phần liều lĩnh. Có khi phải đánh đổi bằng nhiều thứ, phải đặt cược cả tương lai. Sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó, và không phải con đường cứ tốt cho người này thì cũng hay cho người khác. Tuy nhiên tôi cũng muốn chia sẻ một vài điều nho nhỏ.
Trước tiên tôi muốn nói rằng trong mỗi con người đều có một giới hạn. Giới hạn chịu đau, giới hạn chịu sức nặng, giới hạn nhảy cao, giới hạn chạy bền... Trí nhớ của con người đương nhiên cũng có giới hạn. Con người ta thường không biết chính xác giới hạn của mình ở đâu, thực tế là họ không thử. Họ "cảm giác" rằng mình chỉ làm được ở một mức nào đó (thường là na ná người khác) mà không dám thách thức những giới hạn cao hơn. Sự tự giới hạn mình lại đó vô tình đã giữ con người lại, làm tiêu tan niềm tin và động lực để cố gắng của họ.
Tư duy về trí nhớ của tôi thật ra rất đơn giản: Thử và thách thức các giới hạn. Đầu tiên xin khẳng định rằng tôi cũng chỉ là người bình thường, không phải "cậu bé google" hay thiên tài ghi nhớ nào cả. Xuất phát điểm của tôi đơn giản chỉ là sở thích. Để xây dựng sở thích ấy thành niềm đam mê là cả một quá trình. Ban đầu khi quyết định học nhiều ngôn ngữ một lúc tôi cũng đặt cho mình câu hỏi rằng "liệu mình có nhớ được hết không?". Nhưng tôi chợt nghĩ đến ngày bé, khi chúng ta phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Một bảng tính 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, ấy thế mà tất cả chúng ta sau những đêm "tụng kinh" đều thuộc nằm lòng. Nghĩ thử xem, chẳng phải là chúng ta đều giỏi, đều ghi nhớ tốt hay sao? Rồi tôi lại nghĩ đến những người Trung Quốc, Nhật Bản. Họ phải học vài nghìn ký tự dường như chả liên quan gì đến nhau, ấy vậy mà tất cả bọn họ đều nhớ được hết. Đâu có phải tất cả người ở các nước đó đều có trí nhớ thiên tài đâu. Chỉ là vì họ đã được lập trình sẵn về mặt tư tưởng rằng họ có một giới hạn cao hơn cho bộ nhớ ngay khi còn nhỏ.
Vậy tôi cũng phải lập trình lại tư tưởng cho giới hạn ghi nhớ của mình. Không thử thì không thể biết được. Tôi đã thử ghi nhớ nhiều ngôn ngữ. Không phải thử mấy cái bảng chữ cái mà là thử học thuộc vài quyển từ điển đồ sộ. Anh Việt, Trung Việt, Nhật Việt, Hàn Việt, Oxford... Đến bây giờ tôi vẫn ngồi ôm từ điển mà học. Hồi còn sinh viên tôi và bạn tôi (người nước ngoài) thường chơi trò đố từ ăn tiền, tức là mở cuốn từ điển ra và đố nhau một từ bất kỳ. (Sau rồi không ai dám chơi trò này với tôi ^^) Đôi khi cô ấy ngồi cạnh tôi, đọc tiểu thuyết bằng ngôn ngữ của đất nước cô ấy và tôi lại phải giải nghĩa cho cô ấy từ nào đó mà cô ấy không hiểu. Đó không phải là tôi giỏi hơn cô ấy về ngôn ngữ đó mà chẳng qua là vì tôi đọc nhiều hơn cô ấy mà thôi. Các bạn lưu ý là khi học tôi không bao giờ mất thời gian vào việc đi tìm công thức ghi nhớ cho từng ký tự. Đừng có tự làm mình lười đi như vậy. Thay vào đó gặp từ nào thì ghi nhớ nó một cách máy móc như một thử thách. Đó là cách rất tốt để rèn luyện trí nhớ. Bất cứ là rèn luyện cái gì, nếu rèn luyện trong gian khó thì bao giờ kết quả cũng cao hơn là rèn luyện trong sự thoải mái. Rồi tôi nhận ra bộ nhớ của con người rất kỳ diệu. Chúng ta có thể nhớ được nhiều hơn chúng ta tưởng, miễn là dám thử thách bộ nhớ để vượt qua chính mình, đi tìm giới hạn thật sự.
Để kiểm chứng và có thêm động lực học, tôi đi tìm "đối thủ". Nhiều bạn cho rằng tôi kiêu ngạo khi thách thức nhiều người khác, thật ra không phải. Tìm được người cùng chí hướng để thi đấu và nhận thất bại là một cách rất tốt để bản thân nỗ lực hơn, thử thách giới hạn cao hơn (mà người đó đang sở hữu). Người về nhất muốn tiếp tục đứng đầu thì phải duy trì cố gắng. Người về nhì muốn vượt qua người về nhất thì phải cố gắng gấp đôi. Nếu không dám thử các bạn sẽ không thể biết bản thân mình có thể làm được những gì. Chúng ta có những thiên tài một phần là vì vì họ sinh ra đã là thiên tài nhưng cũng không thể phủ nhận việc họ phải trải quả một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ, phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ để vượt qua các giới hạn. Thế giới này cao thủ như mây. Bản thân tôi không phải là thiên tài, thậm chí hai chữ nhân tài còn chưa xứng đáng. Tôi chỉ là một người rất bình thường nhưng liều lĩnh bất chấp mọi khó khăn và định kiến, tận dụng từng phút giây để kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.
Nguồn ( sưu tầm) : 3T
 
Top